Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 7.343
Phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa và con người, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Lượt đọc: 508Thời gian: 14:24 - 20/10/2023

(VHH) - Sáng ngày 18/10, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới đất nước trong lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người do đồng chí Nguyễn Đức Hải - UVTW Đảng, Phó Chủ Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Tiếp và làm việc với đoàn có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Báo cáo tại buổi làm việc, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng, cho biết nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa, phát triển văn hóa, con người, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài; văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế, con người Huế nói riêng là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng; tạo mọi điều kiện và môi trường tốt nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng để tỉnh phát triển nhanh và bền vững và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đã huy động các nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa. Không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội.

Tập trung nghiên cứu và xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc của văn hóa Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống độc đáo, đặc trưng, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế. Chăm lo phát triển đời sống văn hóa xã hội, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống gia đình, tính cộng đồng, thân thiện, mến khách, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa, đậm bản sắc văn hóa Huế, hướng tới một xứ sở hạnh phúc. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh gắn với triển khai hiệu quả một số mô hình, phong trào thiết thực. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người tử tế, khoan dung, chân thành, trọng đạo lý. 

Thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phát triển nền văn hóa công vụ, hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, chuyên nghiệp, tận tụy. Quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế; văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp. Mở rộng các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa. Chăm lo, phát triển sự nghiệp văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa; chăm lo phát triển đời sống văn hóa xã hội, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống gia đình. Tỉnh đã nỗ lực huy động nguồn lực thực hiện và cơ bản hoàn thành dự án giải phóng mặt bằng, di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế trong năm 2022; Triển khai Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế và các đề án: “Huế - Kinh đô áo dài”; “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Xứ sở Mai vàng”, “Festival bốn mùa”, “Thành phố bốn mùa hoa”...

Các thành viên đoàn khảo sát trao đổi tại buổi làm việc

Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị tỉnh làm rõ hơn các giá trị về gia đình người Huế trong giữ gìn bản sắc văn hóa; đánh giá thực chất hiệu quả các thiết chế văn hóa nhất là các thiết chế văn hóa cơ sở; về chế độ chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; về xây dựng phát triển văn học nghệ thuật; định hướng đào tạo nghề nghiệp; việc đưa công nghệ số vào công tác giữ gìn, phát triển, tôn vinh di sản; hay làm rõ những kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc tôn giáo tại tỉnh…

Các ý kiến đề cập tại buổi làm việc đều được lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh giải đáp, phân tích, làm rõ thêm trên cơ sở củng cố hoàn thiện những giá trị văn hóa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao đổi tại buổi làm việc

Trao đổi tại buổi làm việc, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết  tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề để giải quyết từng vấn đề, lĩnh vực thế mạnh và còn yếu; rà soát, xây dựng lại quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực liên quan đến văn hóa. Qua đó, tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, các khu vui giải trí, công viên văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng lớn và các thiết chế văn hóa đồng bộ cho thành phố di sản, văn hóa, Festival của Việt Nam, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh, phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người là chủ trương lớn, thống nhất, xuyên suốt của Đảng. Việc chọn Thừa Thiên Huế là một địa phương có bề dày, có tiềm năng trong phát triển văn hóa – xã hội, xây dựng con người khảo sát là ý nghĩa rất lớn. Thừa Thiên Huế là địa phương thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, dịch vụ công; có nhiều thành quả lớn trên lĩnh vực xã hội – văn hóa, con người. Cấp ủy đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện nhưng đồng thời cũng là áp lực trong quá trình thực hiện các mục tiêu khi nguồn lực còn chưa đầy đủ… Sau cuộc làm việc hôm nay, Đoàn khảo sát sẽ cùng Thừa Thiên Huế tiếp thu các ý kiến kiến nghị; nghiên cứu sâu kỹ các thành tựu, hạn chế trong suốt quá trình phát triển vừa qua; từ đó, không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, con người trong sự phát triển chung.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các giá trị Thừa Thiên Huế đạt được trong bối cảnh cạnh tranh mới, phát triển văn hóa phải gắn với phát triển con người; giữ gìn những giá trị văn hóa giá đình; làm tốt chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế là văn hóa, các yếu tố chứa đựng văn hóa, là hệ thống di sản văn hóa hàng trăm năm, hệ sinh thái đầm phá đa dạng và phong phú. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Thừa Thiên Huế phải có chiến lược thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để duy trì và phát triển văn hóa; bổ sung thêm các biểu đồ, các số liệu so sánh, bổ sung chỉ số thành phần phát triển con người, chú trọng những vấn đề đặc trưng trong chỉ số phát triển con người Huế trong báo cáo. Qua đó, đề nghị tiếp thu các ý kiến của Đoàn khảo sát, ý kiến của đại diện lãnh đạo của sở, ban, ngành cũng như xin ý kiến rộng rãi, huy động nguồn lực phản biện xã hội các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên địa bàn để đóng góp để bổ sung hoàn thành báo cáo.

Tiếp thu các ý kiến của Đoàn khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chia sẻ Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa – xã hội, xây dựng con người đồng bộ với phát triển kinh tế; là nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Các nội dung mà đoàn khảo sát nêu tỉnh sẽ tiếp thu và hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc

V.Vũ (Theo thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL