Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 12.645
Ban hành chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020
Lượt đọc: 116713Thời gian: 16:35 - 07/01/2012

         (VP) - Ngày 08/11/2011, Chính phủ đã Ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 10 năm được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2011-2015); giai đoạn 2 (2016-2020), tập trung vào các nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công.

Về cải cách thể chế, Chương trình sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung. Đổi mới thể chế về doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện thể chế về tổ chức và kinh doanh vốn nhà nước. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chínhở một sốlĩnh vực quan trọng như: Đầu tư; đất đai; xây dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất nhập khẩu; y tế; giáo dục; lao động; bảo hiểm; khoa học, công nghệ và một số lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo yêu cầu cải cách trong từng giai đoạn.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sẽ tiến hành tổng rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước). Trên cơ sở đó điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận.
Về công tác cán bộ, sẽ xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức trúng tuyển; các quy định về chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả viên chức lãnh đạo, quản lý; xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm. Chế độ thi nâng ngạch sẽ được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp Vụ trưởng và tương đương, Giám đốc sở và tương đương trở xuống được bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh. Có thể nói việc quy định thi tuyển cạnh tranh là điểm nhấn ấn tượng nhất trong các nhiệm vụ đề ra nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Về cải cách nền tài chính công, tập trung nguồn lực ưu tiên cho cải cách chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản; bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội, tiến tới xóa bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chi tiêu theo mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty; quản lý chặt chẽ việc vay và trả nợ nước ngoài; giữ mức nợ Chính phủ, nợ quốc gia và nợ công trong giới hạn an toàn.
Về hiện đại hóa nền hành chính, hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên Internet. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để đến năm 2020, 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc. Hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, Chính phủ hướng đến mục tiêu trên 80% cá nhân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.
Để thực hiện được những nhiệm vụ nêu trên, nhiều giải pháp quan trọng đã được đưa ra, trong đó đáng chú ý là giải pháp nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính đồng thời có chế độ chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác cải cách hành chính các cấp. Giải pháp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các giải pháp còn lại bởi nguồn nhân lực luôn là yếu tố tiên quyết trong mọi hoạt động.
Nhìn chung, so với Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đã vạch ra được những mục tiêu cụ thể và bước đi mạnh mẽ hơn. Hy vọng trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong 10 năm qua và với quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, Chương trình tổng thể cải cách hành chính sẽ được thực hiện thành công vượt cả những mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tới.
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL