Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 9.537
Nghệ thuật bài chòi, chặng đường 5 năm bảo tồn và phát huy
Lượt đọc: 259Thời gian: 15:05 - 11/01/2024

Nghệ thuật Bài Chòi là một sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, một đặc trưng quý của vùng đất Trung bộ Việt Nam. Năm 2017, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã được Unesso ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản chung của 09 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng).

 

Hô, hát Bài Chòi là một sáng tạo mang đậm sắc thái dân gian của cộng đồng nhân dân các tỉnh miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, được đánh giá là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất và hội họa... Chính vì vậy, hô, hát Bài Chòi, hay hội chơi Bài Chòi mang một màu sắc độc đáo không phải loại hình trình diễn nào cũng có được. Nét độc đáo của nghệ thuật Bài Chòi dân gian ở Huế chính là những câu vè, điệu hò gần gũi được rút ra từ những câu ca dao, tục ngữ xưa để lại hoặc do anh hiệu, chị hiệu tự phóng tác, sáng tác. Những câu hò, vè mang nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước... từ đó, giúp chúng ta hiểu được tính cách của người dân xứ Huế mang vẻ đẹp chân chất, ngay thẳng và nhân ái. Ở Huế, nghệ thuật Bài Chòi dân gian có những nét khác biệt so với lối chơi Bài Chòi ở các tỉnh miền Trung khác như Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định. Sự khác biệt ấy thể hiện ở nội dung câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một hội Bài Chòi. “Anh Hiệu” sáng tác ra những câu hò có nội dung gợi nghĩ đến những lá bài trong bộ Bài tới mang những hình vẽ dân gian đặc sắc. Hát, hô Bài Chòi góp phần tăng thêm sự hào hứng cho cuộc chơi, giúp người chơi vừa được thưởng thức điệu hò, vừa rèn trí tuệ, trở thành một trò chơi văn chương tao nhã. Hát, hô Bài Chòi là một loại hình văn nghệ không chuyên nên không có ông bầu hay đạo diễn mà diễn viên là những nông phu, nông phụ, trai gái trong làng tự nguyện làm thành viên, là những người có năng khiếu văn nghệ, có giọng hò, câu hát, có tài ứng đối điêu luyện mà trong mỗi làng, mỗi xã chỉ có vài người. Khán thính giả là những người cùng lao động, những người trong xóm, trong làng hoặc những du khách tham quan về dự hội Bài Chòi. Trò chơi Bài Chòi vừa có tính chất sôi nổi, hào hứng của làn điệu hò mái nhì, mái đẩy vừa khoan thai, trầm lắng như tâm hồn người dân xứ Huế. Thông qua nội dung của những câu hò, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước... Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật Bài Chòi dân gian còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Thực hiện Quyết định số 2076/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án và đạt được những kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác tuyên truyền, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa về di sản nghệ thuật Bài Chòi

Công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi từng bước được triển khai hiệu quả. Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế thực hiện các chương trình giới thiệu nghệ thuật Bài Chòi để phát trên sóng truyền hình và phát thanh của Đài. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế đã xây dựng và duy trì các chương trình tuyên truyền, quảng bá về di sản nghệ thuật Bài Chòi, qua đó, đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ ở các cấp chính quyền nói chung và cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tiến hành nghiên cứu, kiểm kê di sản nghệ thuật Bài Chòi để xây dựng hồ sơ khoa học di sản nghệ thuật Bài Chòi, trên cơ sở đó đã phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê sưu tầm các làn điệu Bài Chòi có nguy cơ mai một, thất truyền, để bảo tồn cũng như khẳng định giá trị độc đáo, tính đặc trưng, bản sắc của di sản nghệ thuật Bài Chòi.

2. Chương trình đưa di sản nghệ thuật Bài Chòi vào trường học

Nhận thức được tầm quan trọng của việc trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ, giúp các em nhận diện di sản nghệ thuật Bài Chòi, từ năm 2019 đến năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã (Quảng Điền, Hương Thủy, Nam Đông) tổ chức 07 lớp tập huấn hát Bài Chòi trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 02 lớp tập huấn cho 48 học viên là những người yêu thích, đam mê Bài Chòi trên địa bàn huyện Quảng Điền và Nam Đông, 05 lớp tập huấn đưa di sản Bài Chòi vào trường học cho 75 giáo viên bộ môn Âm nhạc, tổng phụ trách các trường và 225 em học sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, cụ thể:

- Phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy tổ chức 03 lớp tập huấn đưa Di sản Bài chòi vào trường học trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ với số lượng 150 học viên là giáo viên, học sinh tham gia. 

- Phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền tổ chức 01 lớp tập huấn với hơn 30 học viên là những người yêu thích, đam mê Bài Chòi trên địa bàn huyện (năm 2020) và 01 lớp tập huấn đưa di sản Bài Chòi vào trường học cho hơn 100 học viên là giáo viên âm nhạc, tổng phụ trách và học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện (năm 2022).

- Phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông triển khai kế hoạch tổ chức tập huấn, thực hành trình diễn bài chòi năm 2022 cho 18 học viên và tổ chức lớp tập huấn đưa di sản Bài Chòi vào trường học cho 50 học viên là giáo viên âm nhạc, tổng phụ trách và học sinh trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Sau khi hoàn thành khóa tập huấn hát hô Bài Chòi, các giáo viên Âm nhạc sẽ đưa di sản Bài Chòi vào dạy lồng ghép trong chương trình môn Âm nhạc cũng như các chương trình ngoại khóa của các trường để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh. Thông qua hoạt động này, các em học sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về nghệ thuật Bài Chòi, xem các nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi và đặc biệt, các em được tham gia trực tiếp vào các hội chơi Bài Chòi, được các nghệ nhân hướng dẫn hò các làn điệu Bài Chòi với tinh thần tươi vui, sôi nổi, vừa chơi vừa học nhằm tạo sức lôi cuốn đối với học sinh.

Có thể nói, Chương trình đưa di sản Bài Chòi vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát hô Bài Chòi mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng lời hò. Từ đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản Bài Chòi. Đồng thời, việc đưa di sản Bài Chòi vào trường học sẽ giúp các em có niềm đam mê với Bài Chòi nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung, giúp các em học sinh có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu Bài Chòi. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi, bồi đắp cho thế hệ trẻ giá trị thẩm mỹ và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã được Unesco ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

3. Tổ chức hoạt động Câu lạc bộ về di sản nghệ thuật Bài chòi

Bài Chòi là sự sáng tạo, sự thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân vùng nông thôn tham gia hưởng ứng. Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật Bài Chòi mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui. Hiện nay, di sản nghệ thuật Bài Chòi còn được thực hành tại các xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy); thị trấn Phú Lộc, xã Vinh Hưng, xã Vinh Mỹ, xã Vinh Giang (huyện Phú Lộc); thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); xã Hương Lộc (huyện Nam Đông)... Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Bài Chòi có cả một tiến trình chuyển hóa đặc sắc để phù hợp với từng địa phương.

Nhằm duy trì hình thức tổ chức các hoạt động di sản nghệ thuật Bài chòi tại các Lễ hội “Chợ quê Ngày hội”, Festival làng truyền thống Huế, các chương trình chợ đêm cuối tuần, các ngày lễ lớn trong năm và các dịp Mừng Đảng mừng Xuân chào năm mới, Hương Thủy đã thành lập 06 câu lạc bộ Bài Chòi trên địa bàn thị xã nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài nước, gắn với sinh hoạt của các Câu lạc bộ Bài Chòi.

Huyện Quảng Điền đã thành lập Câu lạc bộ Bài Chòi tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, đồng thời góp phần tạo ra sản phẩm làm phong phú cho hoạt động du lịch cộng đồng. Đặc biệt, năm 2022 đã đưa di sản nghệ thuật Bài Chòi vào chương trình lễ hội “Sóng nước Tam Giang” để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài địa phương.

Trên địa bàn huyện Nam Đông cũng đang duy trì hoạt động của câu lạc bộ Bài Chòi xã Hương Lộc, di sản nghệ thuật Bài Chòi cũng được đưa vào các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân tại Nhà văn hóa huyện.

Trên địa bàn huyện Phú Lộc hiện có 06/17 xã, thị trấn duy trì giao lưu Bài Chòi vào dịp Tết hàng năm. Hiện nay, xã Vinh Hưng đã thành lập 01 câu lạc bộ Bài Chòi với sự tham của công chức văn hóa xã hội, những người có kinh nghiệm và những người đam mê Bài Chòi, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân và phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch, qua đó duy trì hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ Bài Chòi.

Việc tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động các câu lạc bộ Bài Chòi trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với yêu cầu hiện nay về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản nghệ thuật Bài Chòi nói riêng. Với mong muốn đưa di sản nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với cộng đồng, các câu lạc bộ Bài Chòi được hình thành tại các địa phương sẽ tạo ra sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi…

Nguyễn Thị Lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL