Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 24.212
Đại lễ “Việc tiếu” dòng họ, nét đẹp văn hóa tại Làng Kế Môn
Lượt đọc: 8878Thời gian: 09:49 - 10/04/2020

(VHH) - Làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài việc người ta biết đến là cái nôi của nghề Kim hoàn thì ở đây còn nhiều điều đặc biệt như con đường làng bê tông hóa dài 2400m do ông Nguyễn Thanh Côn tài trợ, Thư viện làng với hàng ngàn đầu sách là Thư viện làng đầu tiên ở Huế  thành lập năm 1999,  Trung tâm thương mại trị giá hơn 11 tỷ đồng đều do ông Hồ Huệ người con dân của làng đã đứng ra xây dựng...

Có dịp dạo một vòng ngôi làng trong tiết trời mùa xuân, dọc con đường Nguyễn Thanh Côn, là những công trình kiến trúc của 16 họ tộc, những công trình từ khiêm tốn đến đồ sộ, từ cổ kính rêu phong đến rực rỡ sắc màu kiến trúc, đây cũng chính là nơi của sự gắn kết, yêu thương, là một nét văn hóa đẹp được lưu giữ của những người dân nơi đây.  Như bao ngôi làng khác ở Thừa Thiên Huế, làng Kế Môn thuộc vùng đất Thuận Hóa xưa, in đậm nét văn hóa tín ngưỡng qua việc thờ cúng ông bà, tổ tiên. Trong đó Đại lễ “Việc tiếu”  được tổ chức 12 năm một lần là một trong những nét đẹp văn hóa, tập tục truyền thống độc đáo có từ xa xưa được người dân nơi đây gìn giữ và lưu truyền, đây là một nét văn hóa độc đáo chỉ có tại các học tộc làng Kế Môn.

Hơn cả những ngày Tết cổ truyền, Đại lễ Tiếu Kỳ vào tháng 2, tháng 3 âm lịch ở các tộc họ là dịp để đoàn tụ. Không chỉ đoàn tụ tam đại, tứ đại hay ngũ đại đồng đường, mà là cả chi, phái, cả họ, cả dòng họ cùng một ông tổ”...Với truyền thống văn hóa của làng, sự nuôi dưỡng từ  văn hóa dòng họ, những người con sinh ra tại vùng đất này luôn hướng đến tổ tiên, hướng đến dòng họ, những người Kế Môn xa quê, bất luận đang sống ở các tỉnh thành trong nước hay hải ngoại xa xôi, hành trang mà họ mang theo không bao giờ thiếu những nghi lễ thờ phụng tổ tiên truyền thống từ nơi cố hương với tâm nguyện “ly hương mà không ly tổ”.

Các lễ nghi trọng Đại lễ “Việc tiếu” có sẵn từ xa xưa. Theo thứ tự, mở đầu là  lễ Hưng tác,  nhằm “trình diện” tất cả các thành phần phụ trách nghi lễ: như chủ tế và các bồi tế, chiêng, trống, bộ nhạc lễ; đồng thời “cam kết” với bề trên chu toàn nhiệm vụ của mình. Lễ Triệu Tổ, là lễ rước vong linh ngài Thỉ Tổ từ trong rú (là nơi có mộ của ngài) về Từ Đường. Lễ “Nghinh Sơn Nghinh Thủy” là lễ rước thần núi thần sông (tượng trưng cho đất nước, thổ, thủy thần). Lễ Túc Yết, là lễ cáo ở Từ Đường, trong lễ này luôn có hoạt động múa Gươm (Lộn gươm) đây là một trong  điệu múa dân gian độc đáo đã được đưa vào di sản phi vật thể của huyện Phong Điền, tiếp đến là Lễ Hành hương, dành cho các quan khách và con cháu nội ngoại đến cúng dâng lễ vật lên tổ tiên. Lễ cúng Cô Hồn vào chiều muộn...tất cả các lễ nghi diễn ra trang nghiêm, long trọng và theo bài bản từ đời này, truyền sang đời khác.

Ngày nay, cuộc sống  phát triển, những thay đổi của đời sống xã hội, sự du nhập của nền văn hóa từ bên ngoài vào, thì văn hóa dòng họ cần được chú trọng hơn, bởi đó là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của nhân dân Việt Nam nói chung, của mỗi làng, xã nói riêng, là nơi nuôi dưỡng nhân cách của mỗi người, từ đó tạo nên một nét văn hóa riêng, độc đáo của người Việt Nam nói chung, của người dân làng Kế Môn nói riêng.

Đại lễ “Việc tiếu” diễn ra 12 năm một lần tại Làng Kế Môn, là sự thiêng liêng, là truyền thống hướng về nguồn cội của con cháu, và xa hơn nữa là giáo dục con cháu, thế hệ ngày sau noi theo gương ông cha, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa nghi lễ truyền thống quý báu, bảo tồn giá trị văn hóa dòng tộc, văn hóa làng đã tồn tại hàng trăm năm qua. Theo TS Mai Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phả học Việt Nam chia sẻ “Văn hóa dòng họ ở các làng quê đang vun bồi ý thức về lịch sử, lòng yêu nước. Hay nói khác đi, hiểu cội nguồn để thêm yêu gấm vóc quê hương”.

Thanh Thúy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL