Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 9.344
Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa thiên Huế - Những giá trị đặc biệt tiêu biểu
Lượt đọc: 7457Thời gian: 10:21 - 04/12/2020

VHH - Tinh hoa từ những giá trị văn hóa, lịch sử được đúc kết, tích hợp qua quá trình hình thành, phát triển đã tạo nên bản sắc và truyền thống đặc trưng riêng có của vùng đất Thừa Thiên Huế. Nơi đây đang gìn giữ hệ thống các công trình, địa điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh rất phong phú, đa dạng về loại hình và nổi bật; trong đó là các di tích gắn liền với những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người thân sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước tại Huế.

Những di sản vô giá mà Người đã để lại là niềm tự hào, vinh dự của con người cũng như vùng đất nơi đây. Nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung để hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt đối với hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế là nhiệm vụ, yêu cầu thực tiễn mang tính cấp thiết nhằm tôn vinh xứng tầm và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy giá trị di tích một cách toàn diện, bền vững trong các giai đoạn tiếp theo.

Thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai lần cùng gia đình đến sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trên đất Thừa Thiên Huế, đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi thiếu niên mang tên Nguyễn Sinh Cung và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành.

Các công trình đã được kiểm kê, nghiên cứu: Địa điểm Trường Quốc Học, nơi Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo học niên khóa 1908 - 1909; Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan; Đình làng Dương Nỗ; Am Bà; Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung Kỳ; Địa điểm Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba; Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại núi Bân; Bến Đá; Địa điểm gian nhà “Dãy Trại” tại số 49 Mai Thúc Loan, thành phố Huế; Địa điểm Bộ Lễ; Miếu Âm Hồn;...

Sau khi các di tích được xếp hạng, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tham mưu UBND tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế ban hành các Quyết định phân công quản lý di tích trong đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý 6 di tích (3 di tích cấp Quốc gia: Địa điểm Trường Quốc Học, Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ và 3 di tích cấp Tỉnh: Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan tại núi Bân, Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Đá); UBND thành phố Huế trực tiếp quản lý 1 di tích cấp Tỉnh (Địa điểm Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba); UBND huyện Phú Vang trực tiếp quản lý 2 di tích (1 di tích cấp Quốc gia: Đình làng Dương Nỗ và 1 di tích cấp Tỉnh: Địa điểm Am Bà) để bảo vệ và phát huy giá trị di tích phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại từng địa phương.

Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, Bộ, Ngành Trung ương và cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nên tất cả các công trình, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo và phục dựng. Hiện trạng các di tích đều đã được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ và hiện vật, tư liệu gắn liền với di tích đều được bảo quản định kỳ. Cùng với đó, nhiều Đề tài, Đề án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã nghiên cứu thực hiện như: "Nghiên cứu phát huy giá trị hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích cách mạng ở Thừa Thiên Huế; Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, khám phá tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phát huy giá trị hệ thống di tích Bác Hồ gắn với phát triển du lịch"... và biên soạn, xuất bản sách, tờ gấp giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng; quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử. Lượng khách tham quan các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 2015, đón tiếp được 90.750 lượt; năm 2016, đón tiếp được 94.150 lượt; năm 2017, đón tiếp được 102.359  lượt; năm 2018, đón tiếp được 112.000 lượt, năm 2019, đón tiếp được 120.245 lượt. Điều này thể hiện sự trân trọng, sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng quốc tế đối với di sản văn hóa Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

Qua quá trình kiểm kê các công trình lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có 6 địa điểm dấu tích kỷ niệm trong khoảng thời gian Người cùng gia đình sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế chưa được xếp hạng di tích như đã nêu trên. Các công trình, địa điểm này thuộc địa bàn quản lý của thành phố Huế, huyện Phú Vang và huyện Quảng Điền. Hiện trạng các công trình, địa điểm, ngoài Miếu Âm Hồn (nằm ở ngã tư đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tông, thành phố Huế) được người dân địa phương thường xuyên chăm sóc, bảo quản và tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều lần thì những công trình, địa điểm còn lại trải qua các giai đoạn lịch sử nay đã bị biến dạng, thay đổi về quy mô hoặc chưa có tư liệu khoa học đầy đủ để chứng minh vị trí chính xác các sự kiện đã xảy ra hoặc thuộc sở hữu tư nhân.

Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời, là tài sản vô giá của Đảng và dân tộc ta. Với xứ Huế, khoảng thời gian hơn 10 năm đã ghi đậm dấu ấn thời niên thiếu của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành, là giai đoạn đặc biệt ý nghĩa quan trọng để hình thành nhận thức và nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về sau. Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế như một chiếc cầu nối lịch sử phản ánh chân thật, sinh động về thuở thiếu thời của một anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc trong quá trình cùng gia đình sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở vùng đất này. Từ đó, đã góp phần thôi thúc ý chí, nghị lực, quyết tâm và khát vọng của Người trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Ngoài sự phản ánh chân xác về tư tưởng, khoa học, lịch sử, cách mạng, hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế còn là những công trình văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, bảo lưu truyền thống của dân tộc và vùng đất xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử. Cùng với đó, là những giá trị văn hóa phi vật thể được thể hiện qua các hoạt động lễ kỷ niệm, lễ hội được tổ chức định kỳ hằng năm tại di tích hoặc gắn liền với di tích như: Lễ kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19 tháng 5); Các lễ húy kỵ: bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày 22 tháng Chạp, Âm lịch), ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 27 tháng 10), Nguyễn Sinh Xin (em trai Chủ tịch Hồ Chí Minh, hợp kỵ cùng thân mẫu); lễ khai giảng tại Trường Quốc Học; lễ Xuân kỳ (Kỳ yên đầu Xuân), lễ Thu tế (Tế tự mùa Thu) tại Đình làng Dương Nổ; hội Bơi trải làng Dương Nỗ...

Dựa theo các tiêu chí, giá trị theo quy định tại Khoản 3, Điều 29 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế rất xứng đáng để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 17 tháng 7 năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 04 di tích đã được xếp hạng quốc gia gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế: Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan, Địa điểm Trường Quốc Học (thành phố Huế); Nhà lưu niệm Dương Nỗ, Đình Dương Nỗ (huyện Phú Vang) tại Công văn số 2645/BVHTTDL-DSVH.

Bước đầu, đây là tín hiệu rất vui mừng khi một số công trình, địa điểm thuộc hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế sẽ được xem xét tôn vinh xứng tầm và tạo cơ sở tiến hành rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và bổ sung để hoàn thiện nội dung hồ sơ khoa học các di tích phục vụ công tác quản lý ngày càng hiệu quả và gắn với phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Về lâu dài, cần xây dựng kế hoạch để nghiên cứu, nâng cấp các hồ sơ khoa học đã được xếp hạng di tích cấp Tỉnh (Am Bà, Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, Địa điểm Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan, Bến Đá) để đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia; đồng thời, rà soát các địa điểm, công trình gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chưa được xếp hạng di tích để lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích nếu đảm bảo các tiêu chí theo quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chính là sự phản ánh một giai đoạn lịch sử về chân dung của một vị lãnh tụ thiên tài, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc và Nhân dân. Hệ thống di tích này thể hiện sự kết tinh, gắn kết giữa những giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc, truyền thống đặc trưng của xứ Huế với tầm vóc, trí tuệ lớn lao và tình cảm sâu sắc của Người đối với con người Huế, vùng đất Huế.

Xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị gắn liền theo các quy định hiện hành. Góp phần thiết thực triển khai, cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyễn Vũ Minh Tú
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL