Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 8.599
Thừa Thiên Huế: công nhận thêm 2 di tích lịch sử cấp Tỉnh
Lượt đọc: 58841Thời gian: 18:14 - 23/08/2017

(VHH) - Ngày 02/8, UBND tỉnh UBND tỉnh đã có quyết định công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 2 di tích trên địa bàn thuộc thị xã Hương Thủy và Hương Trà.

Theo đó, 2 di tích này là Địa điểm dốc Ông Ầm (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) và di tích Đền Văn Thánh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh.

Dốc Ông Ầm là vùng bán sơn địa có nhiều đồi núi liên kết với nhau theo kiểu hình lưng ngựa, vùng thấp trũng hoặc ngăn cách bởi các khe suối, tạo nên địa hình cheo leo chia cắt hiểm trở, lại gần đô thị Huế và vùng nông thôn rộng lớn ở các huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền... Với độ dốc từ 20-250, độ cao khoảng 100m so với mặt nước biển, từ vị trí dốc Ông Ầm có thể nhìn bao quát một vùng đồng bằng rộng lớn của 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền.  Ngoài ra, dốc Ông Ầm còn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, đó là dễ thủ khó công, việc hành quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm cũng dễ vì có nhiều đường ngang, lối tắt từ nhiều phía. Việc đánh địch cũng nhiều thuận lợi trong vận động chiến, lợi dụng địa hình, địa vật của dốc Ông Ầm có nhiều khe suối, cây xanh bao phủ nên quân và dân ta có thể tổ chức tập kích đánh địch và rút lui an toàn khi địch phản kích. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày nay dốc Ông Ầm vẫn là tuyến đường dân sinh và khai thác rừng của người dân địa phương.

Địa điểm dốc Ông Ầm là tuyến đường chứa đựng nhiều chiến công oanh liệt: Tuyến đường nối liền giữa chiến khu Hòa Mỹ, Dương Hòa và đường Hồ Chí Minh, tuyến đường vành đai nối liền 3 vùng chiến lược giữa miền núi, đồng bằng và thành phố Huế...Đây là địa danh có giá trị lịch sử tiêu biểu, đó là những trận chiến ác liệt đã diễn ra giữa ta và địch, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường của quân và dân ta, những tấm gương, anh dũng hy sinh trong chiến đấu, sức mạnh đoàn kết của thế trận chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc Việt Nam nói chung, của quân và dân Hương Trà nói riêng cho đến ngày toàn thắng.

Đền Văn Thánh nằm giữa cánh đồng rộng, xung quanh có nhiều cây cổ thụ, lùm cây hoang và các bụi tre rậm rạp che phủ, cách khá xa khu dân cư, lại được bao bọc bởi hệ thống các con hói nhỏ, chằng chịt chảy ra các con sông Như Ý và Lợi Nông (sông An Cựu) để nối làng Thanh Thủy Chánh với các làng xung quanh khu vực, như: Vân Thê, Lang Xá, Dạ Lê... Đền có tổng diện tích là 2.467m2, ngôi đền được bố trí nằm ở ví trí trung tâm của thửa đất, xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, mái lợp ngói, gồm có các công trình sau: Hồ bán nguyệt; Bình phong; Sân đền và Đền.

Đền Văn Thánh là nơi thờ Đức Khổng Tử - người sáng lập ra Nho giáo, được người đời sau suy tôn là Vạn Thế Sư Biểu (người thầy của muôn đời), là một vị Thánh về văn chương. Đền Văn Thánh được xây dựng nhằm thể hiện lòng thành kính đối với Đức Khổng Tử; đề cao đạo đức, lễ giáo phong kiến theo tư tưởng của Nho gia; tôn vinh sự học, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “cầu hiền đãi sĩ” theo đạo lý làm người của dân tộc. Ở làng Thanh Thủy Chánh, Hội Tư văn và đền Văn Thánh thờ Đức Khổng Tử được hình thành khá sớm vào khoảng thế kỷ XVIII.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Văn Thánh là nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo huyện Hương Thủy, lực lượng An ninh huyện, xã, đây còn là nơi sinh hoạt của tổ chức Đảng ở địa phương, như: Kết nạp đảng viên; học tập chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng, cách thức tuyên truyền vận động quần chúng tham gia cách mạng…

UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL