Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 12.073
Tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Lượt đọc: 6902Thời gian: 09:05 - 14/04/2020

(VHH) - Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đặt ra.

Thời gian qua, ngành Văn hóa và Thể thao đã cùng các Ban, Ngành, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao truyền thống đáp ứng ngày càng tốt hơn về nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số được thường xuyên duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như: Lễ  hội A Za, Ariêu Piing, Ariêu Car, cưới hỏi, A Tan pa nuôn, mừng nhà mới ...tổ chức đúng theo chu kì của từng lễ  hội. Bên cạnh đó, các môn thể thao truyền thống của các dân tộc, các trò chơi dân gian tiếp tục được khai thác và đưa vào tổ chức trong các lễ hội truyền thống của các địa phương như môn Đẩy gậy, Bắn nỏ, Kéo co, đi Cà kheo, Leo cột. Hệ thống tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian được duy trì thường xuyên cơ sở thôn, bản, xã, thị trấn, huyện,thị xã thu hút đông đảo lực lượng thanh thiếu niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nông dân, người cao tuổi đồng bào dân tộc tham gia.

Định kỳ 02 năm một lần, Sở Văn hóa và Thể thao đã  phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế luân phiên giữa hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Kể từ năm 2003 đến nay, đã có 9 kỳ ngày hội được tổ chức, đây là hoạt động lớn nhất và quy mô lớn nhất cấp tỉnh về công tác tổ chức văn hóa dân tộc. Hoạt động sau quy mô lớn hơn, chất lượng và các hoạt động phong phú hơn. Đặc biệt, năm 2019, “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên” với chủ đề "Đoàn kết, hữu nghị và phát triển" đã được tổ chức thành công tại huyện A Lưới, thu hút sự tham gia của khoảng 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 5 tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lập hồ sơ khoa học các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đạt được những kết quả tích cực. Nghề Dệt Dèng truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016; Lễ hội truyền thống AZAKOOH của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Các làng nghề truyền thống như dệt Dèng, thổ cẩm, đan lát, sửa chữa nhạc cụ…được khôi phục và phát triển. Đặc biệt, nghề dệt Dèng truyền thống của huyện A Lưới đã trở thành đã được bảo tồn, phát huy hiệu quả, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Bên cạnh đó, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc mang bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các địa phương đã mở các lớp truyền dạy về dân ca, dân nhạc, dân vũ, nói lý, hát lý, cồng chiêng của dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn các loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc cho thế hệ sau.

Việc kiểm kê, sưu tầm, trưng bày các di tích, hiện vật lịch sử, hiện vật văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng triển khai, đặc biệt là trên địa bàn huyện A Lưới thông qua Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020. Qua quá trình kiểm kê trên địa bàn huyện A Lưới, đã lựa chọn và đưa vào Danh mục Kiểm kê các công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu đối với 09 công trình; bổ sung vào danh mục 107 hiện vật đang được trưng bày, bảo quản tại Nhà trưng bày trung tâm huyện A Lưới.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang tích cực phối hợp với các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là huyện Nam Đông tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời triển khai dự án “Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ Tu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế”; qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số; bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số một cách lâu dài, bền vững.

Ngân Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL