Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 9.717
Chống xuống cấp các di tích nằm ngoài quần thể di tích Cố đô Huế - Kỳ 2: Định hướng công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích
Lượt đọc: 6152Thời gian: 14:18 - 26/10/2020
Tháp Phú Diên

VHH - Từ hiện trạng xuống cấp của di tích và thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế nêu trên, Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai nghiên cứu xây dựng và đang hoàn thiện Đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Đề án

Trong giai đoạn trước đây, sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010 (Quyết định 105/TTg ngày 12 tháng 02 năm 1996); tiếp đó là Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 (Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010) từ đó đã tạo cơ sở pháp lý, cơ sở huy động và kêu gọi nguồn lực đầu tư tu bổ, trùng tu, tôn tạo hàng trăm hạng mục kiến trúc cảnh quan nên diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”. Đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, do hạn chế về nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và khó khăn trong công tác xã hội hóa nên việc đầu tư chống xuống cấp cho các di tích này còn manh mún, dàn trải thiếu tính liên tục và hầu hết mang tính chất tu sửa nhỏ” một số hạng mục gắn liền với di tích. Do vậy, có rất nhiều di tích chỉ sau một thời gian ngắn sau khi được tu bổ, tôn tạo, lại tiếp tục bị hư hỏng các hạng mục khác, những di tích chưa được trùng tu ngày càng xuống cấp nghiêm trọng hơn... Có thể nhận thấy, việc đầu tư chống xuống cấp cho các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế thời gian qua chưa đạt được hiệu quả, mục tiêu về số lượng và chất lượng. Qua thực tiễn nêu trên đã chứng minh, bên cạnh tuân thủ các yêu cầu chuyên môn về bảo tồn di sản văn hóa, công tác bảo tồn, tu bổ di tích đòi hỏi phải đảm bảo được nguồn lực, đầu tư tập trung và triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ cũng như mang tính định hướng, chiến lược lâu dài.

Sau khi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành và căn cứ Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2020 triển khai Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để có thể thực hiện tốt công tác giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế như nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch đã xác định, điều tiên quyết cần phải quan tâm và huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế là một trong những vấn đề ưu tiên không thể tách rời.

Do vậy, việc ban hành Đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đối tượng của Đề án là các di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, bao gồm: di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, danh nhân lịch sử văn hóa; di tích lịch sử cách mạng; lưu niệm sự kiện; di tích khảo cổ. Hệ thống di tích này phân bố thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố Huế.

Các giải pháp đề xuất thực hiện Đề án

Trên cơ sở kết quả đánh giá hiện trạng các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế đã được thực hiện, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp, phương án trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích này trong các giai đoạn tiếp theo như sau:

Nhóm giải pháp về chuyên môn bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Gìn giữ, bảo vệ tối đa các cấu kiện, thành phần kiến trúc, hạng mục gốc gắn liền với di tích. Tu bổ, tôn tạo tổng thể đối với các di tích có nhiều cấu kiện, thành phần kiến trúc, hạng mục bị hư hỏng nặng hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng.

Gia cố, gia cường đảm bảo không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích đối với các di tích bị hư hỏng nhỏ hoặc xuống cấp ở một số hạng mục nhất định để làm tăng sự bền vững và ổn định của di tích hoặc các bộ phận của di tích. Đối với các thành phần bị hỏng, bị mất của di tích cần tiến hành phục chế theo nguyên mẫu về chất liệu, hình thức và kỹ thuật.

Phục hồi (phục dựng) các hạng mục mang yếu tố gốc gắn liền với di tích hoặc xây dựng biểu tượng thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử đối với các di tích lịch sử cách mạng, lịch sử lưu niệm sự kiện (hoặc loại hình khác nhưng gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh), di tích mà hiện trạng chỉ còn dấu vết mang tính địa điểm.

Tu sửa cấp thiết di tích đối với các di tích có nguy cơ bị sập đổ, hủy hoại. Bảo quản định kỳ bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật theo chu kỳ thời gian nhằm ngăn ngừa và loại trừ các tác nhân gây xuống cấp di tích đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích có kết cấu kiến trúc bằng gỗ, tranh, tre... hoặc vật liệu dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bởi các yếu tố bên ngoài; di tích thường xuyên đón tiếp khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Chỉnh trang, bổ sung cây xanh đối với các di tích đảm bảo cảnh quan môi trường. Cắm mốc khoanh vùng bảo vệ và dựng biển chỉ dẫn, biển giới thiệu di tích đối với các di tích chưa thực hiện công tác này.

Nhóm giải pháp về nguyên tắc bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước

Các đơn vị, địa phương được giao trực tiếp quản lý di tích phải chủ động cân đối để bố trí kinh phí hỗ trợ hằng năm cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm kê, số hóa và bảo quản hiện vật thuộc di tích. Tổ chức huy động kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích do cộng đồng dân cư, dòng họ quản lý, sử dụng hoặc di tích phục vụ đời sống tâm linh. Hỗ trợ cho công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích và ưu tiên đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh; di tích lịch sử cách mạng quan trọng; di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt, nổi bật; di tích khảo cổ; các di tích có tiềm năng phát huy giá trị, khai thác phát triển du lịch nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đề nghị hỗ trợ từ ngân sách trung ương thông qua Chương trình Mục tiêu Phát triển Văn hóa và nguồn khác hàng năm để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế đối với các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia. Xem xét bố trí nguồn kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương tập trung nhiều di tích bị xuống cấp hoặc các địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn (huyện Nam Đông, huyện A Lưới) hoặc các địa phương có các dự án tu bổ, tôn tạo di tích có quy mô đầu tư lớn nhưng không có khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện thực tiễn đối ứng, khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước hợp pháp của địa phương và nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương trên tổng mức đầu tư của dự án.

Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tập trung, không bố trí kinh phí phân tán, dàn trãi cho tất cả các di tích. Ưu tiên áp dụng các chính sách hỗ trợ để thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã đảm bảo có nguồn vốn đối ứng của địa phương và nguồn huy động ngoài ngân sách Nhà nước.

Đề nghị hỗ trợ từ ngân sách trung ương thông qua nguồn vốn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia từ Chương trình Mục tiêu Phát triển Văn hóa và nguồn khác hàng năm; ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh (nguồn sự nghiệp và nguồn đầu tư công trung hạn), ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã); nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước.

Thay lời kết

Các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế là một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể hệ thống di tích của Thừa Thiên Huế và thể hiện, nêu bật những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, phản ảnh quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước. Đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế sớm ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ sở cho các cơ quan, ban, ngành và địa phương xem xét đưa vào kế hoạch ngân sách nhằm chủ động bố trí, huy động các nguồn lực kịp thời chống xuống cấp cho các di tích. Đồng thời, thể hiện bức tranh tổng thể toàn bộ các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh gắn với tất cả các giai đoạn lịch sử, văn hóa địa phương đều được quan tâm, hỗ trợ đầu tư và giải quyết vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về di tích gắn với phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với đó, việc ban hành Đề án nhằm góp phần khẳng định sự nỗ lực, nhất trí đồng lòng của các cấp chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong công tác quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu mà nhiệm vụ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Nguyễn Vũ Minh Tú
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL