Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.688
Dấu tích đàn cổ trong khuôn viên trường học ở Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 104635Thời gian: 21:41 - 09/05/2015

(VHH) - Đàn Sơn Xuyên ở Huế là đàn tế thần sông, núi còn lại duy nhất trong cả nước. Dấu tích đàn cổ này hiện nay còn nằm trong khuôn viên của một ngôi trường tiểu học đóng trên địa bàn.

Trong quần thể Di tích Cố đô Huế bao gồm 5 đàn tế: Đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Sơn Xuyên, đàn Tiên Nông và đàn Tịch Điền. Trong đó, đàn Sơn Xuyên được xây dựng vào năm 1852, dưới thời vua Tự Đức. Triều đình nhà Nguyễn đã giao Bộ Công trực tiếp phụ trách việc xây dựng đàn. Lúc bấy giờ, theo định lệ của nhà vua, loại đàn này được triển khai xây dựng tại 26 tỉnh suốt từ Bắc chí Nam. Ở các tỉnh khác, hằng năm mỗi khi triều đình tổ chức cúng tế xong là triệt giải chứ không làm kiên cố như đàn Sơn Xuyên ở Huế.

Về vị trí để xây dựng đàn, trong sách Đại Nam Nhất thống chí có viết: "Đàn Sơn Xuyên (Huế) ở xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, mặt hướng về Nam, thờ các vị thần núi cao sông lớn trong cõi".

Đàn Sơn Xuyên có lối kiến trúc khá giống đàn Xã Tắc - một đàn khác dùng để tiến hành các nghi lễ cầu thần đất và lúa, giúp mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an - hiện đã được phục dựng tại phường Thuận Hòa (TP Huế).

Hai tầng của đàn Sơn Xuyên đều được quy chế hình vuông. Các thợ phu ngày ấy, xây bao quanh mỗi tầng bằng gạch vồ, đá núi và ở giữa được đổ đầy đất rồi nện chặt. Xung quanh trồng cây xanh, ở trên trồng thêm cây cảnh.

Tầng trên của đàn cao hơn 1m, mỗi cạnh rộng 22m; tầng dưới cao gần 0,5m, mỗi cạnh dài khoảng 45m. Đàn Sơn Xuyên chính là khuôn mẫu nhỏ hơn của đàn Xã Tắc. Để phục dựng đàn Xã Tắc, các nhà nghiên cứu đã tham khảo lối kiến trúc từ đàn Sơn Xuyên.

Phối cảnh Đàn Sơn Xuyên

Đàn Sơn Xuyên là nơi cúng tế toàn bộ thần núi, thần sông của đất Thừa Thiên xưa. Theo sử cũ ghi, việc tế lễ ở đàn Sơn Xuyên được thực hiện vào các tháng trọng xuân và trọng thu (tức là tháng 2 và tháng 8 Âm lịch) hằng năm với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ vật tế gồm: 1 con bò, 1 con heo, 1 mâm xôi hạng lớn, 8 mâm quả phẩm (mỗi án 2 mâm), hương đèn, vàng bạc, trầu rượu, trầm trà. Còn về tế phục khi hành lễ tại đây thì các quan tế đều phải mặc quan phục đại triều.

Việc cúng tế ở đàn Sơn Xuyên được nhà Nguyễn duy trì đến triều Hàm Nghi năm thứ 1 (năm 1885) và Thành Thái thứ 1 (năm 1889). Từ thời điểm đó cho đến sau năm 1945, không thấy tài liệu nào nhắc đến việc sửa sang cũng như tế lễ ở đàn Sơn Xuyên. Về nguyên nhân, các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể trong giai đoạn này, chủ quyền của đất nước ngày một rơi vào tay thực dân Pháp nên việc cúng tế các thần sông núi cũng không được quan tâm. 

Hiện nay, dấu tích của đàn Sơn Xuyên còn nằm trong khuôn viên trường Tiểu học Phường Đúc ở đường Bùi Thị Xuân, TP Huế (Thừa Thiên Huế). Đàn chỉ còn tầng trên bị bóng hàng cây xanh phủ kín miệng. Những án thờ chư vị thần núi sông, bài vị và bia đá không còn. Thay vào đó là hai bệ thờ bằng bê tông, một điểm hóa vàng mã được người dân xây dựng từ khoảng năm 1969...

Hơn 155 năm trôi qua, ngôi đàn vẫn trầm mặc tồn tại cùng với thời gian. Một giáo viên dạy lâu năm ở trường Tiểu học Phường Đúc chia sẻ: "Hình ảnh quen thuộc của dấu tích đàn Sơn Xuyên đã trở thành một phần của trường chúng tôi. Hằng ngày, nhà trường thường tổ chức cho các em học sinh dọn dẹp vệ sinh xung quanh đàn. Qua đó, giáo dục các em biết tôn trọng những giá trị văn hóa của thế hệ trước".

BM (Theo Người đưa tin)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL