Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 7.338
Triển khai 4 mô hình, câu lạc bộ “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”
Lượt đọc: 578Thời gian: 08:57 - 25/09/2023

Thực hiện kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh về việc Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hoá và Thể thao triển khai thực hiện 04 mô hình, câu lạc bộ “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Mục đích của các mô hình, câu lạc bộ nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, nghệ nhân, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

1. Tổ chức bảo tồn Lễ hội cồng chiêng của người Bru Vân Kiều, bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc.

Mô hình này nhắm đến đối tượng thực hiện là Lễ hội truyền thống tiêu biểu tại địa phương. Qua đó khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

Theo Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phú Lộc, cơ quan được Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp thực hiện, trong thời gian hơn hai tháng, đơn vị đã phối hợp UBND xã Xuân Lộc triệu tập học viên để tổ chức lớp tập huấn truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội. Với số lượng 50 người gồm hội viên các đoàn thể, nghệ nhân, lực lượng đoàn viên, thanh niên bản Phúc Lộc đã tích cực tham gia tập huấn, tái hiện lễ hội truyền thống trên địa bàn. Lớp tập huấn đã được các nghệ nhân, người có am hiểu về văn hoá, nghệ thuật truyền dạy các nghi thức tổ chức lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ của người Bru Vân Kiều; đặc biệt là việc sử dụng các nhạc cụ như cồng, chiêng, trống trong biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ lễ hội.

Đội văn nghệ Bản Phúc Lộc

Cùng với việc tổ chức tập huấn địa phương cũng đã triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương về việc bảo tồn, phát huy giá trị nét văn hoá truyền thống của người Bru Vân Kiều. Trong thời gian đến, xã Xuân Lộc phối hợp Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phú Lộc sẽ tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội truyền thống với quy mô và số lượng lớn đảm bảo đúng bài bản một lễ hội truyền thống địa phương. Qua đó sẽ ghi lại quá trình làm tư liệu và phục vụ tuyên truyền, quảng bá văn hoá; duy trì tốt mô hình để phục vụ du khách qua các hoạt động du lịch cộng đồng ở địa phương.     

2.Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian (CLB dân ca truyền thống dân tộc Pahy) tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà.

Đối với mô hình này, Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã Hương Trà đã phối hợp tốt với UBND xã Bình Tiến tổ chức Khai giảng lớp tập huấn truyền dạy phương pháp, kỹ năng sinh hoạt câu lạc bộ dân ca truyền thống dân tộc Pa hy xã Bình Tiến. Câu lạc bộ dân ca truyền thống dân tộc Pa hy xã Bình Tiến thành lập trên cơ sở quyết định của Chủ tịch UBND xã, gồm 26 thành viên là những thanh niên nam nữ, người cao tuổi ở địa phương tham gia sinh hoạt với quy chế hoạt động rõ ràng, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Qua đợt tập huấn, thành viên của Câu lạc bộ được các nghệ nhân truyền dạy các nội dung gồm: Sử dụng cồng, chiêng, đánh trống, thổi kèn của người Pa hy; học hát giao duyên, Cha chấp; hát, múa dân ca truyền thống Pa hy,…

Ông Nguyễn Văn Duật, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã Hương Trà cho biết, ngay sau khi hoàn thành việc tổ chức tập huấn phương pháp, kỹ năng sinh hoạt câu lạc bộ, đơn vị phối hợp địa phương duy trì tốt Câu lạc bộ và tổ chức sinh hoạt định kỳ, đồng thời có kế hoạch kết nối các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở địa phương để Câu lạc bộ dân ca truyền thống dân tộc Pa hy xã Bình Tiến phục vụ du khách.

3. Xây dựng mô hình Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Cơ tu xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông

Thông qua mô hình này các đối tượng thụ hưởng là nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; Các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa phương.

Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2023, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Nam Đông phối hợp UBND xã Thượng Nhật đã tổ chức thành công việc tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ văn hóa cồng chiêng của người Cơ tu xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.

Theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Nam Đông, xã Thượng Nhật có tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và trên cơ sở nhu cầu tìm hiểu văn hoá bản địa của du khách, sắp đến UBND huyện sẽ phối hợp ngành du lịch xây dựng hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hộ dân phát triển du lịch. Đây là một dịp thuận lợi để phát huy mô hình bảo vệ văn hoá cồng chiêng của người Cơ tu xã Thượng Nhật thông qua việc phục vụ du khách bằng những chương trình biểu diễn, lễ hội của địa phương.

4. Xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng của dân tộc
Tà Ôi thôn Pa ris – Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới

Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện A Lưới, với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt Dèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa góp phần phát triển du lịch, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp UBND xã Lâm Đớt tổ chức tập huấn xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi thôn Pa ris - Ka Vin. Qúa trình xây dựng mô hình, đơn vị và địa phương thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật và hướng dẫn của các sở, ban, ngành liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu nghề dệt Dèng dân tộc Tà Ôi, thôn Pa ris – Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới năm 2023 phải đúng nguyên bản, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tạo nét văn hóa đặc trưng riêng hấp dẫn du khách thập phương. Đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đúng mục đích.

Lớp truyền dạy phương pháp, kỹ năng được các nghệ nhân truyền dạy cách cuốn sợi, xâu cườm thành sợi, cách lên khung, chọn màu, cách phối màu tạo hoa văn bằng len, chỉ; các thao tác dệt Dèng; cách tạo hoa văn bằng cườm…; Thuyết minh giới thiệu nghề dệt dèng truyền thống.

Với mong muốn xây dựng được nhiều mô hình, câu lạc bộ “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, Sở Văn hoa và Thể thao tiếp tục phối hợp các ngành và địa phương tích cực theo dõi các mô hình, câu lạc bộ đã được xây dựng được. Qua đó nâng cao chất lượng và nhân rộng để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL