Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 27.582
Hòa giải ở cơ sở: Vận dụng pháp luật kết hợp với tình làng nghĩa xóm
Lượt đọc: 155Thời gian: 10:08 - 25/01/2024

Sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), công tác HGƠCS có nhiều chuyển biến tích cực, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư; qua đó, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Giải quyết hiệu quả tranh chấp

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Công tác HGƠCS là nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và đội ngũ hòa giải viên (HGV) là lực lượng tuyến đầu thực hiện công tác giải hòa các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện các quy định của Luật HGƠCS vào thực tiễn, góp phần đưa công tác HGƠCS ngày càng đi vào nề nếp và thực sự là phương pháp giải quyết tranh chấp trong cộng đồng Nhân dân hiệu quả.

Ông Lê Trọng Trí, thành viên tổ hòa giải thôn Tây Thành, xã Quảng Thành (Quảng Điền) cho biết, tôi làm công tác HGƠCS 10 năm nay. Năm nào tôi cũng được tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ HGƠCS. Tại các lớp bồi dưỡng, chúng tôi được cập nhật kịp thời các kiến thức pháp luật mới, hướng dẫn xử lý tình huống trong thực tế; qua đó, chất lượng HGƠCS được nâng cao. Trung bình mỗi năm, tổ hòa giải từ 5-8 vụ việc, trong đó nhiều vụ việc khó, liên quan đến đất đai, ranh giới giữa các hộ gia đình, bạo lực gia đình…

Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Quảng Điền, bà Phan Thị Minh Nguyễn chia sẻ, huyện hiện có 95 tổ hòa giải với 566 HGV ở cơ sở (mỗi tổ có 5-7 người). 10 năm qua, toàn huyện đã tiếp nhận hòa giải 1.131 vụ việc. Nắm chắc kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải, cùng tinh thần trách nhiệm, các HGV đã hòa giải thành 903 vụ. Việc hòa giải chủ yếu là “dàn xếp” chứ không phải “xét xử”. Các tranh chấp, xung đột gây thiệt hại nhỏ về tài sản; tranh chấp về hôn nhân gia đình; các vụ tranh chấp nhỏ, lặt vặt nếu không được đội ngũ HGV dàn xếp sớm, lâu ngày sẽ dẫn đến tranh chấp lớn. Do đó, đội ngũ HGV của huyện đã phát huy vai trò, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: Để hòa giải thành công, đội ngũ HGV đã chủ động nghiên cứu văn bản pháp luật, tìm hiểu thực tế, gặp gỡ, động viên, thuyết phục các hộ dân nhiều lần, vận dụng pháp luật, tình cảm làng xóm, có những việc mời cả cán bộ xã, thị trấn xuống giúp. Công tác hòa giải không chỉ góp phần xây dựng đại đoàn kết Nhân dân, mà còn hỗ trợ chính quyền thực hiện tốt và đảm bảo quản lý tốt Nhà nước theo quy định của pháp luật. Huyện sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng đội ngũ HGV, lựa chọn những người có uy tín và năng lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Để công tác thi hành Luật HGƠCS hiệu quả, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật HGƠCS với nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng, thông tin đại chúng, loa truyền thanh, sân khấu hóa. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ HGƠCS được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện thường xuyên; qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ HGV có nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và có uy tín, thực hiện hiệu quả công tác HGƠCS.

Từ việc được tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, đội ngũ HGV ngày càng nâng cao kiến thức, kỹ năng HGƠCS. Đáng chú ý, đến nay đã xây dựng và phát triển 100% tổ hòa giải tại thôn/tổ dân phố trên địa bàn cấp huyện theo hướng đảm bảo về số lượng, chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 1.106 tổ hòa giải, với 6.598 HGV. Các HGV đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác HGƠCS.

Nhận rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin, nhờ triển khai thi hành luật hiệu quả, công tác HGƠCS có chuyển biến tích cực, chất lượng hòa giải các vụ việc được nâng lên. Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong 10 năm trên địa bàn tỉnh là 11.176 vụ, việc; trong đó, có 8.988 vụ việc hòa giải thành (chiếm 80,4%); qua đó, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu đơn thư khiếu kiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Việc triển khai, thi hành Luật HGƠCS đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động HGƠCS đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả. Đáng chú ý, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng của công tác HGƠCS được nâng lên; qua đó, tạo bước chuyển biến trong công tác HGƠCS, chất lượng hòa giải được nâng lên” - ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá.

Thời gian tới, các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác HGƠCS nhằm nâng cao nhân thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội. Nhân rộng một số mô hình và cách làm hay, hiệu quả để các địa phương tham khảo, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác HGƠCS trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các HGV.

Thái Bình (Báo TTH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL