Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.684
Sôi nổi những hoạt động trải nghiệm, khám phá di sản tại Ngôi nhà Thành nội
Lượt đọc: 2626Thời gian: 10:27 - 15/12/2023

Ngôi nhà Thành nội - Di tích đặc biệt lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đường Mai Thúc Loan là ngôi nhà đầu tiên cậu Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng gia đình Người đã từng sinh sống lao động và học tập trên đất Huế. Nơi đây, từ những năm 1895 - 1901, tuổi thơ của Người đã chứng kiến và trải qua những tháng ngày gian lao, vất vả của gia đình với sự tần tảo của mẹ và nỗi lo khôn cùng của cha. Kỷ niệm năm tháng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nỗi đau mất mẹ, là tiếng khóc của em thơ khát sữa, khắc đậm trong tâm hồn Người cho đến tận trước lúc đi xa. Trong tim Người, Huế không chỉ là một phần của miền Nam yêu quý mà còn là quê hương tuổi thơ. Và ngôi nhà Thành Nội đã ghi dấu những kỷ niệm buồn đau về hình ảnh người mẹ hiền hết mực thương yêu chồng con, người cha mẫu mực, nghiêm khắc nhưng đầy nhân nghĩa.

 

Tuổi thơ Nguyễn Sinh Cung ở ngôi nhà Thành nội cũng thấm đẫm tình thương yêu, sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con lao động nghèo xứ Huế khi bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Người) qua đời trong hoàn cảnh khốn khó. Nghĩa tình sâu nặng đó chính là những giá trị đích thực để hình thành nên nhân cách, đạo đức, chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người suốt đời phấn đấu hi sinh vì lý tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Với những giá trị đầy ý nghĩa nhân văn, ngôi nhà Thành nội đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1993, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2020, một di tích quan trọng trong hệ thống di tích và địa điểm di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế, di sản văn hóa về Người mà đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị.

Chiều ngày 14/12/2023, tại Ngôi nhà Thành nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế phối hợp Trường THCS Tố Hữu tổ chức chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá di sản với chủ đề “Dưới mái nhà tuổi thơ của Bác Hồ kính yêu”. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với các em học sinh. Đến dự chương trình hoạt động có các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; các thầy cô trong ban giám hiệu và các thầy cô giáo, 60 em học sinh trường THCS Tố Hữu. Các phóng viên báo chí đến dự và đưa tin.

Đồng chí Lê Thùy Chi – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã phát biểu khai mạc hoạt động, nhấn mạnh giá trị lịch sử của di tích, những dấu ấn về hoàn cảnh gia đình, con người Huế, văn hóa Huế đã khắc ghi trong tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Mong muốn qua hoạt động, các em học sinh sẽ có sự đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của cậu Nguyễn Sinh Cung thời thơ ấu, xây dựng ý thức chăm lo bảo vệ di sản của Người, cũng như nỗ lực, cố gắng học tập và rèn luyện ngày càng tiến bộ theo lời Bác dạy.

Trong không gian văn hóa ở ngôi nhà Thành nội đã vang lên những câu chuyện kể xúc động, lắng đọng về Người với chủ đề: “Dưới mái nhà tuổi thơ của Bác Hồ kính yêu”. Lấy bối cảnh sân khấu là ngôi nhà di tích, phần nhạc minh họa.  Các thí sinh đã tham gia kể những câu chuyện xoay quanh thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế, như: “Bác Hồ và Huế - Tuổi thơ khó quên”, “Bác Hồ và Quốc Học Huế 1908 – 1909”, “Tiếng khóc em thơ”, “Xin sữa”, “Nguyễn Tất Thành với phong trào chống Thuế 1908”... Thời gian kể là 07 phút, bao gồm rút ra bài học cho bản thân, và sau đó là trả lời câu hỏi liên quan do ban tổ chức đưa ra.

Trò chơi Nhận diện di sản là trò chơi vận động diễn ra hết sức sôi nổi và thú vị dành cho 04 đội chơi, các em phải vượt chướng ngại vật “Ném bóng vào rổ”, bốc thăm câu hỏi và trả lời với thời gian mỗi lượt chơi 15 phút. Mỗi câu trả lời đúng sẽ được một mảnh ghép hình ảnh về di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế và dán lên bảng. Nếu không trả lời đúng phải quay lại để thành viên trong đội lên trả lời. Sau đó, cử đại diện lên gọi tên di tích và giới thiệu nội dung ngắn gọn.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động trải nghiệm đòi hỏi sự khéo léo như: in tranh bằng mộc bản hình ảnh các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh theo kỹ thuật in tranh làng Sình trên giấy dó. Trải nghiệm vẽ trang trí quạt giấy bằng màu nước, chủ đề về di tích Bác Hồ.

Với tinh thần học hỏi, sự chuẩn bị chu đáo và tham gia nhiệt tình của các em học sinh, sau chương trình hoạt động, các em học sinh đã được trao giải qua các phần thi kể chuyện, nhận diện di sản. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cũng trao Giấy chứng nhận và hoa cho Trường THCS Tố Hữu, đơn vị đã tích cực phối hợp tổ chức hoạt động.

Hoạt động tìm hiểu, khám phá di sản được tổ chức ở Ngôi nhà Thành nội thành công tốt đẹp, hết sức có ý nghĩa trong việc lan tỏa những giá trị lịch sử của di tích. Thông qua hoạt động để tăng cường sự kết nối giữa di tích và những trường học trên địa bàn, từ đó tăng hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế; góp phần xây dựng và hình thành, củng cố trong các em học sinh ý thức chăm lo, bảo vệ di tích của Người, quyết tâm học tập và rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại.

 

BTHCM
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL