Với lòng tôn kính và đam mê đặc biệt đối với nghệ thuật múa lân ngay từ đầu cụ Nghi và những võ sinh của mình đã sáng tạo ra bộ môn lân Huế gây tiếng vang khắp nơi bởi cách múa cũng như phong thái đặc biệt mỗi khi biểu diễn. Bằng chứng là vào thời kỳ đó vua Bảo Đại đã nhiều lần mời đoàn vào cung để múa trong những dịp yến tiệc hoặc trong những ngày lễ tết. Chính vì thế mà cho đến nay cách thức biểu diễn múa lân của Thái Nghi Đường mang đậm tính chất cung đình, phong thái của người diễn viên luôn ung dung và đĩnh đạc chứ không ào ạt...
Ghé thăm Trung tâm văn hóa thành phố Huế (65 Trần Hưng Đạo), ở một góc nhỏ bên hông rạp vào buổi chiều người ta dễ dàng bắt gặp những thành viên trong Thái Nghi Đường gấp rút tập luyện một cách hăng say. Điều đặc biệt, tuy chỉ là tập luyện nhưng nơi đây luôn có khán giả, đôi khi là một vài du khách hiếu kì, đôi khi là những người dân xung quanh đem con nhỏ tới xem. Chính việc này đã tạo ra không khí vui vẻ trong mỗi buổi tập. Môn sinh đến với Thái Nghi Đường không phải đóng bất cứ một khoản học phí nào tuy nhiên để trở thành một người diễn viên múa lân ở đây thì không phải là một điều dễ dàng. Nói về điều này anh Hồ Văn Thái Sơn (48t, Trọng tài lân sư rồng Việt Nam, Trưởng Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Thái Nghi Đường) cho biết: "Điều quan trọng đầu tiên đối với một người diễn viên múa lân đó võ học mà nhất là tấn pháp. Thứ hai nữa là quyền pháp phối hợp sao cho hài hòa toát lên hết được hình ảnh hỉ, nộ, ái, ố, của con lân. Và cuối cùng là bộ môn này đòi hỏi sự khổ luyện lâu dài, bền bỉ chứ không thể 2 hay 3 ngày là học được".
7 bài múa lân cơ bản của Thái Nghi Đường bao gồm: "thần lân xuất động", "bát bộ liên hoa", "lân phục", "lân linh chi", "lân tranh châu", "lân lý kiều" và "lân hồi sơn". Qua trao đổi với anh Thái Sơn tôi mới được biết rằng tất cả những bài múa cơ bản vừa nêu trên ở Thái Nghi Đường đều áp dụng tấn pháp, bộ pháp và quyền pháp của môn phái Bạch Hổ thuộc hệ phái võ cổ truyền Việt Nam. Đầu tiên nhất phải kể đến tấn pháp như: "trung bình tấn", "trảo mã tấn"…sau đó là bộ pháp như: "ngọc trản", "liên hoa" và cuối cùng là quyền pháp trong ngũ hình quyền như: "long hình" và "hổ báo hình".
Chảy trong mình dòng máu yêu và đam mê với bộ môn nghệ thuật đặc biệt này của cha mình, từ lúc tiếp quản cho đến nay điều mà anh Thái Sơn mong muốn nhất chính là đưa bản sắc Huế vào trong những bài múa của mình. Chất Huế ở trang phục, nguyên liệu chế tác đầu lân cho đến những phụ kiện cho bài nhảy. Vào năm 2002, tại Liên hoan múa lân Châu Á tổ chức tại Nhật Bản, đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Thái Nghi Đường vinh dự đứng thứ 2 chỉ sau đoàn Trung Quốc. Và cũng ở giải này anh Sơn cùng những môn sinh của mình đã mang đến "Lưỡng lân tranh châu" cùng những phụ kiện được làm hoàn toàn bằng tre đã lấy trọn tình cảm của khán giả Nhật Bản và khiến mọi người phải thốt lên rằng "Đó là Kungfu Việt Nam".
Hiện nay có hơn 80 bạn với nhiều nghề nghiệp khác nhau đang tham gia sinh hoạt và luyện tập tại Thái Nghi Đường. Họ tập hợp dưới võ đường với đặc điểm chung là dành tình yêu đặc biệt đối với nghệ thuật lân Huế độc đáo này. Có những trường hợp bỏ học hay nghiện game sau khi được bố mẹ đưa đến đây đều được anh Thái Sơn truyền lửa đam mê và đã đi học trở lại cũng như coi học múa lân là một bộ môn ngoại khóa lành mạnh sau những giờ học căng thẳng. Bạn Nguyễn Đức Hòa (thành viên của Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Thái Nghi Đường) tâm sự: “Mình coi Thái Nghi Đường như như gia đình thứ 2 của mình vậy. Các anh em ở đây rất yêu thương cũng như truyền đạt tận tịnh cho nhau. Hằng tuần bọn mình vẫn hay tổ chức dã ngoại để gắn kết giữa những người cũ và những người mới".
Chia sẻ thêm về những ấp ủ trong tương lai của mình anh Hồ Văn Thái Sơn cho biết: "Sắp tới thì mình sẽ cố gắng xây dựng Thái Nghi Đường không bị lai tạp, phát triển hơn nữa, đậm chất Huế hơn nữa. Ngoài ra mình sẽ liên hệ với một số đội lân Huế khác để chọn ra một đội tuyển lân Huế mạnh tham gia đấu trường Việt Nam".
Hằng năm đến dịp tết Trung thu, điều mà những thành viên trong Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Thái Nghi Đường thích thú và háo hức nhất đó là được đến cô nhi viện Đức Sơn để biểu diễn miễn phí cho các em mồ côi, khuyết tật cơ nhỡ nơi đây. Dù có những em không nói được nhưng chỉ bằng ánh mắt hay các động tác tay chân cũng đã thể hiện hết sự thích thú của mình đối với bộ môn này. Chính điều này là điều mà anh Hồ Văn Thái Sơn tâm đắc nhất trong dịp Trung. Hy vọng, với lòng đam mê và nhiệt huyết của mình anh Hồ Văn Thái Sơn cùng Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Thái Nghi Đường sẽ thành công hơn nữa để đem nghệ thuật biểu diễn lân Huế quảng bá khắp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.