Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 41.109
Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế trong kỷ nguyên số
Lượt đọc: 1191Thời gian: 08:49 - 03/07/2023

(VHH) - Đó là chủ đề của Hội nghị đối thoại giữa Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương với đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) diễn ra chiều 30/6. Tham dự, có hơn 300 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại các đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn chia sẻ, đề xuất những ý kiến, nguyện vọng liên quan đến vấn đề tuổi trẻ góp phần quảng bá nét văn hoá đặc sắc của Cố đô Huế trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0.

Nổi bật là những nội dung liên quan đến vấn đề thách thức và giải pháp để có thể giữ gìn, nâng tầm, phát huy văn hóa Huế, sức mạnh con người Huế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54 của bộ chính trị; Thừa Thiên Huế đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp gì để có thể xây dựng và phát triển thành công ẩm thực Huế; Những khó khăn trong việc số hóa di sản…

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Thị Kim Hằng cho rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay mạng xã hội đóng vai trò rất lớn trong việc quảng bá thương hiệu. Với Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh có kế hoạch gì để xây dựng bộ nhận diện văn hóa Huế trên nền tảng số?.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nguyễn Thiên Bình giải đáp các câu hỏi từ ĐVTN 

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nguyễn Thiên Bình cho biết, vừa qua đơn vị đã trình UBND tỉnh ban hành đề án Công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa - Thể thao. Hiện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đang tập trung phối hợp với các bên liên quan tiến hành số hóa tất cả các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Bên cạnh đó, bộ nhận diện về nón lá, áo dài và các nghề truyền thống như: dệt zèng, đúc đồng, đan lát… cũng đang được gấp rút xây dựng và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Với những nỗ lực trên, đặc trưng văn hóa Huế sẽ xuất hiện nhiều hơn trên nền tảng số, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Từ đó, tăng độ nhận diện và quảng bá văn hóa Huế đến đông đảo du khách.

Bên cạnh đó, xây dựng nền ẩm thực Huế theo hướng chuẩn hóa trên nền tảng văn hóa Huế là vấn đề được một số ĐVTN đặc biệt quan tâm.

ĐVTN tham gia đặt câu hỏi tại buổi Đối thoại

Phó Giám đốc Sở du lịch Hoàng Phước Nhật cho biết, hiện ngành du lịch đang tập trung xây dựng Đề án “Kinh đô ẩm thực”. Cùng với Đề án “Kinh đô áo dài”, đây sẽ là một trong những nội dung xương sống nhằm phát triển ngành du lịch thời gian tới.

Sở Du lịch cũng đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và chuẩn hóa các món ăn Huế như: Phối hợp thống kê và ban hành bộ sách “Nữ công thường thức” hướng dẫn nấu các món ăn Huế… Ngoài ra, việc số hóa dữ liệu về các món ăn Huế cũng dần được hoàn thiện, từ đó giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu trên nhiều nền tảng ứng dụng khác nhau.

Liên quan đến việc triển khai những nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển văn hóa Huế, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa chiếm hơn 12,53% kế hoạch đầu tư công của tỉnh.

Tỉnh định hướng vận động các nguồn ngân sách đầu tư để củng cố các thiết chế văn hóa cơ bản theo quy hoạch; tranh thủ huy động nguồn lực từ Trung ương đầu tư hệ thống quần thể di tích; sử dụng các thu phí, xây dựng chuỗi giá trị, sáng tạo từ văn hóa Cố đô để phục vụ công tác trùng tu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế… Đặc biệt, thời gian tới, tỉnh sẽ xem xét đầu tư kênh quảng bá văn hóa Huế, số hóa các nền tảng văn hóa địa phương, giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước.

Trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng đã nghiêm túc lắng nghe và giải đáp rất cụ thể, chi tiết về những thắc mắc, trăn trở của ĐVTN trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá Huế trong kỉ nguyên số.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (ở giữa) giải đáp các câu hỏi từ ĐVTN 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương mong muốn, các đoàn viên, thanh niên tiếp tục nuôi dưỡng và lan toả tình yêu quê hương, yêu đất nước qua những việc làm, những đóng góp cho cộng đồng. Đặc biệt là tận dụng kỷ nguyên số để khai thác thêm những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc giữ gìn và phát huy văn hoá Huế.

Những chia sẻ đầy tâm huyết và  các giải pháp chất lượng được đưa ra tại chương trình đối thoại sẽ góp phần khơi dậy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, tham gia xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hoá và du lịch. Từ đó tạo động lực trong công cuộc xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của ĐVTN. Thông qua buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các bạn trẻ tiếp tục duy trì, nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu quê hương thông qua những hoạt động đóng góp cho gia đình và cộng đồng.

Về phía các sở, ban, ngành, cần tiếp tục quan tâm đến các vấn đề được ĐVTN nêu lên tại buổi đối thoại. Từ đó, có những chỉ đạo cụ thể hơn góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị đối thoại đã diễn ra lễ kí kết quy chế phối hợp công tác giữa UBND Tỉnh và Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM giai đoạn 2023-2027. Dịp này, 15 thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng (ảnh dưới).

 
V.Vũ (Nguồn thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL