PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam: "Cần đánh giá kỹ tiềm năng, lợi thế trên quan điểm hiện đại"
Liên kết nội vùng Duyên hải miền Trung và liên kết liên vùng với Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Bắc Campuchia và Nam Lào để phát triển du lịch, lấy tọa độ trung tâm là vùng Duyên hải miền Trung, là hệ vấn đề đã được nghiên cứu - dù cơ bản mới chỉ ở mức độ sơ khởi - và được thảo luận tại một số cuộc hội thảo khoa học trong mấy năm vừa qua do Tổ Tư vấn Phát triển vùng Duyên hải miền Trung phối hợp với BIDV tổ chức. Nhưng đối với vùng Bắc Trung bộ, tuy là "liền khúc ruột miền Trung" và có hẳn 1 tỉnh giao thoa với Duyên hải miền Trung (Thừa Thiên Huế), song chủ đề liên kết phát triển du lịch giữa hai vùng lại được đặt ra khá muộn so với các vùng khác. Mãi đến nay, cuộc hội thảo về chủ đề này mới được tổ chức. Điều này phần nào phản ánh trình độ phát triển chưa cao và sức hấp dẫn liên kết chưa lớn của du lịch vùng Bắc Trung bộ.
Tuy nhiên, muộn vẫn tốt, thậm chí rất tốt, nếu hiểu theo nghĩa đây là việc tận dụng lợi thế đi sau, một lợi thế lớn và luôn có giá trị "tuyệt đối" trong thời đại ngày nay. Nhưng trong bối cảnh này, để sự liên kết phát triển du lịch giữa hai vùng được xác lập hiệu quả, việc đánh giá nghiêm túc, kỹ lưỡng tiềm năng, lợi thế, các vấn đề và triển vọng phát triển du lịch Bắc Trung bộ trên quan điểm hiện đại là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng"
Khu vực miền Trung là nơi tập trung nhiều di sản thế giới, với bờ biển và bãi biển đẹp, có thể sử dụng quanh năm, với sự đa dạng của phong tục, tập quán truyền thống, văn hóa... có tiềm năng thu hút và hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, du lịch khu vực miền Trung có xu hướng tăng trưởng mạnh trong bối cảnh Việt Nam chủ trương phát triển mạnh các sản phẩm du lịch di sản, du lịch văn hóa và đặc biệt là các sản phẩm du lịch biển.
Để phát triển du lịch, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo đánh giá thực trạng nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 đến năm 2020 cho thấy, nhân lực du lịch khu vực Bắc Trung bộ (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) chiếm 8,7% và khu vực Nam Trung bộ (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) chiếm tỷ lệ 7,3%. Như vậy, xét về tổng thể, nguồn nhân lực du lịch khu vực Trung bộ chiểm tỷ lệ 16% tổng lượng nguồn nhân lực du lịch của cả nước.
Như vậy, với tiềm năng phát triển du lịch của khu vực miền Trung, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho yêu cầu phát triển ngành du lịch khu vực là rất lớn.
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: "Thách thức trong liên kết phát triển du lịch biển đảo Bắc – Nam Trung Bộ"
Đặc điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên cũng như nét sinh hoạt văn hóa, sự tương đồng về thị trường khách du lịch (phân khúc thị trường…), vừa là điểm lợi thế cho liên kết phát triển sản phẩm đồng thời nó cũng lại là điểm khó cho xây dựng sản phẩm và liên kết.
Các sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng "na ná" như nhau dẫn đến khó khăn trong tạo sức hấp dẫn du lịch, xây dựng sản phẩm đặc thù/ đặc trưng và khó tìm ra "câu trả lời" cho câu hỏi “liên kết cái gì và liên kết như thế nào?” để tạo ra sự đa dạng, khác biệt, đặc trưng và lôi cuốn?
Cụ thể, đó là những thách thức như: Chất lượng sản phẩm du lịch mặc dù được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét; Chưa xây dựng được sản phẩm đặc thù cho vùng; Có nhiều cảng biển nhưng các cảng biển phục vụ cho du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phát triển, chưa tạo liên kết. Các tàu biển du lịch đang phải cập cảng chung với cảng hàng hóa, nên chất lượng dịch vụ cũng như điều kiện kỹ thuật tại các cảng này chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng, mong đợi của khách du lịch...
TS. Đỗ Cẩm Thơ - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: "Đẩy mạnh chuyên nghiệp hoá hoạt động xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu"
Để đảm bảo điều kiện liên kết xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu thì trước tiên, các vùng theo cơ chế ban điều phối hoặc bản thân các địa phương cần có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng xúc tiến, tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương. Các kinh nghiệm triển khai tổ chức thành công các chiến dịch xúc tiến quảng bá, quản trị rủi ro, xây dựng thương hiệu điểm đến.
Kế hoạch xúc tiến quảng bá giữa các địa phương cần được tham khảo lẫn nhau, theo đó, các hoạt động xúc tiến quảng bá liên kết cần được triển khai đồng bộ, thống nhất, theo cùng quy mô và cơ chế tham gia. Các địa phương cần thường xuyên cập nhật và học tập kinh nghiệm để cùng triển khai các hình thức hoặc các kênh xúc tiến quảng bá hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường.
Cần đẩy mạnh quảng bá điện tử, cải thiện tính hấp dẫn và tính năng trang thông tin điện tử, tham gia quảng bá qua các kênh mạng xã hội, xây dựng lòng tin của thị trường thông qua sự tin tưởng và giới thiệu của những người nổi tiếng hoặc những người có tầm ảnh hưởng.
Các địa phương trong mỗi vùng cần đặt liên kết trong trang điện tử, các địa phương ở vùng liên kết có cùng dòng sản phẩm cũng cần đặt liên kết trong trang điện tử. Không chỉ đặt liên kết mà các thông tin, bài viết cần thể hiện tính liên kết và thúc đẩy cao của du lịch trong vùng và các sản phẩm liên kết liên vùng Bắc và Nam Trung bộ.
Thực tế, thị trường khách du lịch của vùng Bắc Trung bộ hiện có và mục tiêu thu hút chủ yếu là khách du lịch nội địa trong khi vùng Nam Trung bộ thu hút cân bằng hơn về khách du lịch quốc tế và nội địa và là một trong các vùng thu hút số lượng khách du lịch quốc tế quan trọng của cả nước. Như vậy, đối tượng của hoạt động xúc tiến quảng bá của hai vùng có sự khác biệt dẫn đến các hoạt động xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường cũng khác nhau.
Theo đó, thị trường quốc tế và nội địa cần được tiếp cận theo các hình thức, công cụ, kênh, thông điệp, ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh khác nhau phù hợp vào thói quen, đặc điểm tâm lý xã hội của thị trường khách trong nước và quốc tế. Chính vì vậy quá trình liên kết cần đặc biệt chú trọng từng nội dung, hoạt động xúc tiến quảng bá trên cơ sở xác định rõ thị trường mục tiêu để lựa chọn việc tham gia vào mỗi chiến dịch xúc tiến quảng bá.