Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 12.603
Ngày hội tôn vinh Ca Huế còn mãi với thời gian
Lượt đọc: 112152Thời gian: 16:46 - 17/04/2014

         (VP) - Trong khuôn khổ Festival Huế 2014, ngày hội tôn vinh Ca Huế với các hoạt động vô cùng ý nghĩa như dâng hương, dâng hoa tại Cổ Nhạc Từ, chương trình nghệ thuật "Âm sắc Hương Bình" nhằm tri ân và tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối; khẳng định chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc độc đáo của nghệ thuật ca Huế; đồng thời quảng bá một sản phẩm văn hóa đặc sắc, tiêu biểu đã trở thành thương hiệu du lịch của Huế.

Ca Huế trong dòng chảy của thời gian
Huế là vùng đất lịch sử, kinh đô của đất nước Việt Nam qua nhiều thế kỷ, là mảnh đất của thi, ca, nhạc, họa. Kế thừa di sản văn hóa truyền thống của ông cha, các loại hình nghệ thuật như được tiếp nối dòng chảy của thời gian, lắng đọng và bồi đắp những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, mà tiêu biểu là những loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Việt Nam, các hình thái nghệ thuật diễn xướng bác học, tôn giáo và dân gian xứ Huế. Trong đó, Ca Huế là một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện nét đẹp tinh thần tạo nên bản sắc văn hóa Huế.
Ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống, là tinh hoa của nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Trong giai đoạn Huế là Kinh đô của cả nước, giữa sự giao thoa và tiếp nhận vốn văn hóa chung cả nước, xuất phát từ phong cách sống, tâm tư, tình cảm và ngữ âm của bản địa, đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất và con người xứ Huế. Hình thức diễn xướng mang tính bác học được khởi nguồn từ các triều đại vua chúa tại Kinh đô Huế, được diễn ra trong các dinh thự, phủ đệ của các bậc quyền quý và giới thượng lưu, trong một không gian thính phòng, bằng những khúc ca tri âm, tri kỷ.
 
 
Ca Huế được xem như sự kết hợp tinh túy giữa sự cao quý của nhã nhạc cung đình và điệu hò dân dã. Về nội dung âm nhạc thì bộ phận đặc sắc nhất của Ca Huế lại chịu ảnh hưởng rõ rệt của hò, lý dân gian. Về mặt trình diễn, Ca Huế luôn luôn đòi hỏi phần phụ họa của nhạc khí chứ không hát suông như hò. Chính từ sự kết hợp hài hòa của hai luồng giao thoa đó đã làm cho Ca Huế có một phong vị đặc biệt, vừa thỏa mãn được yêu cầu thẩm mỹ của giới “quí tộc phong lưu”, lại vừa được dân chúng mến mộ.
Hơn 500 năm phát triển, Ca Huế, từ dân gian được phát triển vào cung đình, và từ cung đình lại lan tỏa ra dân gian, tạo ra hai dòng âm nhạc: âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Ngày nay, Ca Huế đang được giữ gìn, tạo nên sự lan tỏa và kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông. Nghệ thuật Ca Huế đã khẳng định thực sự là một giá trị tinh thần, một cảm xúc thưởng ngoạn của du khách đến Huế.
Cổ Nhạc Từ, ngôi nhà thờ duy nhất Tổ ngành Âm nhạc truyền thống Huế trên đất Cố đô
Trong khuôn khổ Festival Huế 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Ban Nghi lễ Nhà thờ Tổ ngành Âm nhạc truyền thống Huế tổ chức Lễ húy kỵ, dâng hương, dâng hoa tại Cổ Nhạc Từ (số 5 kiệt 127 đường Nguyễn Trãi, thành phố Huế). Cổ Nhạc Từ là ngôi nhà thờ duy nhất tổ ngành ca nhạc truyền thống Huế trên đất Cố đô. Khu vực nhà thờ Cổ nhạc nguyên là Cung tôn miếu do vua Thành Thái tạo lập năm 1891 để thờ phụ hoàng là vua Dục Đức, đến năm 1899 thần khám hoàng đế Dục Đức được đưa về thờ ở điện Long Ân, miếu Cung tôn bị bỏ phế đến năm 1966 thì được giao cho Ban Cổ nhạc Đại Nội sử dụng để xây dựng từ đường. Cổ nhạc từ ra đời từ đó.
 
 
Hơn 200 diễn viên, nhạc công Ca Huế thuộc hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và các câu lạc bộ Ca Huế trên địa bàn thành phố Huế tham gia diễu hành đến Cổ Nhạc Từ với lộ trình: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhật Lệ, Phùng Hưng, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Yết Kiêu, Nguyễn Trãi. Lễ húy kỵ năm nay diễn ra đúng dịp Festival Huế 2014, cũng là lúc mọi người trên mọi miền đất nước trở về, tụ hội, biểu diễn tài năng nghệ thuật của mình, cùng giao lưu học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Sự tham gia đông đảo và tích cực của các thành viên và thân hữu Hội Ca nhạc truyền thống Huế thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Lễ húy kỵ được tổ chức vào các ngày 15, 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm, mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng, giúp cho những nghệ nhân Cổ nhạc tưởng nhớ tới ông Tổ của nghề và những bậc nghệ nhân tài ba đi trước đã để lại cho ngành Cổ nhạc nhiều tác phẩm bất hủ... Ngày trước người ta tổ chức vào ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch, nhưng do đặc thù của xứ Huế, thời điểm này thường mưa to, lụt lội nên Ban Trị sự đã họp bàn thay đổi ngày tế dời đến tháng 3. Lễ húy kỵ là dịp để các thành viên trong hội trao đổi tâm tư biểu diễn nghệ thuật, các bài ca, điệu đàn tâm đắc nhất sau một năm xa cách; đồng thời góp phần trong việc lưu giữ một nét văn hóa đẹp của đất Thần Kinh. Qua đó, nhắc nhở con cháu đời sau luôn nhớ “Uống nước nhớ nguồn”.
Nơi tôn vinh giá trị nghệ thuật Ca Huế
Tại bến Nghinh Lương Đình được phụ trợ xung quanh là những cánh sen và 25 thuyền rồng được kết đèn, cờ rực rỡ, tạo nền sáng lung linh bên dòng sông Hương thơ mộng đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Âm sắc Hương Bình”, nhằm tôn vinh, quảng bá giá trị của Ca Huế, đồng thời tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối của bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm nét Huế này. Không có cái rộn rã thường thấy của lễ hội, không gian Nghinh Lương Đình thật yên ắng, nhường chỗ cho giai điệu xao xuyến. Tất cả lặng im trong cái ngọt ngào Ca Huế, quyện theo thanh âm réo rắt, ngân nga của đàn tranh, tỳ bà, nhị, nguyệt.
 
 
 
 
Mở đầu chương trình là lễ tri ân 37 nghệ nhân có đóng góp cho sự bảo tồn, phát triển Ca Huế. Đây là những nghệ nhân có quá trình gắn bó trên 30 năm, rất uy tín trong nghề đại diện cho hơn 400 nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công có nhiều đóng góp trong biểu diễn, truyền dạy nghề... đã được lãnh đạo tỉnh tri ân sự cống hiến của họ. Hơn 500 năm phát triển, Ca Huế đã trải qua biết bao thăng trầm mà nếu không có những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ say mê và sống hết mình với nghề, giá trị văn hóa ấy khó gìn giữ. Bằng niềm đam mê, tâm huyết và tình yêu, những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công... đã âm thầm gìn giữ và lưu truyền cái hồn cốt của Ca Huế, làm đẹp thêm cho Ca Huế. Họ và Ca Huế xứng đáng được tôn vinh. Trong phần tôn vinh các nghệ sĩ, có tiết mục của các em thiếu nhi hát làn điệu Ca Huế, quây quần đầm ấp bên các bậc tiền bối là hình ảnh tri ân sâu chuỗi thế hệ một niềm tự hào, một sở thích Ca Huế.
 
 
Trong ánh trăng đẫm sương đêm, người nghe lắng lại với âm hưởng da diết, trữ tình của câu hò Mái nhì và bản Nam ai được nghệ nhân Thanh Tâm cất lên đầy sâu lắng, ấm áp. Kết hợp với lời ca của nghệ nhân Thanh Tâm là màn biểu diễn của các diễn viên múa kể câu chuyện về một đôi nam nữ yêu nhau nhưng phải chia lìa vì cô gái được tiến cung. Nỗi nhớ quê hương, người yêu đã khiến cô gái vượt qua giới hạn của những bức tường cung cấm để trở về với tình yêu của mình.
 
 
Làn điệu Hầu văn nổi tiếng trong dòng nhạc dân Ca Huế gắn với sinh hoạt tâm linh, tín ngường thờ Mẫu của người Huế được NSƯT Thu Hằng gửi đến khán giả trong bài "Nhớ ơn công đức tiên tổ". Cổ bản Non nước Hương Bình do NSƯT Khánh Vân trình diễn đậm chất ca Huế đã truyền tải được tâm ca của người nghệ sĩ gạo cội đã gần 45 năm gắn bó với Ca Huế. Giai điệu khoan nhặt, dặt dìu, rộn ràng đậm chất dân ca của Giã gạo đêm trăng của các nghệ sĩ trẻ thể hiện nhiệt huyết nối nghiệp cha anh, vang danh Ca Huế. Trích đoạn ca kịch Huế trong vở "Ngọn lửa tình yêu" do các nghệ sĩ thành danh trong làng ca kịch Huế diễn xướng đã khẳng định sự phong phú, đa sắc màu của nghệ thuật Ca kịch Huế... làm cho khán giả cảm nhận được hết một thời vàng son của xứ Huế "mộng mơ, thâm trầm mà sâu lắng". Ðêm càng khuya, ánh trăng càng dát vàng lấp lánh, sông Hương càng lung linh với những chiếc thuyền rồng kết đèn hoa rực rỡ. Giữa một bầu trời, mây và sông nước bồng bềnh, lời hát ngân xa, bay bổng như kết nối những tâm hồn đồng điệu, tạo nên sự hòa nhịp giữa âm nhạc, con người và thiên.
 
 
Màn thả đèn hoa đăng trên sông Hương kết thúc đêm hội "Âm sắc Hương Bình", để lại cho du khách và người xem nhiều ấn tượng và cảm xúc và cả sự tiếc nuối. Đây như là một lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao của các bậc nghệ nhân tiền bối đã xây đắp và tạo dựng nên một bản sắc nghệ thuật độc đáo của quê hương xứ Huế.
Để Ca Huế còn vang vọng mãi với thời gian
Là tinh hoa âm nhạc cổ truyền dân tộc, Ca Huế đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất, con người xứ Huế. Hình thức diễn xướng của Ca Huế mang tính bác học được diễn ra trong các dinh thự, phủ đệ của giới thượng lưu, trong một không gian thính phòng tri âm, tri kỷ. Theo thời gian, sự giao thoa giữa tầng lớp quý tộc và người dân đã tạo môi trường cho Ca Huế có điều kiện đến được với nhiều tầng lớp công chúng. Kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha, ngày nay, nghệ thuật Ca Huế đang được gìn giữ và phát triển, lan tỏa khắp nơi và trở thành đặc sản của xứ Huế.
Giá trị nghệ thuật và truyền thống đặc sắc của Ca Huế đã được xác định từ trong lịch sử và ngày càng gặt hái nhiều thành công và định hình rõ hơn trong xã hội hiện đại với nhiều người yêu chuộng ca Huế hơn. Điều vui mừng nữa là lực lượng diễn viên, nghệ sĩ trẻ Ca Huế càng ngày nhiều, đó là lực lượng tiếp nối và phát huy mạnh mẽ nghệ thuật Ca Huế, qua đó thấy sức sống của Ca Huế chắc chắn sẽ còn vươn xa hơn. Riêng đội ngũ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên Ca Huế được cấp thẻ hành nghề là thành công trong quá trình phát triển nghệ thuật Ca Huế.
 
 
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật Ca Huế như những mạch nguồn đêm ngày âm thầm chảy mãi trong lòng bao thế hệ với những giai điệu mượt mà, sâu lắng, thể hiện trong nhiều không gian cổ kính, những sắc màu lung linh trên sông Hương thơ mộng để làm phong phú sinh hoạt văn hóa của người dân, tăng thêm tính đặc sắc của du lịch Huế. Hiện nay, với những nét đặc trưng và màu sắc âm nhạc độc đáo, Ca Huế nhanh chóng trở thành thương hiệu của du lịch Huế và cũng là món quà riêng có của xứ Huế với khách thập phương. Không có vị khách du lịch nào đã từng một lần đến thăm Cố đô Huế mà lại chưa thưởng thức Ca Huế, cho nên Ca Huế nổi tiếng không chỉ với người Việt Nam mà còn với cả khách du lịch quốc tế.
 
 
Nghệ thuật Ca Huế đã bộc lộ sự quyến rũ, thanh tao, thể hiện chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của cộng đồng người dân xứ Huế, là nơi hội tụ những tinh hoa của văn hóa dân tộc, rất xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ca Huế là một lối chơi tao nhã, lịch lãm của các văn nhân tài tử xưa. Ở đấy văn chương, âm nhạc hòa quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc mà tinh tế, dân gian mà bác học, thực mà ảo huyền vi diệu. Trong dòng chảy sôi động của thời đại, nhiều nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này đã và đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Vì vậy Ca Huế nếu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sẽ là cơ hội để bảo tồn và phát huy hơn nữa vốn di sản âm nhạc truyền thống quý báu này.
Trần Văn Dũng
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL