Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 11.295
Hội nghị sơ kết 02 năm (2021 - 2022) thực hiện sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm giai đoạn 2020 - 2024
Lượt đọc: 4463Thời gian: 15:57 - 28/12/2022

(VTH) - Sáng nay (28/12), sau chương trình khai mạc và trao Giấy chứng nhận và đĩa dữ liệu tư liệu Hán - Hôm cho các chủ sở hữu, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 02 năm (2021 - 2022) về sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm. Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu báo cáo kết quả thực hiện trong 2 năm qua, đồng chí Hoàng Thị Kim Oanh - Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho biết: Để có cơ sở triển khai các hoạt động, trong 02 năm 2021 - 2022, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã ban hành nhiều chương trình kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó chú trọng công tác phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, đồng thời căn cứ tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và quá trình khảo sát, sưu tầm tư liệu tại các địa phương, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã chủ động đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao xem xét điều chỉnh một số nhiệm vụ trong kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm giai đoạn 2020 - 2024 để phù hợp tình hình thực tế và đạt hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Về công tác khảo sát, điền dã, số hóa, trong năm 2021, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thực hiện tại 98 làng của 15 xã, thị trấn thuộc các huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền. Thực hiện số hóa tư liệu tại 26 làng với 197 họ tộc ở 4 huyện và 1 tư gia ở thành phố Huế với 53.542 trang tương ứng với 1.119 đầu tư liệu. Trong năm 2022, Thư viện Tổng hợp tỉnh tiếp tục tiến hành sưu tầm, số hóa tư liệu tại huyện Phú Vang và thành phố Huế với số lượng 17.955 trang tương ứng 321 đầu tài liệu (số liệu của năm tính đến thời điểm hiện tại). Tổng số trang tài liệu Hán Nôm mà Thư viện Tổng hợp tỉnh đã số hóa từ năm 2009 đến nay là hơn 417.955 trang tư liệu tương ứng với 5.211 đầu ở 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ, tư gia. Tài liệu được sưu tầm đều là văn bản gốc, khá đầy đủ và đa dạng các loại hình tư liệu Hán - Nôm ở Thừa Thiên Huế. Các văn bản được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau với nội dung phong phú và có giá trị trên nhiều lĩnh vực như văn bản học, lịch sử - văn hóa, tư tưởng và phong tục tập quán…

Bên cạnh công tác sưu tầm số hóa, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã chú trọng công tác tập huấn, bảo quản tư liệu Hán - Nôm tại nguồn cho các chủ sở hữu với số lượng khoảng 300 học viên là đại diện các chủ sở hữu tài liệu Hán Nôm ở các địa phương. Ngoài ra, Thư viện cũng đã tổ chức tập huấn công tác bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu Hán - Nôm cho viên chức và những đội ngũ làm công tác thư viện trong hệ thống các Thư viện công cộng, Thư viện các trường đại học, cao đẳng, các tủ sách cơ sở, hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh. Triển khai công tác phục chế tài liệu Hán - Nôm trên bản gốc tại các tư gia, dòng theo các quy trình, đồng thời tổ chức phân loại, đánh giá mức độ hư hỏng của tư liệu để đưa ra hướng xử lý.

Công tác phân loại và biên mục tư liệu được tổ chức và thực hiện thường xuyên. Trong 02 năm, đơn vị đã tiến hành biên mục tư liệu Hán - Nôm được 1.440 đầu tài liệu tương ứng 71.497 trang với các thể loại tài liệu cụ thể như: Sắc phong, địa bạ, bằng cấp, gia phả, văn tế và các văn bản khác.

Công tác quảng bá và phát huy giá trị thông qua việc xuất bản các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho các hoạt động trưng bày, triển lãm… Ngoài các hoạt động nêu trên, trong hai năm qua, Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng đã chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp phần mềm dựa trên những nền tảng công nghệ mới; thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua kênh truyền hình, trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội để những nhà nghiên cứu, bạn đọc theo dõi, tìm hiểu.

Hội nghị sơ kết cũng đã tiếp nhận hơn 10 bài viết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… Các bài viết và những tham luận trình bày tại hội nghị xoay quanh các nội dung: Đánh giá tổng quan số liệu được sưu tầm số hóa; thực trạng và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn tư liệu Hán - Nôm ở các dòng họ, tư gia trên địa bàn Thừa Thiên Huế; những giá trị và sự liên kết của nguồn tư liệu Hán - Nôm đến các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị; giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trong bối cảnh hiện nay…

Đánh giá tổng kết Hội nghị, đồng chí Phan Thanh Hải nhấn mạnh: Các phát biểu tham luận được trình bày và các ý kiến chia sẻ tại Hội nghị lần này có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp xoay quanh các vấn đề mà Hội nghị đã đề ra, đây là cơ sở để góp phần bổ sung những giải pháp, thông tin, tư liệu để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Hán - Nôm trong giai đoạn mới. Chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phan Thanh Hải đề nghị Thư viện Tổng hợp tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, tiếp tục tham mưu các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là làm tốt công tác để phục vụ khai thác và phát huy có hiệu quả các di sản tư liệu Hán - Nôm, đưa di sản Hán - Nôm đó đến với cộng đồng trong cuộc sống đương đại.

thuvien.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL