Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 34.159
Người thợ gò hàn xây dựng gia đình văn hóa
Lượt đọc: 99669Thời gian: 08:40 - 20/06/2014

(VHH) - Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp đến thôn Niêm Phò xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền thăm gia đình ông Nguyễn Ngư, một gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của xã.

Ông Ngư nguyên là chủ tịch UBND xã Quảng Thọ những năm 1986 đến 1994. Sau khi về hưu, ông làm nghề gò hàn tại gia đình. Ông tâm sự: “Bản thân ấp ủ cái nghề này từ lâu nhưng khi về hưu, phải hai năm sau ở địa phương có điện mới bắt tay làm nghề được”. Bây giờ xưởng gò hàn gia đình ông trung bình giải quyết 3 đến 4 lao động, hưởng lương mỗi người 5 triệu đồng một tháng. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình ông thu nhập từ nghề gò hàn khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Điểm đặc biệt ở ông Ngư không phải là một người kinh doanh, buôn bán thành đạt mà ở ông toát lên phong cách một người thợ cần mẫn, chăm chỉ với công việc và sống hòa đồng với mọi người. Có lẽ từ những đức tính ấy đã giúp ông hoàn thành tốt việc công cũng như việc tư.

Năm nay, ông đã bước sang tuổi 65, các con ông đều trưởng thành, có gia đình ổn định. Tuy đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vợ chồng ông vẫn chăm chỉ với công việc, hàng ngày tất bật ở xưởng gò hàn. Bản thân ông không quên vai trò của một Bí thư Chi bộ thôn. Ngoài làm thợ, ông còn làm công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ an ninh thôn xóm. Anh Trần Trọng Quân, người cùng thôn với ông Ngư cho biết: “Ở địa phương, ông là một người được bà con tôn trọng, tin tưởng, quý mến. Đối với công việc, lại rất có tâm, bảo đảm chất lượng và luôn lấy giá rẻ nên xa, gần người dân đều tìm đến đặt hàng hay sửa chữa ở xưởng gò hàn của ông”. Trao đổi với chúng tôi về việc giáo dục con cái và bữa cơm gia đình, ông nói: Trước đây khi còn làm Chủ tịch xã, do công việc nên thường đi sớm, về muộn nhưng bản thân luôn cố gắng về với gia đình, ăn bữa cơm cùng vợ con. Chỉ có trong bữa ăn mới sum họp, đầy đủ thành viên gia đình, lúc này mình có dịp nắm tình hình học hành, công việc của các con từ đó khuyên nhủ, động viên chúng cố gắng hơn. Là người cha trong nhà, mình phải làm sao cho con cháu thấy thích thú khi về với mái nhà sau công việc, học tập trong đó bữa cơm gia đình là rất quan trọng. Việc dạy bảo con cái cũng phải tùy lúc, tùy nơi, lấy tình thương yêu của cha mẹ để nuôi dưỡng và giáo dục các con. Bây giờ mình đã già, hiện tại không ở cùng các con nhưng vào những dịp kỵ, giỗ ông bà, ngày tết, con cháu đều tụ họp cùng nhau ăn bữa cơm gia đình ấm cúng. Truyền thống gia đình được duy trì và các con tôi cũng đã học tập bố để giáo dục con cái mình.

Hiện vợ chồng ông đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, linh hoạt, vẫn làm việc ở xưởng gò hàn. Ông nói: “Mình còn làm được thì cứ làm để khỏi phụ thuộc ai, cũng là cách giáo dục các con mình phải biết cố gắng, lấy lao động để rèn đức tính tự lập, không là gánh nặng của ai”. Ông Ngư cũng thông tin thêm với chúng tôi rằng vợ chồng ông vừa mới tham gia sinh hoạt Hội người cao tuổi của thôn. Ngoài tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do hội tổ chức, ông đã tranh thủ trao đổi với các cụ về việc phối hợp, giúp đỡ địa phương tuyên truyền, vận động bà con thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự thôn xóm. Đặc biệt, ông và các cụ luôn nêu gương sáng, lấy kinh nghiệm sống của mình để giáo dục con cháu ở địa phương trong học tập cũng như lao động.

Theo số liệu báo cáo từ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền, xã Quảng Thọ là một trong những điểm sáng về phong trào xây dựng gia đình văn hóa của huyện, phong trào ở đây thực sự có chất lượng với nhiều “hạt nhân” là gia đình văn hóa tiêu biểu. Đạt được thành quả này, gia đình ông Nguyễn Ngư là một trong những người có nhiều đóng góp cho phong trào.

Hữu Uy
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL