Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.360
TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng DSVHQG, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế dự Hội thảo quốc tế "Di sản thế giới Hội An, 20 năm bảo tồn và định phướng phát triển bền vững".
Lượt đọc: 30077Thời gian: 16:49 - 03/12/2019

(VHH) - Sáng ngày 3/12/2019, UBND TP Hội An tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Hội thảo quốc tế "Di sản thế giới Hội An, 20 năm bảo tồn và định phướng phát triển bền vững". Đây là cuộc hội thảo quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (DSVHQG), Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Hội thảo, cùng tham dự Hội thảo có các chuyên gia về bảo tồn di sản đến từ Nhật Bản, đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội; lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL; GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, GS.TS Lâm Mỹ Dung; TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích. Về phía lãnh đạo địa phương tham dự có ông Lê Chí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực TP Hội An; cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An.

Thừa ủy quyền của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng DSVHQG, TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng DSVHQG đã phát biểu tại hội thảo. Bên cạnh việc chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu to lớn mà chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung, Thành phố Hội An nói riêng trong việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản đô thị cổ Hội An trong 20 năm qua cùng thái độ chủ động tích cực trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược cho giai đoạn tiếp theo, Hội đồng DSVHQG cũng lưu ý Hội An cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Có kế hoạch và giải pháp cụ thể để bảo tồn toàn diện và bền vững các giá trị văn hóa đặc trưng của Hội An, bao gồm cả di sản vật thể, di sản phi vật thể và môi trường cảnh quan của khu di sản. Kế hoạch và giải pháp này được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong 20 qua.

2. Có các giải pháp để giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, đặt trong bối cảnh Hội An ngày nay đã trở thành 1 điểm đến hàng đầu của Việt Nam với hơn 5 triệu lượt du khách mỗi năm. Phải xử lý tốt các vấn đề về phát triển đô thị, áp lực của số lượng lớn du khách lên khu phố cổ, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, giao thông... đặc biệt là có giải pháp khắc phục khi phần lớn chủ nhân của nhà cổ Hội An đã và đang thay đổi với tốc độ rất nhanh, lối sống truyền thống trong không gian nhà cổ không còn hoặc biến dạng.

3. Cần chú ý xây dựng chuỗi sản phẩm dịch vụ mang đậm bản sắc địa phương, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; tạo sinh kế bề  vững cho cộng đồng nhân dân địa phương.

Bên cạnh đó, TS Phan Thanh Hải cũng chia sẻ một số kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Cố đô Huế, địa phương đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh danh hiệu Di sản thế  giới. TS Phan Thanh Hải cũng mong muốn Thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam sẽ hợp tác chặt chẽ cùng cố đô Huế trong việc nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí để đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước công nhận Huế và Hội An là những đô thị di sản đặc thù, Thành phố di sản cấp quốc gia của Việt Nam.

Yên Chi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL