Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 41.871
Kết quả rà soát, đánh giá mô hình các thiết chế nhà văn hóa, thư viện xã, bưu điện xã, tủ sách pháp luật trên đị bàn thành phố Huế
Lượt đọc: 307Thời gian: 10:04 - 28/12/2023
Ảnh nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Huế

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 549-TB/TU ngày 04/12/2023 để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bảo đảm hoạt động hiệu quả, phát huy giá trị; UBND Thành phố Huế đã rà soát, đánh giá lại mô hình các thiết chế nhà văn hóa, thư viện xã, bưu điện xã, tủ sách pháp luật trên đị bàn...

 

1. Thiết chế nhà văn hóa cấp xã

- Thành phố luôn quan tâm, đầu tư hoàn thiện, phát huy công năng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, hiện 22/36 địa phương có trung tâm văn hóa/nhà văn hoá cấp phường, xã (17 công trình bảo đảm chất lượng hoạt động, 5 công trình xuống cấp), còn 14 địa phương chưa có trung tâm văn hóa/nhà văn hoá: An Cựu, An Đông, An Hòa, An Tây, Gia Hội, Hương Long, Hương Sơ, Phú Hậu, Thuận Hòa, Thủy Biều, Hương An, Hương Hồ, Phú Thanh và Phú Dương.

- Các Trung tâm văn hóa/Nhà văn hóa xã, phường hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn quy định; trang thiết bị hoạt động thiếu thốn, chất lượng hoạt động chưa cao, chủ yếu phục vụ các buổi sinh hoạt, hội họp của địa phương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chưa thường xuyên, chỉ có hoạt động thường xuyên tại một số địa phương như Phú Hội, Đông Ba, Phước Vĩnh, Thuận Lộc.

- Việc thành lập Ban Chủ nhiệm Trung tâm văn hóa/nhà văn hóa: các địa phương chưa tham mưu thành lập Ban chủ nhiệm và ban hành quy chế hoạt động theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ yếu giao cán bộ, công chức văn hóa - xã hội trực tiếp quản lý, nên chưa phát huy được các hoạt động cũng như công năng sử dụng các thiết chế (hiện chỉ có  Trung tâm văn hóa phường Phú Hội được thành phố ra quyết định thành lập Ban chủ nhiệm theo đúng quy định) và chưa hình thành nên các câu lạc bộ về văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương.

2. Thiết chế nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng thôn/tổ dân phố

- Toàn thành phố hiện có 189 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn/tổ dân phố, trong đó 30 nhà văn hóa liên thôn/tổ dân phố, 159 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn/tổ dân phố, 189/360 thôn/tổ dân phố, đạt tỷ lệ 52,5%, hầu hết các cơ sở được tận dụng từ các trụ sở, trường học cũ, nên hiện trạng các công trình đã xuống cấp, hư hỏng.

- Các hoạt động phổ biến được diễn ra tại các nhà văn hóa tổ dân phố chủ yếu là hoạt động mang tính định kỳ như: hội họp của các hội, đoàn thể, chi bộ Tổ dân phố, định kỳ mỗi tháng 1,2 lần; tuyên truyền vào các dịp lễ, tết, bầu cử … và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như câu lạc bộ người cao tuổi, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng, bóng bàn được thành lập và sinh hoạt thường kỳ tại một số nhà văn hóa các địa phương. Người dân ở nhiều thôn, tổ dân phố đã quan tâm đến đời sống tinh thần và hoạt động văn hóa tại địa phương. Ý thức xây dựng hoạt động và giữ gìn cơ sở vật chất nhà văn hóa được quan tâm. Một số nhà văn hóa tổ dân phố phối hợp với các cơ sở thể dục thể thao hoạt động một số môn thể thao như thể dục thẩm mỹ, thể dục thể hình, các môn võ thuật, khiêu vũ, yoga nhằm tạo nguồn thu kinh phí để phục vụ cho nhà văn hóa như điện, nước, vệ sinh môi trường, đồng thời là nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cho các nhà văn hóa sau này.

- Việc thành lập Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa: các địa phương chưa thành lập Ban chủ nhiệm và ban hành quy chế hoạt động theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ yếu giao cho cán bộ cốt cán ở thôn/tổ dân phố trực tiếp quản lý, nên chưa phát huy được các hoạt động cũng như công năng sử dụng các thiết chế.

3. Thư viện:

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Huế không có các loại hình thư viện công cộng, thư viện cộng đồng cấp huyện, xã. Một số tủ sách pháp luật, tủ sách tư nhân đã được hình thành nhưng không chính thức hoạt động để phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, thế mạnh của thành phố Huế là có hệ thống cafe sách, book store, các nhà sách lớn và cả thư viện Tổng hợp tỉnh đều thuộc địa bàn thành phố Huế, đây là điểm mạnh cần khai thác và phát huy để góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân, nhất là đối tượng học sinh sinh viên tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố.

Từ thực trạng hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở như trên, UBND thành phố Huế đã đề ra phương hướng, giải pháp và đề xuất kiến nghị cấp trên sớm có cơ chế và chính sách đầu tư nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, sắp xếp các cơ sở nhà và đất đang bỏ trống để bố trí làm nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, bảo đảm một khu dân cư có một nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Cần phải có cơ chế và quy chế hướng dẫn về quản lý, sử dụng và tạo nguồn kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa ở cơ sở và khu dân cư. Thực hiện các chính sách và cơ chế đặc thù đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức các hoạt động ở các thiết chế văn hóa cơ sở. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Thành phố Huế là đơn vị hành chính trung tâm của thành phố Huế. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu văn hóa cơ sở sẽ tác động trực tiếp đến điều kiện an sinh xã hội, hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố, góp phần thiết thực để hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Dương Ngọc Linh (tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL