Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 3.985
Điện Voi Ré tôn thờ lòng trung thành
Lượt đọc: 72478Thời gian: 10:14 - 25/09/2016

(VHH) - Nhiều du khách đến Huế không biết rằng nơi đây có một điện thờ voi, suy tôn lòng trung thành của một con vật dũng cảm trong các trận chiến.

Điện Voi Ré được xây dựng trên một diện tích chừng 2.000m2 tại đồi Thọ Cương, thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế, dưới thời vua Gia Long.

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết, điện Voi Ré không phải là di tích có kiến trúc nổi trội so với nhiều nơi khác ở Huế, tuy nhiên điện mang ý nghĩa đặc biệt bởi đây là nơi suy tôn lòng trung thành của những con voi chiến triều Nguyễn. Công trình độc đáo này không chỉ mang tính lịch sử mà còn đề cao tinh thần trọng tình, trọng nghĩa, mang đậm tính nhân văn của con người Việt Nam xưa.

Điện được xây dựng theo kiến trúc chữ "môn", bên ngoài có vòng la thành xây bằng gạch. Phía trước cổng tam quan có hệ thống đi lên gồm 17 bậc; bên trên chính giữa ở lối chính có ba chữ Hán bằng sành "Nghiễm Nhược Lâm". 

Thẳng theo lối chính, trước khi vào đến sân miếu, là bức bình phong Long Mã. Miếu Long Châu nằm ở trung tâm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, gồm năm gian hai chái, mái lợp ngói liệt, tiền đường kiểu vỏ cua. Bên trong trang trí bằng hệ thống liên ba bằng gỗ với 104 ô hộc chủ yếu là chữ Thọ theo lối triện và hoa lá chim muông. Chính giữa ngôi miếu là một bức hoành phi khắc nổi ba chữ Hán màu vàng "Long Châu Miếu".

Cổng Tam quan với 17 bậc

Hai bên miếu Long Châu là Đông Phối Điện và Tây Phối Điện, đây là nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trận mạc vào thời kỳ xây đế nghiệp của triều Nguyễn, cũng là nơi khoản đãi quan khách sau khi tế lễ. Trước hai ngôi nhà này, còn có hai tòa miếu phụ còn được gọi là miếu Tượng.

Trong cuốn Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế do TS. Đỗ Bang chủ biên xuất bản năm 2000, điện Voi Ré trước đây thờ 15 bài vị các vị thần bảo hộ lính nhưng hiện nay, trong miếu chỉ còn lại bài vị của 4 vị thần là: thần Thiên Sư, thần Chúa Động, thần Hồng Nương, thần Tiền Hậu Khai Khẩn. Mỗi bài vị được đặt trong một cái khám giống nhau như một cái ngai cách điệu trông rất uy nghiêm. Nguyên thủy, điện Voi Ré còn có bài vị của các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như tần Hà Bá, Thổ Công, Ngũ Hành, Thủy Long, Ngọc Nữ...

Trước đây, hai miếu hai bên Long Châu miếu có 4 bài vị đề tên là Đô Đốc Hùng Tượng Ré, Đô Đốc Hùng Tượng Bích, Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ, Đô Đốc Hùng Tượng Bôn, đây là 4 con voi lập nhiều công trạng dưới triều Nguyễn trong các trận chiến.

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, điện Voi Ré được xây dựng do vua Gia Long và người dân thời đó rất kính phục lòng trung thành của con voi chết vì chủ. Theo truyền thuyết, dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, voi của một dũng tướng Đàng Trong đau buồn trước cái chết của chủ mình giữa trận tiền đã chạy trên một quãng đường dài từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến địa điểm điện Voi Ré ngày nay rống lên một tiếng vang trời rồi trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước sự trung thành của con voi chiến, người dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ và gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré.

Tượng voi điêu khắc từ đá vẫn còn nguyên vẹn

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho xây dựng Long Châu Miếu kế bên mộ voi, vừa để làm nơi thờ các vị thần bảo vệ voi và thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong các cuộc chiến của triều Nguyễn. Sau khi điện Voi Ré xây xong, hàng năm nhà Nguyễn đều tổ chức tế lễ hai lần vào mùa thu và mùa xuân.

Vừa qua, điện Voi Ré đã đã được trùng tu xong hệ thống tường thành, dùng các thanh gỗ gia cố trạm Tây Phối Điện, Đông Phối Điện để tránh đổ sập. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, điện Voi Ré sẽ được trùng tu, đặc biệt là Long Châu Miếu.

Theo Võ Thạnh (Vnexpress)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL