Theo ông Tố, trò chơi này một thời chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc, cung tần mỹ nữ trong hoàng cung nhà Nguyễn. Đa số các bộ xăm hường sử dụng trong hoàng cung được chế tác từ ngà voi. Vì nguyên liệu chế tác quý hiếm, người dân bình thường rất khó sở hữu riêng cho mình một bộ xăm hường.
Ông Đặng Văn Tố bên các bộ xăm hường do mình tạo ra
Về sau, trò chơi này phổ biến ra ngoài cung, được xem là trò chơi dân gian khi nhiều người dân biết đến. Nghề sản xuất bộ xăm hường bắt đầu phát triển, các bộ xăm hường thường làm từ xương động vật và gỗ.
Hình ảnh trên thẻ xăm sau khi khắc sẽ được mài bóng
Theo người đàn ông 67 tuổi, ngày xưa các thợ hành nghề chế tác xăm hường đều khắc hình ảnh ông Trạng, chữ Hán Nôm bằng cách thủ công, với thanh sắt sắc nhọn. Nhiều năm trong nghề, ông Tố đã tự chế ra một chiếc máy giúp ông khắc hình ảnh trên thẻ nhanh hơn.
Biết làm xăm hường không có thu nhập ổn định, thường thì cuối năm mới có khách tìm đến mua xăm hường để chơi trong dịp xuân, ông Tố vẫn gắn bó với nghề. "Tôi muốn góp sức lưu giữ trò chơi này cho thế hệ trẻ", ông chia sẻ.
Những bộ xăm hường sau khi làm xong
Bà Phan Thị Cúc, Chủ tich UBND phường Thuận Lộc (TP Huế) cho biết, trên địa bàn chỉ còn duy nhất ông Tố là người còn hành nghề chế tác xăm hường.
Đổ xăm hường là trò chơi gieo 6 “hột súc sắc” (còn gọi là "hột tào cáo") để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Một bộ xăm hường có 3 món đồ là những chiếc thẻ xăm, 6 hột súc sắc và bát sứ để gieo súc sắc.
|