Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.666
Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế.
Lượt đọc: 43996Thời gian: 00:17 - 30/03/2018

(VHH) - Chiều ngày (29/3), Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) của Quốc hội do đồng chí Phan Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Cùng dự về phía Đoàn công tác có: Đ/c Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ; đ/c Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban VHGDTTN&NĐ; Đ/c Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Ủy ban VHGDTTN&NĐ; Đ/c Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt nam, ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Thành viên Ủy ban; Đ/c Âu Thị Mai, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang, Thành viên Ủy ban; Đ/c Nguyễn Thị Sáu, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Văn phòng Quốc hội; Đ/c Vũ Văn Hoàng Hà, Hàm Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Văn phòng Quốc hội, Thư ký Chủ nhiệm. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Đồng chí Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đ/c Phan Tiến Dũng - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Đ/c Nguyễn Chí Tài, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; tham dự còn có lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan, các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, lãnh đạo UBND thành phố Huế, đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.

Báo cáo đánh giá công tác thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, đồng chí Phan Tiến Dũng - TUV, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Tỉnh Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng di sản văn hóa dày đặc, phong phú, đa dạng. Với gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, lập hồ sơ, thuộc nhiều loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, di tích khảo cổ...  Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế đến nay có 7 di sản đã được UNESCO vinh danh, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế (Di sản văn hóa thế giới), Nhã nhạc cung đình Huế (Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại); Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại); Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Di sản tư liệu thế giới) và 156 di tích được xếp hạng (87 di tích cấp quốc gia (bao gồm 2 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt là Quần thể Di tích Cố đô Huế và hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế); 69 di tích cấp tỉnh). Trên cơ sở áp dụng và thực hiện theo Luật Di sản Văn hóa hiện hành, các Nghị định, thông tư hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật khác, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các quy hoạch, đề án, quyết định nhằm triển khai, thực hiện và cụ thể hóa các nội dung để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Qua thực tiễn và áp dụng các văn bản Luật, văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, xét thấy vẫn còn một số bất cập, cần được sửa đổi và bổ sung.

Đối với công tác xây dựng các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã thực hiện tốt, đem đến việc tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản. Đối với các di tích sau khi được xếp hạng, Sở Văn hóa và Thể thao căn cứ vào quy mô, tính chất, phạm vi ảnh hưởng, khả năng phát huy giá trị di tích để tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định phân công, phân cấp quản lý di tích. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý di tích sẽ chủ động thành lập các Tổ quản lý di tích/Ban quản lý di tích (trong đó, có sự tham gia của cơ quan quản lý và của cộng đồng dân cư) đem đến tính chủ động và tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Đồng thời, để có sự hỗ trợ, xã hội hóa về nguồn lực trong việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích, địa phương cũng đã tăng cường các mối quan hệ với các Bộ, Ngành, các địa phương bạn, các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ nguồn vốn, kỹ thuật, về khoa học công nghệ tiên tiến để phục vụ quản lý di sản văn hóa Huế tốt hơn. Song song với quá trình phát huy các giá trị di sản văn hóa, địa phương cũng đã thường xuyên tiến hành công tác kiểm kê, phân loại, xếp hạng và khoanh vùng, cắm mốc di tích để trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng các quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với các đơn vị tiến hành nhiều đợt thám sát, khai quật nhiều công trình di tích gắn liền với các triều đại lịch sử. Kết quả thám sát, khai quật khảo cổ đã được các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, tạo cơ sở khoa học phục vụ xây dựng các phương án thích hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị gắn liền với các di tích. Hoạt động Bảo tàng và quản lý cổ vật, bảo vật quốc gia cũng đã được chú trọng triển khai qua đó đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lập hồ sơ đề nghị phong tặng các danh hiệu nghệ nhân, nghệ sĩ được tổ chức theo đúng kế hoạch, các quy định của Nhà nước. Xây dựng các chính sách đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng đối với các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống; chế độ, phụ cấp cho các thành viên Tổ quản lý di tích/Ban quản lý di tích và người trực tiếp trông coi di tích... Đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội, địa phương đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn các thủ tục, quy trình và nội dung để cấp phép hoạt động theo thẩm quyền quy định. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhìn chung, các hoạt động lễ hội diễn ra đảm bảo, nội dung chủ yếu tuyên truyền truyền thống văn hóa dân tộc, tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh; không có biểu hiện thương mại hóa, hoặc mua thần bán thánh làm mất tính chất của lễ hội, không lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan,...

Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ đánh giá: Để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế mạnh về tiềm năng văn hóa và du lịch thì cần có sự gắn kết, hỗ trợ qua lại giữa ngành Văn hóa và ngành Du lịch. Huế được biết đến là địa phương có lịch sử văn hóa lâu đời, nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị, do đó vấn đề cấp bách và cần được quan tâm đầu tư các thiết chế bảo tàng, bảo vệ các di sản vốn có, đồng thời cũng tạo một địa điểm hấp dẫn để quảng bá, giới thiệu đến với du khách và người dân biết đến các giá trị di sản đó.

Đồng chí Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt nam, ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Thành viên Ủy ban chia sẻ: Những ngày đầu tôi đến Huế, mọi thứ trong đầu rất bề bộn. Kể từ khi được UNESCO công nhận, đã có quá nhiều thay đổi, chúng ta đã làm được nhiều việc. Chúng ta không những đã cứu vãn mà còn phục hồi được di sản. Thành phố Văn hóa Huế đã trở thành thương hiệu riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, xét thấy một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa liên kết được với nhau, đang còn chia lẻ, mạnh ai nấy làm. Ngành du lịch chưa có đặc thù riêng, không khác các đô thị khác. Do đó, để phát triển Ngành du lịch phải vào cuộc, làm đến nơi đến chốn, cần tập trung vào 2 việc: Dọn dẹp sạch những “rác rưởi” của Huế và thúc đẩy liên kết trong ngành du lịch.

Phát biểu đánh giá, kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ ghi nhận những cố gắng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị di sản, nhất là hệ thống di sản văn hóa triều Nguyễn. Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa di sản, tạo ra sản phẩm đặc trưng của di sản văn hóa Huế phục vụ nhu cầu của cộng đồng người dân và du khách, đồng chí đề nghị địa phương cần chủ động phối hợp với các địa phương, bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn vướng mắt trong công tác quản lý nhà nước, tiếp tục tham mưu xây dựng các quy định, chính sách của địa phương của mình phù hợp với các quy định của pháp luật. Xem phát triển văn hóa là nền tảng của phát triển du lịch, kinh tế. Xây dựng các chính sách để cùng với cộng đồng người dân cùng tham gia bảo quản các bảo vật quốc gia trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong tầng lớp nhân dân, qua đó nêu cao ý thức giữ gìn và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý giữa các đơn vị trên địa bàn để cùng nhau phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế.

Đồng chí cũng đề nghị, để giới thiệu hình ảnh Huế đến rộng rãi đối với bạn bè quốc tế, thông qua các kỳ Festival Huế, địa phương cần chú trọng các chương trình biểu diễn, không gian trưng bày để quảng bá các giá trị đặc trưng về Văn hóa Huế, qua đó nhằm khẳng định tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa, mãnh đất và con người Huế, xứng đáng với tầm vóc di sản văn hóa thế giới.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL