Đình Phú Xuân được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XV, là di tích lịch sử kiến trúc gắn với địa danh lịch sử Phú Xuân, nơi chúa Nguyễn chọn đặt phủ chúa xứ Ðàng Trong, là kinh đô Phú Xuân dưới thời vua Quang Trung và nhà Nguyễn. Đình gồm có cổng Tam quan, bình phong, Đình họp và Đình tế.
Cổng Tam quan có 4 trụ biểu hình vuông, hai cột giữa cao 4,10m, rộng 0,48m, hai cột bên cao 3,60m, rộng 0,48m. Trụ biểu được trang trí hình tượng búp sen, hoa lá, câu đối. Bình phong cao 2,90m, rộng 4m, dày 0,58m. Sau bình phong có lư hương cao 1,50m được xây bằng gạch và xi măng. Ðình họp là ngôi nhà rường ba gian, hai chái dài 17,8m, rộng 10,6m. Đình có 8 cột lớn, 12 cột nhỏ, các đường xuyên thổ, kèo quyết được trang trí họa tiết hoa lá cách điệu, tất cả đều được làm bằng gỗ lim và kiền kiền. Mái lợp ngói liệt. Ðình tế dài 10,50m, rộng 15,9m xây dựng theo kiểu "thượng song hạ bản", các đường xuyên thổ, liên ba làm bằng gỗ lim, được chạm trổ hoa lá cách điệu. Mái lợp ngói liệt. Gian giữa thờ các vị khai canh, gian tả thờ các vị có công với làng với họ, gian hữu thờ các vị Tiên tổ.
Ðình Phú Xuân là kiến trúc dân gian độc đáo, duy nhất có trong Kinh thành, chứng minh cho sự hình thành, phát triển kinh đô Phú Xuân.
Đình Phú Xuân đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại quyết định số 2754/QÐBT ngày 15/10/1994.