Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 37.109
Lan tỏa và thực hành văn hóa Huế trên quy mô toàn tỉnh
Lượt đọc: 499Thời gian: 15:24 - 12/10/2023

(VHH) - Nghị quyết 54 NQ/TW về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế của Bộ Chính trị với tầm nhìn chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là cơ hội lớn cho địa phương khơi dậy những giá trị, những tài sản văn hóa và con người mà vùng đất đang giữ gìn, là cơ hội tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ về tư duy chiến lược phát triển trong xu thế hội nhập để Huế luôn luôn mới, tự tin với tâm thế một thuở Kinh kỳ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Hiếm có đô thị nào được định hướng phát triển trên nền tảng bản sắc văn hóa như đối với Huế. Thực tiễn đã chứng minh, thời kỳ hậu Kinh đô thì đô thị nào cũng trải qua những thăng trầm trong đầu tư và phát triển, sự hụt hẫng khi không còn vai trò đô thị trung tâm và thấy rõ nhất là sự ra đi của tầng lớp tinh hoa và hụt dần nguồn lực phát triển. Quy luật nghiệt ngã không trừ đô thị cố đô nào, không phải sau khi không còn vai trò kinh đô nữa thụt lùi trong phát triển nhưng thực chất phát triển chậm lại, trong khi đó các đô thị trẻ với sức sống mới vươn lên mạnh mẽ.

Đoàn rước cầu ngư ở phá Tam Giang 

Một bức tranh đang hiện ra, một viễn cảnh đang hình thành; chúng ta hình dung khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế, điều đầu tiên mà mọi công dân từ vùng cao A Lưới đến vùng bãi ngang ven biển, từ nông thôn đến đô thị đều được đón nhận đó là niềm tự hào khi được xưng mình là người Huế, cái tâm thế người Huế đó là ao ước của bao thế hệ thành hiện thực, cái cảm giác lâng lâng khi nhận mình là người Huế cứ thế trào dâng. Tôi là người Huế. Một chương mới trong lịch sử mở ra, nói đến Người Huế là nói đến người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, người Huế mình không còn là khái niệm chỉ người dân khu trú trên địa bàn trung tâm thành phố Huế hiện nay.

Một tâm thế mới với một vị thế mới của thành phố thực thuộc Trung ương đang mở ra những cơ hội và thách thức. Thách thức chính từ con người, thách thức chính từ tâm thế sẵn sàng của công dân thành phố tương lai. Mà tương lai đang đếm từng ngày, từng tuần, không còn quá xa, một hành trình gần 30 năm đang đơm hoa, kết trái.

Vui được mùa 

Người Huế từ lâu đã trở thành hình ảnh khá khác biệt do những tính cách riêng có của người dân Cố đô, những tính cách đậm chất Huế từ giọng nói đến ứng xử, ăn mặc đều toát lên những đặc trưng mà khi tiếp xúc, nhìn, nghe mọi người cảm nhận đó là người Huế. Cái bản sắc, cốt cách vốn có ẩn sâu trong mỗi con người Huế được tích lũy, trao truyền, bảo lưu  từ thế hệ này đến thế hệ khác đã tạo những nét văn hóa riêng của người Huế.

Lúa chín ở vùng cao

Sưu tầm, biên tập và thực hành văn hóa Huế trên phạm vi toàn tỉnh là nhu cầu cấp thiết có tính lâu dài để tạo cho người dân một tâm thế vững vàng khi Thừa Thiên Huế khoác lên mình một diện mạo mới là thành phố Huế trên phạm vi toàn tỉnh, là tầm nhìn không thể thiếu trong chiến lược phát triển đô thị Huế mà bản sắc văn hóa, con người Huế được xem là nền tảng. Lan tỏa, thực hành những giá trị văn hóa Huế trên phạm toàn tỉnh đang đặt ra như một chiến lược xây dựng văn hóa, con người Huế trong giai đoạn tới, một lộ trình không phải chỉ vài năm mà là cả một quá trình không đong đo được bằng thời gian, chỉ có điểm bắt đầu không có kết thúc.

Mọi người khi nghe đến người Huế sẽ nhìn ta vừa soi vừa ngưỡng mộ vì đơn giản con người Huế đã đi vào tâm thức của mọi người về vùng đất cổ kính, nhân văn. Cái tâm thế của người dân Cố đô cần phải có là thể hiện đậm nét về bản sắc văn hóa Huế mà trong tiến trình phát triển đô thị Huế không thể thiếu và có ý nghĩa hơn nữa khi bản sắc đó được lan tỏa, được thực hành trên quy mô toàn tỉnh, không chỉ còn khu trú trên một không gian của Huế trung tâm hiện nay. Song song tiếp nhận văn hóa Huế thì bảo tồn những giá trị truyền thống vùng miền, giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp tục giữ gìn như chính phần quan trọng của văn hóa Huế. Văn hóa Huế phải được lan tỏa và hội tụ, giao thoa trên các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn toàn tỉnh để tích tụ nên bản sắc của vùng đất mới, của một thành phố trẻ với quy mô đô thị toàn tỉnh nhưng cũng đủ tuổi chín muồi với hơn 715 năm hình hài của vùng đất Cố đô.

 Biểu diễn nhã nhạc ở Nhà hát Duyệt Thị Đường

Chủ đề văn hóa Huế, con người Huế đã được nghiên cứu khá nhiều thông qua công trình nghiên cứu khoa học, hội thảo, hội nghị quy mô địa phương và quốc gia. Tuy nhiên không nhiều công trình được sử dụng để khai thác trong thực tiễn phục vụ giáo dục, đặc biệt phổ biến cụ thể trong cộng đồng dân cư theo hình thức cầm tay chỉ việc, tính học thuật nghiên cứu, đánh giá vẫn là nội dung chi phối các đề tài. Đến lúc phải rà soát tổng thể những nội dung đã nghiên cứu, thảo luận để tổ chức biên tập, thực hành văn hóa Huế trong từng lĩnh vực có tính yếu tố đặc thù vùng miền, dân cư trên từng địa bàn. Một tiến trình tưởng chừng ai cũng biết, cũng am hiểu nhưng để thực hành và đặc biệt là lan tỏa không phải dễ làm được nếu không có một định hướng tổng thể, đồng bộ và quan trọng là cụ thể hóa cho từng đối tượng, cho từng lĩnh vực với quan điểm văn hóa Huế sẽ là nội dung xuyên suốt trong quá trình hình thành, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống không những chỉ cho thế hệ trẻ mà chính cho chúng ta, những người đang trong cuộc, trong hành trình làm nên bước chuyển mình lịch sử của đô thị Huế.

 Tuồng cung đình Huế

Vai trò ngành giáo dục trong giáo dục điạ phương, giáo dục kỹ năng ở trường học mặc dù đã có những đổi mới, định hướng sát hơn với yêu cầu thực tiễn chung của ngành giáo dục nhưng với nhiệm vụ thực hành văn hóa Huế cho học sinh, sinh viên, những thế hệ tương lai của thành phố Huế sau 2025 đang đặt ra cho ngành giáo dục tỉnh nhà nhiệm vụ rất đặc biệt, một nhiệm vụ vừa học vừa dạy. Các cô giáo, thầy giáo cũng phải học để đủ tâm thế với vai trò là công dân của thành phố Huế, vừa truyền đạt cho học sinh nhận biết, thực hành những giá trị mà mỗi công dân Huế phải biết khi mình là người Huế.

Lĩnh vực văn hóa phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ để hướng về cơ sở, thực hành văn hóa Huế trong dân, trong đời sống xã hội; để văn hóa trở thành môi trường nuôi dưỡng và lan tỏa chính giá trị của nó mà quan trọng là trên môi trường quy mô toàn tỉnh, công việc mà chúng ta đã triển khai, đã tập trung và có nhiều kết quả trên nhiều góc độ và phải tiếp tục khẳng định chưa bao giờ trở nên cấp thiết và ý nghĩa trong thời điểm hiện nay khi hệ giá trị gia đình Huế, chuẩn mực con người Huế, văn hóa làng… là nền tảng, là hồn cốt trong phát triển bền vững đô thị Huế bây giờ cũng như mai sau.

 Đoàn rước cầu ngư của người dân miền biển

 

Nhận diện gốc gác của mình để rồi chắt chiu những giá trị của vùng đất được tích tụ trong mỗi người từ nhân cách, lối sống, cách suy nghĩ, ứng xử, ăn mặc, lời nói… đều toát lên những phẩm chất của vùng đất Cố đô, những phẩm chất đó được giữ gìn, lan tỏa không ngừng cải tiến để thích nghi, hòa nhập trong cuôc sống đương đại, để Huế luôn luôn mới nhưng vẫn giữ nét cổ kính, bình yên.

Tiến trình phát triển đô thị Huế tiến tới thành phố trực thuộc Trung ương là niềm tự hào của mỗi công dân tỉnh nhà. Mọi người  tự hào về sự đóng góp to nhỏ, ít nhiều của mình trong tiến trình gần 30 năm, niềm tự hào đó sẽ tạo tâm thế cho mỗi người chúng ta khi bước vào giai đoạn mới Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vững vàng trong tâm thế mới chính là mạch nguồn năng lượng cho chúng ta khơi thông tài nguyên vốn có, làm cho di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để tạo giá trị phát triển vững bền.

 Học sinh thích thú khám phá Hoàng cung Huế

Người dân Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị bước sang trang sử mới với bao kỳ vọng sẽ khơi dậy tiềm lực văn hóa, con người của vùng đất Cố đô để Huế luôn là niềm tự hào, là vùng đất văn hiến với tâm thế một thuở Kinh kỳ. Cái vốn liếng mà tiền nhân đã để lại là gia sản, là tài sản mà mỗi người dân Huế đang thừa hưởng, đang có trách nhiệm gánh vác để đủ tâm thế tự hào mình là người Huế, cái tâm thế đó không phải ai cũng sẵn sàng, ai cũng có được mà phải được hình thành từ nhận thức, mà nhận thức đâu phải có được trong ngày một ngày hai. Đã nói đến nhận thức thì phải được bồi đắp bằng thời gian không tính bằng ngày, bằng tháng mà bằng năm, cả thế hệ. Phải chuẩn bị để cùng khởi động tiến trình phát triển đô thị để công dân Thừa Thiên Huế vững bước với hành trang văn hóa Huế trên chặng đường mới.

V.Vu (Theo baothuathienhue.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL