Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.325
Xây dựng gia đình Việt Nam "No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh"
Lượt đọc: 99460Thời gian: 17:15 - 14/06/2016

(VHH) - Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và của mỗi công dân.

Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Chính vì vậy, công tác gia đình đã thực sự trở thành một chiến lược lớn, mang tầm quốc gia, luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm, công tác gia đình cũng ngày càng được triển khai một cách sâu rộng trong phạm vi toàn quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Theo lời Bác ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấy uỷ Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ nhiều năm nay, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình và sự phối hợp liên ngành trong công tác gia đình giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội trong cả nước đã có bước chuyển biến quan trọng, đem lại hiệu quả tốt đẹp.

Tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 kết luận của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã khẳng định “xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”. Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khóa cũng đã nhấn mạnh “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Nghị quyết 33-NQ/TW tại Hội nghị BCH TW lần thứ IX về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã xác định một trong những mục tiêu cụ thể “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”. Công tác gia đình đã được các cấp, các ngành, toàn xã hội quan tâm, là nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; xây dựng phát triển gia đình là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết số 33-NQ/TW và các văn bản liên quan về công tác gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chủ đề hoạt động của lĩnh vực công tác gia đình là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình". 15 năm qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, công tác gia đình ở nước ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận:

Hệ thống văn bản quản lý Nhà nước về gia đình đang được hoàn thiện.

Những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai nhiều văn bản, đề án về công tác gia đình: 01 Chiến lược, 01 Nghị định về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), 01 Nghị quyết ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị 49 về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH, 01 Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020, 03 đề án, Quyết định phê duyệt Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ. Hiện nay Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ và Chương trình quốc gia về giáo dục đời sống gia đình giai đoạn 2016-2020. Bộ đã ban hành 02 Đề án, 04 Thông tư và 01 Thông tư liên tịch với Bộ Tài chính...

Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các Chiến lược, văn bản, Đề án gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đó là: Nghị định quy định về công tác gia đình (Nghị định số 02/2013/NĐ-CP); Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam (Quyết định số 629/2012/QĐ-TTg); Nghị quyết số 81/2012/NQ-CP và thực hiện Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020 (Quyết định số 215/2014/QĐ-TTg). Nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị của tỉnh ủy/ thành ủy về tăng cường công tác gia đình; Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố ban hành Nghị quyết nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình thời kỳ CNH, HĐH. Đây là cơ sở pháp lý để công tác gia đình được triển khai hiệu quả, đồng bộ cả nước.

 

Các hoạt động sự kiện quan trọng, có ý nghĩa về gia đình.

Năm 2013 được chọn là Năm gia đình Việt Nam với chủ đề Kết nối yêu thương, đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đến nay đã triển khai được 15 năm với sức lan tỏa mạnh mẽ với các hoạt động ở cả TW và địa phương, mục đích huy động sự quan tâm của toàn xã hội tới gia đình. Cùng với ngày 28/6 với chủ đề Bữa cơm gia đình và ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11, từ năm 2014, Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 với chủ đề Yêu thương và chia sẻ đã trở thành một sự kiện truyền thông lớn với ý nghĩa hành động thiết thực vì hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng. Công tác truyền thông về gia đình được các Bộ, Ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong cả nước quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân; tập trung vào các hoạt động lớn như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11. Lần đầu tiên, Chính phủ cho phép lĩnh vực gia đình công bố Sách Xanh hằng năm về gia đình. Đẩy mạnh phối hợp truyền thông về gia đình tạo được hiệu ứng xã hội tốt, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Về công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được tập trung cho việc truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi theo hướng lấy phòng ngừa làm chính đồng thời tăng cường  các biện pháp xử lý hành vi BLGĐ,  hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.  Sau gần 8 năm triển khai Luật PCBLGĐ, thành công nổi bật là có sự vào cuộc của các Bộ, Ban ngành, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền ở khá nhiều địa phương. Qua theo dõi và tổng hợp báo cáo từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy: 100% các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung nhằm vận động nhân dân giữ giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Để công tác gia đình ở nước ta đạt được hiệu quả như mong muốn; gia đình thực sự là một “tế bào” của xã hội; góp phần xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, tiến bộ, hành phúc, văn minh”, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã xác định rõ Phương hướng, nhiệm vụ về công tác gia đình trong những năm tới gồm các nội dung trọng tâm sau:

Một là, Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với chủ đề công tác gia đình “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.

Hai là, Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, thực hiện Nghị quyết 113/2015/QH13 “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ba là, Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác gia đình. Đầu tư hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn. Tăng cường kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp.

Bốn là, Tập trung hoàn thiện các chỉ số, chỉ báo thu thập số liệu về gia đình, bạo lực gia đình kịp thời, chính xác phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách về gia đình.

Năm là, Đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng hình thức truyền thông; chú trọng tuyên truyền gương điển hình, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình, ngăn ngừa các thông tin, sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình. Gắn tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình với tuyên truyền thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.

Sáu là, Nhân rộng các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến về công tác gia đình và PCBLGĐ; tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình sao cho hiệu quả. Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về gia đình & PCBLGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình ở Việt Nam.

Nguyễn Hữu Giới (CINET)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL