Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.151
Thư viện làng Kế Môn, tấm lòng của người con xa xứ
Lượt đọc: 6367Thời gian: 09:25 - 27/04/2020
Ông Hồ Huệ (áo đen) nhận bằng khen của lãnh đạo tỉnh

(VHH) - Ở làng Kế Môn, khi nhắc đến tên ông Hồ Huệ thì không ai là không biết đến. Là một người con dân của làng đi lập nghiệp phương xa, nhưng tấm lòng của ông luôn hướng về quê hương, nguồn cội, ông đã làm nhiều việc ý nghĩa như thành lập hội Khuyến học, xây dựng Trung tâm Thương mại xã, và thành lập Thư viện làng...tất cả đều do gia đình ông tự nguyện đóng góp.

Mong muốn đưa văn hóa đọc đến với người dân trong làng, năm 1999 ông Huệ đã hiến ngôi nhà rường cổ của gia đình mình, trùng tu, tôn tạo và tìm nguồn sách để thành lập Thư viện làng Kế Môn.

Với không gian rộng hơn 400m2, ngôi nhà được chia làm 2 gian, gian trước là các tủ sách trưng bày với gần 4.000 cuốn sách với nhiều thể loại, từ lịch sử, văn chương, danh nhân, cho đến các loại các cẩm nang, sách nghiên cứu, sách học làm người, sách truyện, truyện tranh thiếu nhi, tạp chí … và một bộ sưu tập tem, gian nhà phía sau là chỗ ở cho người trông coi Thư viện, chi phí lương hàng tháng của người trông coi Thư viện và các khoản chi phí phát sinh khác đều do chính cá nhân ông Hồ Huệ chi trả.

Thấy được hiệu quả tích cực từ việc thành lập Thư viện làng, năm 2014, ông Hồ Huệ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 02 cơ sở thư viện làng Kế Môn tại Trung tâm thương mại xã Điền Môn (cũng do ông đầu tư xây dựng với hơn 11 tỷ đồng) . Cả 2 cơ sở thư viện có gần 200 đầu sách với khoảng 6.000 cuốn thuộc nhiều lĩnh vực.

Với việc làm ý nghĩa của ông Hồ Huệ, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Tổng hợp tỉnh, quỹ Bill & Melinda Gates Hoa Kỳ gửi tặng cho thư viện làng Kế Môn 5 máy vi tính kết nối mạng cho bạn đọc truy cập miễn phí. Thư viện mở cửa phục vụ mọi đối tượng bạn đọc vào tất cả các ngày trong tuần.

Có lẽ, Thư viện làng Kế Môn là một trong những Thư viện làng đầu tiên được hình thành từ những tấm lòng của người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một nét đẹp mang tính nhân văn của người dân làng Kế Môn, từ đó nhân rộng và phát triển văn hóa đọc đến người dân, giúp nhau gắn kết hơn, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn, hướng nhân dân cùng nhau xây dựng làng Kế Môn ngày càng phát triển hơn, giàu đẹp hơn. Thư viện làng trở thành điểm sinh hoạt văn hóa ý nghĩa cho người dân, là cầu nối để người dân đến với tri thức, giúp người dân tiếp cận một cách đúng đắn những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp người nông dân có những cách làm mới khoa học hơn, tân tiến hơn trong gieo cấy, nuôi trồng; các tệ nạn cũng được giảm dần, nhờ đó mà kết quả các cuộc vận động xây dựng các tiêu chí về văn hóa, nông thôn mới cũng được tăng cao rõ rệt, bộ mặt nông thôn từng bước được nâng lên. Xa hơn nữa là tấm lòng luôn hướng về nguồn cội của người dân tại làng Kế Môn nói riêng, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam nói chung.

Thanh Thúy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL