Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 997
LUẬT DI SẢN VĂN HÓA VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN SỬA ĐỔI BỔ SUNG
Lượt đọc: 1917Thời gian: 11:35 - 14/02/2024

Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, được sửa đổi bổ sung một số nội dung vào năm 2009, tuy nhiên gần 15 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh nhiều ưu điểm, bộ luật này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Từ kinh nghiệm thực tiễn của những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại cố đô Huế và có nghiên cứu một số địa phương tiêu biểu khác ở Việt Nam, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến với các cơ quan hữu quan với mong muốn trong thời gian tới Luật Di sản văn hóa sẽ được sửa đổi, bổ sung để thêm hoàn thiện và phát huy tác dụng.

 

Tài liệu mà chúng tôi nghiên cứu và sử dụng trong bài viết này là Luật Di sản văn hóa năm 2001[1], Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009[2] đã được Quốc hội ban hành và lưu trữ tại Thư viện pháp luật và trọng tâm là Dự thảo Luật sửa đổi (lần 2) Luật Di sản văn hóa dự kiến ban hành năm 2024.

          I. Một số điểm chưa phù hợp trong Luật Di sản Văn hóa hiện nay

I.1. Tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật Di sản văn hóa năm 2009) về thủ tục xếp hạng di tích cần xem xét, tách biệt nội dung “tổ chức kiểm kê di tích”“xếp hạng di tích” vì nếu theo quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm kê di tích ở địa phương và lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia.” thì vô hình chung sẽ hiểu chỉ có những công trình, địa điểm, danh lam – thắng cảnh nằm trong Danh mục kiểm kê di tích của địa phương mới được thực hiện thủ tục xếp hạng di tích và gồm nhiều bước thực hiện: (1) Tổ chức kiểm kê di tích – (2) lựa chọn trong Danh mục kiểm kê di tích – (3) thực hiện thủ tục đề nghị xếp hạng di tích.

Kiến nghị điều chỉnh: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo lập hồ sơ khoa học để quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia.”

Nội dung “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm kê di tích ở địa phương” lồng ghép vào quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009.

I.2. Tại khoản 15 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009

- Hiện nay, mô hình các Sở quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa ở các tỉnh, thành gồm: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, do vậy, nội dung  bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích “đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh” là chưa phù hợp, dễ gây hiểu nhầm là phải được sự đồng ý đồng thời của “Sở Du lịch” Sở Văn hóa và Thể thao (đối với các tỉnh, thành có thành lập riêng Sở Du lịch).

Kiến nghị sửa đổi: “...Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa cấp tỉnh”

- Quy định “Tổ chức, cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân” chưa thống nhất với quy định Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016; Nghị định 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 và Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ  bởi vì theo Điều 2 và Chương III của Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018, công tác  bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bao gồm 3 loại hình là: (1) Dự án – (2) Báo cáo kinh tế - kỹ thuật – (3) Tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ; thẩm quyền, quy trình, thủ tục thực hiện các loại hình này cũng khác nhau. Cùng với đó, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 và Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định về tổ chức, cá nhân hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có Hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích . Do đó, quy định của sửa đổi, bổ sung Điều 34 Luật Di sản văn hóa năm 2001 chỉ quy định chung là Dự án chưa cụ thể.

Kiến nghị sửa đổi: “Tổ chức, cá nhân chủ trì lập, thi công, giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân”.

I.3. Tại khoản 18 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009

Tương tự như đã nêu tại Mục 2 nêu trên, đề nghị đều chỉnh cụm từ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch” thành “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa”.

I.4. Tại Điều 3 Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 65 của Luật thi đua, khen thưởng là chưa phù hợp vì thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, quy định liên quan đến “Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” để tặng cho cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể” đã được quy định tại tại khoản 34 và khoản 35 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi đua, khen thưởng năm 2013.

Kiến nghị lược bỏ quy định Điều 3 Luật Di sản văn hóa năm 2009.

II. Các nội dung cần bổ sung, quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (2024)

II.1. Đề nghị bổ sung các từ ngữ liên quan đến công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa và mà chưa được định nghĩa tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001:

Một là, “Đối tượng kiểm kê di tích” để phân biệt với các di tích đã được xếp hạng hoặc công trình, địa điểm bình thường.

Căn cứ các tiêu chí quy định tại Điều 28 Luật Di sản văn hóa năm 2001 và khoản 12 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009, đề xuất định nghĩa: “Đối tượng kiểm kê di tích là quần thể công trình xây dựng, công trình xây dựng, địa điểm,cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình xây dựng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc, nghệ thuật chưa được xếp hạng di tích nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa vào danh mục kiểm kê di tích và công bố theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.

Hai là, “Kiểm kê di tích”, đề xuất định nghĩa: “Kiểm kê di tích là hoạt động nhận diện, xác định giá trị công trình, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên chưa được xếp hạng di tích để lập danh mục di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.

Ba là, nghiên cứu bổ sung định nghĩa: “di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới”; “Di sản thiên nhiên thế giới”; “Di sản văn hóa thế giới”; “Di sản tư liệu thế giới”; “Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”để vừa đảm bảo phù hợp với các Công ước của UNESCO, vừa cập nhật với tình hình Việt Nam hiện nay.

Riêng đối với phần Di sản tư liệu, do lần đầu bổ sung vào Luật nên phần giải thích từ ngữ cần rõ ràng, cụ thể, tách biệt rõ khái niệm Di sản tư liệu với Di sản vật thể và Di sản phi vật thể. Cho đến nay, Việt Nam đã có 9 Di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhưng chúng ta hoàn toàn chưa có các quy định pháp lý về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản này. Vì vậy, việc bổ sung các quy định về Di sản tư liệu vào Luật Sửa đổi bổ sung Luật Di sản Văn hóa (bổ sung Chương V, từ Điều 85 đến Điều 101) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên cách định nghĩa các khái niệm và nội dung “ghi danh” di sản tư liệu dự kiến bổ sung có vẻ rất tương đồng với di sản phi vật thể, đây là điểm cần sự thảo luận của chuyên gia, từ đó có sự điều chỉnh để đảm bảo tính chính xác.

Bốn là, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Di sản văn hóa năm 2001 và khoản 21 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009 có đề cập đến công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử, tuy nhiên, đến nay chưa có quy định thể hiện cụ thể khái niệm, định nghĩa như thế nào là “anh hùng dân tộc”, “danh nhân”, “nhân vật lịch sử”. Vấn đề này không chỉ ảnh hướng đến việc xác định loại hình di tích mà còn tác động đến các hoạt động quản lý Nhà nước khác mà điển hình là công tác đặt, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng tại các địa phương vì nó dễ mang ý chí chủ quan, đánh đồng khái niệm, gây nhầm lẫn.

Năm là, nghiên cứu xem xét, bổ sung định nghĩa cho khái niệm “di tích” vào Điều 3 - Giải thích từ ngữ của dự thảo để phân biệt với các “công trình, địa điểm, danh lam thắng cảnh” có giá trị nhưng chưa được nhận diện hoặc chưa đảm bảo các điều kiện để đưa vào Danh mục kiểm kê di tích cấp tỉnh và xếp hạng di tích.

Sáu là, các thuật ngữ lệ mật”, tục hèm” là các khái niệm lần đầu tiên đề cập trong luật, vì vậy, cần nghiên cứu xem xét, bổ sung định nghĩa cho các khái niệm này trong các văn bản hướng dẫn Luật sau này.

II.2. Chương IV - Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể của Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Di sản văn hóa năm 2009, cần bổ sung thêm Mục quy định cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

II.3. Về xếp hạng di tích, để bảo tính thống nhất, thuận lợi trong quá trình lập hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng di tích kiến bổ sung quy định: di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh mới đủ điều kiện đề nghị xếp hạng di tích quốc gia; di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia mới đủ điều kiện đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt mới đủ điều kiện đưa vào danh mục xem xét, đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

II.4. Về khoanh vùng bảo vệ di tích, Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 ngày 04 tháng 4 năm 1984 của Hội đồng Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh thắng ban hành quy định“mỗi di tích lịch sử, văn hoá là bất động sản và danh lam, thắng cảnh có từ một đến ba khu vực bảo vệ”. Do vậy, những hồ sơ di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh và những di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng trước năm 2001 sẽ lập và tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích theo quy định của Pháp lệnh này (trong đó, có những di sản thế giới, di tích có 3 khu vực khoanh vùng bảo vệ). Đến khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành, đã quy định khu vực bảo vệ di tích gồm 2 khu vực (không còn khu vực bảo vệ III) tại Điều 32 và Điều 73 quy định “Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ”, tức là hồ sơ di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh và những di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng có 3 khu vực khoanh vùng bảo vệ phải tiến hành lập lại hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích để đảm bảo phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các hồ sơ di tích là Di sản văn hóa thế giới.

Do đó, đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn đối với trường hợp cần phải tiến hành điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.

II.5. Khoản 14 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định tổ chức thực hiện kiểm kê di tích và công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa chưa đảm bảo tính toàn diện giữa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa với tính pháp lý của Luật Đất đai bởi vì việc kiểm kê không được lập thành hồ sơ khoa học có xác nhận của các cấp có thẩm quyền và yêu cầu có đơn tự nguyện của cá nhân, tổ chức sở hữu công trình, địa điểm như hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích để làm cơ sở pháp lý về sau. Cùng với đó, các công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích cấp tỉnh trong quá trình muốn sửa chữa, cải tạo sẽ chịu sự chi phối các quy định của Luật Di sản văn hóa tương tự như một “di tích cấp tỉnh”; trường hợp công trình, địa điểm chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích cấp tỉnh nhưng không có sự đồng thuận của cá nhân, tổ chức sở hữu công trình, địa điểm sẽ dễ dẫn đến việc khiếu nại liên quan đến các quy định của Luật Đất đai.

Do đó, đề nghị bổ sung Điều riêng trong Luật hoặc giao Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Nghị định hoặc Thông tư quy định hướng dẫn về thực hiện công tác kiểm kê di tích để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

II.6. Về quản lý, bảo vệ đối với Ban/Tổ bảo vệ di tích (có sự tham gia của lãnh đạo xã, thôn; đại diện Nhân dân thôn/làng; người trú trì do dân cử ra hoặc chủ sở hữu di tích...), ngày 27 tháng 8 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu kiện toàn bộ máy quản lý di tích đảm bảo tinh gọn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích, chấm dứt tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm bảo vệ, trông nom di tích. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương chưa có chính sách đãi ngộ đối với thành phần nằm trong Ban/Tổ bảo vệ di tích không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (đại diện Nhân dân thôn/làng, đại diện họ tộc...) trực tiếp và thường xuyên chăm sóc, bảo vệ di tích để khích lệ, động viên, qua đó nâng cao hiệu quả, tinh thần trách nhiệm, ý thức của các cá nhân trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Do vậy, đề nghị cần có Điều hoặc khoản trong Luật giao UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình bố trí kinh phí hàng năm để hỗ trợ cho thành phần nằm trong Ban/Tổ bảo vệ di tích không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

II.7. Tại khoản 23 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2009: quy định về các Bảo tàng công lập, trong đó, ở địa phương chỉ có “Bảo tàng cấp tỉnh”. Tuy nhiên, thực tế tại các tỉnh, thành có nhiều Bảo tàng chuyên đề (chuyên ngành) trực thuộc các Sở hoặc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh. Do vậy, đề nghị xem xét bổ sung tại Điều này loại hình “Bảo tàng chuyên đề (chuyên ngành) trực thuộc các cơ quan, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh”.

III.  Kiến nghị một số nội dung cần quy định phân cấp cho địa phương

III.1. Quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Di sản văn hóa năm 2001Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch” tức là đối với di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là một ràng buộc gây khó khăn về thời gian, thủ tục pháp lý trong việc triển khai đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh của dân cư địa phương sinh sống xung quanh khu vực bảo vệ di tích.

Kiến nghị nên ủy quyền cho địa phương hoặc cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý di tích ban hành quy định riêng (chỉ trừ những trường hợp đặc biệt mới phải xin ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đối với trường hợp xây dựng, cải tạo gần hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ di tích.

III.2. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ủy quyền cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thỏa thuận đối với thiết kế bản vẽ thi công của dự án tu bổ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

IV. Một số nội dung khác

IV.1. Nhằm phục vụ công tác thống kê di tích đảm bảo tính thống nhất, đề nghị: Di tích đồng thời đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và sau đó được xếp hạng di tích cấp quốc gia thì thống kê số liệu là di tích cấp quốc gia (vì qua tìm hiểu cũng có trường hợp cùng một di tích nhưng được thống kê vừa là di tích cấp tỉnh vừa là di quốc gia). Nếu một di tích cấp quốc gia nằm trong quần thể, hệ thống di tích quốc gia đặc biệt hoặc di sản thế giới thì khi thống kê riêng lẻ sẽ thống kê là di tích cấp quốc gia.

IV.2. Tổ chức bộ máy quản lý các Di sản văn hóa Thế giới hiện nay chưa được thống nhất, có địa phương phân cấp cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh hoặc có địa phương phân cấp cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc có địa phương phân cấp cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Điều này nhìn nhận ở góc độ quản lý di sản văn hóa sẽ không đảm bảo tính thống nhất và phần nào đó thể hiện độ “vênh” nhất định về tầm quan trọng, vai trò, giá trị văn hóa – lịch sử gắn liền với di sản.

Do vậy, đề nghị quy định thống nhất về bộ máy quản lý các Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh ở các địa phương.

IV.3. Đối với hoạt động tôn vinh và chính sách đãi ngội đối với nghệ nhân, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu “hợp nhất” Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”  trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ để tránh những bất cập và quy định chồng chéo như hiện tại.

 Cùng với đó, nghề thủ công truyền thống thực chất được xác định là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được quy định tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ, do đó, cần lấy Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ làm căn bản cho việc sửa đổi, bổ sung để hợp nhất.

IV.4. Quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích cho tổ chức theo Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ còn chưa chặt chẽ và làm khó khăn trong tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các tổ chức đề nghị cấp Giấy phép hành nghề do không có quy định ràng buộc về hợp đồng lao động của cá nhân (đã có Giấy chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích) với tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận và thành phần hồ sơ thủ tục hành chính đề nghị cấp Giấy chứng nhận cũng không quy định phải có hợp đồng lao động theo quy định giữa hai bên nên thực tiễn trong quá trình kiểm tra, xác minh để cấp Giấy chứng nhận phát hiện một số trường hợp một cá nhân (đã có Giấy chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích) lại nằm trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận của tổ chức.

Do vậy, kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích cho tổ chức đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành liên quan.

IV.5. Hệ thống bảo tàng ngoài công lập đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa của các địa phương nói riêng, đồng thời là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân. Hiện nay, các bảo tàng đang hoạt động dưới các hình thức khác nhau như: công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ kinh doanh cá thể… Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của hệ thống bảo tàng ngoài công lập, các bảo tàng cần có tư cách pháp nhân để hoạt động. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các bảo tàng ngoài công lập tổ chức hoạt động cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật, trong Luật cũng cần quy định các nội dung liên quan đến tư cách pháp nhân (tài khoản, con dấu) của bảo tàng ngoài công lập.

IV.6. Đối với công tác hồi hương cổ vật:

 Từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Vì vậy, khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa cổ vật hồi hương, phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi còn là sự quản lý chồng chéo của các ngành hải quan, thuế, quản lý văn hóa… Từ hoạt động thực tế, có thể thấy, cần khẩn trương nghiên cứu để thay đổi, bổ sung các quy định này vào Luật Di sản văn hóa hay các văn bản dưới luật. Đã đến lúc phải nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp để các địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các hiện vật này đưa về nước. Nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý theo hướng cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý thông thoáng để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đưa cổ vật về nước.

IV.7. Ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể, các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới Luật hiện nay còn sơ sài, rất cần bổ sung các quy định mới (trong Luật) và những hướng dẫn cụ thể (văn bản dưới Luật) để các bộ, ngành và địa phương thuận lợi trong việc triển khai. Ngoài các di sản Phi vật thể Đại diện nhân loại (được UNESCO ghi danh), Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới Luật cần có các quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương xây dựng hồ sơ, ghi danh ở tầm quốc gia các di sản phi vật thể do các cộng đồng nắm giữ, phù hợp với tinh thần Công ước bảo vệ di sản phi vật thể của UNESCO mà Việt Nam đã tham gia.

IV.8. Hiện nay, yêu cầu quản lý về xây dựng, kiến trúc đô thị là rất cấp thiết, quan trọng và trong đó có nhiều công trình, địa điểm nằm ở các khu trung tâm, khu đô thị, do vậy, kiến nghị “Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích” ngoài chữ ký và có dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân các cấp, của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên môi trường và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, cần quy định thêm có xác nhận cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng.

IV.9. Tại Điều 18 (Chương III): Hủy bỏ danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể: Cần quy định rõ, đối với trường hợp di sản liên vùng (thuộc về 2 hoặc nhiều tỉnh thành như Đờn ca tài tử, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ...) thì Chủ tịch UBND tỉnh của các tỉnh thành cùng sở hữu di sản hay chỉ 1 tỉnh đại diện lập hồ sơ đề nghị hủy danh hiệu Di sản phi vật thể đã được ghi danh.

IV.10. Tại Điều 147 (Mục 2, chương IX): Hợp tác công tư trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Cần bổ sung điều khoản quy địch việc hợp tác công tư trong khai thác các hoạt động dịch vụ, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp gắn liền hoặc trong địa bàn khu di tích.

*

Trên đây là một số góp ý đề nghị điều chỉnh và bổ sung một số nội dung cho Luật Di sản văn hóa đang được nghiên cứu, sửa đổi (lần 2). Chúng tôi rất mong Quốc hội và các cơ quan soạn thảo Luật tiếp thu rộng rãi ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia và các cơ quan chuyên môn và có sự nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đầy đủ để Luật Di sản văn hóa sau sửa đổi, bổ sung sẽ thực sự là một bộ luật hoàn thiện, trở thành công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng và hữu ích cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta hiện nay./.



[1] Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 do Quốc hội ban hành ngày 29/6/2001.

[2] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 18/6/2009.

 

PTH
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL