Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 13.023
Huế phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
Lượt đọc: 7629Thời gian: 10:24 - 21/04/2020

(VHH) - Nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân..., đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Qua hai năm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đã gặt hái được một số kết quả tích cực đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền phát triển văn hóa đọc đã được triển khai thực hiện trong hệ thống thư viện công cộng, trong trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ấn phẩm Văn hóa Huế, trên các trang thông tin điện tử của ngành Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Thư viện Tổng hợp tỉnh… Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức 02 buổi tập huấn phổ biến các văn bản hướng dẫn của trung ương; đồng thời, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền phát triển văn hóa đọc tại các địa phương. Thư viện Tổng hợp tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn và phối hợp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng phục vụ cho người làm công tác thư viện thuộc hệ thống thư viện công cộng, nhờ đó, có trên 80% thư viện có cán bộ phụ trách và kiêm nhiệm, hằng năm được bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện là điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch phát triển văn hóa đọc tại các địa phương.

Đối với hệ thống thư viện công cộng bao gồm Thư viện Tổng hợp tỉnh và các thư viện cấp huyện, xã đã tổ chức thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đọc sử dụng vốn tài liệu thư viện thông qua các hình thức: đọc tại chỗ, mượn về nhà hoặc phục vụ ngoài thư viện phù hợp với nội quy của thư viện. Trong hai năm 2018-2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp 3.753 thẻ bạn đọc và thu hút được 266.078 lượt bạn đọc đến với thư viện công cộng. Lượng sách báo trong mỗi thư viện có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, còn chú trọng xây dựng phong trào đọc sách, báo trong nhân dân tại địa phương. Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thông tin - thư mục, thông tin có chọn lọc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ của thư viện. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện ở địa phương, tham gia xây dựng và phát triển mạng thông tin - thư viện của hệ thống Thư viện công cộng.

Kết hợp với chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020, hệ thống thư viện công cộng đã triển khai thực hiện lồng ghép kế hoạch phát triển văn hóa đọc với việc thực hiện chủ trương “Đưa văn hóa về cơ sở”, luân chuyển sách đến 78 điểm Bưu điện - Văn hóa xã và 11 tủ sách bao gồm các tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng và các tủ sách của các trường học, trại giam, đồn biên phòng, trung tâm điều dưỡng… Tổng số lượt sách, báo luân chuyển trong hai năm 2018-2019 đạt 804.374 lượt. Cuối năm 2019, nhằm nâng cao hiệu quả việc luân chuyển sách báo, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thu hồi, kiểm kê và có kế hoạch bổ sung lượng sách báo thiếu hụt do hư hỏng, mất mát trong quá trình luân chuyển để thực hiện tốt hơn kế hoạch luân chuyển sách báo trong năm 2020.

Được sự chỉ đạo và khuyến khích của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương cũng đã tích cực phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong hai năm qua. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội đồng đội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức vòng sơ khảo “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019” (Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động) để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 6. Cuộc thi đã nhận được gần 7.400 bài dự thi của các học sinh thuộc 100 trường từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Ban tổ chức trao giải thưởng cho 30 học sinh đạt giải trong cuộc thi này. Hai giải thưởng tập thể thuộc về Trường THPT Hai Bà Trưng và Trường THPT chuyên Quốc Học. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố HUế đã phối hợp với Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức Hội thi “Thiếu nhi vẽ tranh thao sách - năm 2019” nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc trong thư viện và trường học. Các Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố Huế cũng tích cực tuyên truyền về Ngày sách Việt Nam nói chung và phát triển văn hóa đọc nói riêng thông qua việc xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền phát sóng trên hệ thống truyền thanh - truyền hình, tuyên truyền bằng xe lưu động, in ấn và treo băng - rôn trên các tuyến đường đông dân cư trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông đã trao tặng hơn 100 đầu sách hay (hơn 200 bản) cho các thư viện trên địa bàn huyện Quảng Điền. Các đơn vị phát hành trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức các chương trình khuyến mãi, hội sách giảm giá. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố Huế đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các trường học tổ chức “Ngày hội đọc sách cấp tiểu học năm học 2018-2019” với sự tham gia của 33 trường tiểu học trên địa bàn.

Các doanh nghiệp và cá nhân cũng đã tích cực tham gia tổ chức các hoạt động góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Công ty Cổ phần sách Alpha đã tổ chức tuần lễ sách nửa giá tại tiền sảnh Thư viện Tổng hợp tỉnh (từ ngày 06-13/4/2019). Nhà xuất bản Phụ Nữ, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp tổ chức thành công buổi giao lưu tác giả - tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức giao lưu với tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà về tác phẩm “Ở xứ mưa không buồn” thu hút hơn trăm bạn đọc quan tâm đến dự.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh cần đổi mới và đẩy mạnh việc cấp thẻ bạn đọc, tổ chức phục vụ bạn đọc tại chỗ, phục vụ lưu động, bổ sung sách báo, luân chuyển sách trong hệ thống thư viện công cộng... đến các hoạt động phối hợp triển khai thực hiện trong các ban ngành địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa đọc dưới nhiều hình thức khác nhau. Tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm tuyên truyền phát triển văn hóa đọc. Thực hiện việc phục vụ bạn đọc cơ sở, ưu tiên phục vụ đến các xã có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, các trường học, đồn biên phòng, trại giam, bệnh viện… Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Bưu điện tỉnh trong luân chuyển sách đến các điểm bưu điện văn hóa xã...

Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ban ngành, địa phương, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành phong trào sâu rộng được người dân, học sinh, sinh viên hưởng ứng tích cực, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người đọc trong xu thế công nghệ 4.0 hiện nay.

Ngọc Linh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL