Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.843
Tọa đàm Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển của Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 102240Thời gian: 10:49 - 24/08/2014

(VHH) - Chiều 23/8, tại Khách sạn Duy tân (12 Hùng Vương, TP Huế), Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tọa đàm khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế" với sự tham gia của các Hội đồng Lý luận Trung ương, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Chủ trì tọa đàm có GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Chủ nhiệm Đề tài KX.04.14/11-15, bà Đoàn Thị Thanh Huyền - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và TS.Phan Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát biểu đề dẫn, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài KX. 04.14.11-15 nhấn mạnh về vị thế, đặc sắc về văn hóa của một Huế kinh đô xưa và một Huế cố đô lịch sử, thành phố văn hóa của ASEAN hôm nay; đồng thời đưa ra một số vấn đề cần trao đổi thêm, như: Văn hoá đã "thấm" vào chính trị và kinh tế Thừa Thiên Huế như thế nào; Sắp tới, văn hoá có trở thành thế mạnh của địa phương không; Thừa Thiên Huế phải làm gì để quản lý văn hoá tốt hơn và để mối tương quan giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể trở thành một thể thống nhất…

Trên cơ sở những nội dung này, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa ở Huế và trong nước đã trình bày các tham luận, trao đổi và đóng góp ý kiến cũng như kiến nghị các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quốc gia nói chung và tại Thừa Thiên Huế nói riêng. Các đại biểu đã đề cập công tác trùng tu, tu bổ di tích ở Huế gặp nhiều khó khăn do số lượng di tích nhiều, nhưng kinh phí bố trí hằng năm lại rất thấp, đề nghị Trung ương cần xem xét, có sự đầu tư cho những khu vực trọng điểm về văn hóa; nhanh chóng quy hoạch các lễ hội trong cả nước, tránh tình trạng nhiều địa phương cùng tổ chức lễ hội giống nhau; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương; quan tâm chính sách đối với nghệ nhân.

Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Ban Chủ nhiệm đề tài KX.04.14/11-15 đề xuất với Đảng và Nhà nước cách tiếp cận mới, nhận thức mới về quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam từ đổi mới đến nay; đồng thời chỉ ra những thành tựu cũng như hạn chế, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và đúc rút những bài học kinh nghiệm cho quá trình này.

BM - Văn Dũng
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL