Tượng đài, tranh hoành tráng là công trình Văn hóa nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời: được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian cấu trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, các quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến nhận thức của xã hội. (trích: CÔNG BÁO/Số 651+652 năm 2013 của Văn phòng Chính Phủ).
Trải qua hai cuộc kháng chiến đấu tranh, giữ nước cùng với lịch sử hình thành, Cố đô Huế với những giá trị lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ, nhằm ghi lại trung thực dấu ấn văn hóa, lịch sử của vùng đất cũng như con người Thừa Thiên Huế bằng những công trình tượng đài, tranh hoành tráng, cùng với những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật có giá trị đã được hình thành như: Tượng đài, tranh hoành tráng Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Núi Bân, thành phố Huế (trong tổng thể Khu Văn hóa Bắc Ngự Bình); Tượng đài Phan Bội Châu tại số 19 Lê Lợi, nằm bên cạnh Sông Hương - Cầu Tràng Tiền; Tượng Cô gái Việt Nam - Công viên Lý Tự Trọng; Tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền; Tượng đài tưởng niệm tại Khu chứng tích lịch sử Chín Hầm, Huế; Tượng đài Nguyễn Tất Thành tại trường THPT Quốc Học Huế; các tượng đài, tranh hoành tráng, tác phẩm điêu khắc tại khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các nhà trưng bày, trung tâm nghệ thuật khác,... Đây là những công trình văn hóa mang tính chất tôn vinh quá khứ hào hùng, làm đẹp cảnh quan đô thị, là nơi đánh dấu các sự kiện lịch sử, biểu tượng của một địa phương, điểm du lịch,…
Tiếp nối những giá trị văn hóa, lịch sử đó, ngày 20 tháng 5 năm 2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Quyết định số 1071/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm tiếp tục phát triển không gian kiến trúc của các tác phẩm nghệ thuật, kế thừa và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phát triển đô thị văn minh, hiện đại; xây dựng hình ảnh đẹp về cảnh quan, môi trường; góp phần phát triển du lịch, đồng thời hội nhập với xu thế phát triển của nền mỹ thuật đương đại, đáp ứng những đòi hỏi của lịch sử, cũng như nguyện vọng của nhân dân.
Tại buổi Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp và thảo luận với chiều sâu về chiều dài lịch sử, những giá trị văn hóa, nghệ thuật, ý nghĩa tâm linh và du lịch… liên quan đến quy hoạch về tượng đài và tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh của các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc với mục đích xây dựng hoàn chỉnh hơn các phương án quy hoạch tượng đài và tranh hoành tráng, làm đẹp không gian kiến trúc cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị văn hóa, thẩm mỹ cho quảng đại quần chúng, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, tạo điểm nhấn của địa phương, cảnh đẹp để người dân, du khách đến thưởng ngoạn, tưởng niệm,...
Một số hình ảnh mô phỏng minh họa tại Hội nghị:
Biểu tượng kiến trúc nghệ thuật (Vòng xoay đường Tố Hữu)
Tượng đài Huyền Trân Công Chúa (Cồn Hến)
Tháp ngắm cảnh Cồn Dã Viên
Tượng đài Nguyễn Phúc Nguyên tại Cồn Dã Viên
Tượng Nguyễn Phúc Nguyên trước Đình Kim Long
Biểu tượng kiến trúc nghệ thuật (Công viên An Hòa)