Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 13.094
Những kết quả đáng ghi nhận trong quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh
Lượt đọc: 7387Thời gian: 10:01 - 27/04/2020

(VHH) - Theo thống kê hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 500 lễ hội, trong đó có 59 lễ hội tiêu biểu diễn ra hằng năm gồm có: 35 lễ hội truyền thống, 14 lễ hội văn hóa, 08 lễ hội ngành nghề, 02 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Giống như các lễ hội trên cả nước, lễ hội tỉnh Thừa Thiên Huế phần lớn diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu trong các dịp Xuân kỳ và Thu tế. Trong những năm vừa qua, các lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia như: Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, Lễ hội Giao thừa, Hội vật làng Sình, Lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Quán Thế Âm, các hội Đu tiên…

Trong thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng đã được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư, tạo ra môi trường văn hoá, lễ hội sôi nổi, đa dạng, đúng quy định của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Mặt khác, thông qua hoạt động quản lý về lễ hội đã góp phần duy trì, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là phát triển du lịch, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân… Tuy nhiên, trong các hoạt động lễ hội đó không tránh khỏi những tác động của cơ chế thị trường, toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0. Xuất phát từ lợi ích cá nhân của một tổ chức và nhóm người nhất định đã làm cho lễ hội nẩy sinh một số tiêu cực làm mất đi giá trị văn hóa vốn có, thậm chí làm biến dạng nội dung, hình thức của lễ hội, tạo nhiều bức xúc cho nhân dân và công luận. Bên cạnh đó, công tác quản lý của các cấp chính quyền, một số ngành trong hoạt động lễ hội ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức đã làm ảnh hưởng đến kết quả bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Trước thực tiễn đó, nhằm góp phần thúc đẩy hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động lễ hội, Ban Bí thư (Khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW(sau đây gọi tắt là Chỉ thị 41) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chỉ thị đã cụ thể hóa các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, giúp cho các tổ chức cơ sở Đảng có căn cứ để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động lễ hội. Sau 05 năm triển khai thực hiện cho thấy sự kịp thời và đúng đắn của Chỉ thị 41 đã nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong việc cùng với chính quyền quản lý hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước.

Ngay sau khi Chỉ thị 41 được ban hành, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao cùng với Ủy ban nhân dân các địa phương đã ban hành nhiều văn bản liên quan để triển khi Chỉ thị 41 và các văn bản quản lý về lễ hội có liên quan. Đồng thời, đã tổ chức các hội nghị, các cuộc họp của tổ chức Đảng để học tập, quán triệt và triển khai Chỉ thị 41 cùng với các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến tổ chức và quản lý lễ hội trong hệ thống cơ quan Nhà nước, từng địa phương và tổ chức cơ sở Đảng… nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc xây dựng đời sống văn minh trong lễ hội, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Trong 05 năm triển khai thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Các thủ tục hành chính đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội được Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã hướng dẫn cụ thể. Các lễ hội được tổ chức lần đầu căn cứ quy mô, phạm vi để đăng ký qua Ủy ban nhân dân các cấp. các lễ hội thường niên được tổ chức hằng năm không có sự thay đổi về nội dung, địa điểm và thời gian tổ chức được đưa vào kế hoạch đầu năm và báo cáo cơ quan quản lý chủ quản.

Hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; vừa có ý nghĩa giáo dục, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân. Tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn như: các lễ hội đua ghe, lễ hội cầu ngư, xuân tế và thu tế… các sinh hoạt tín ngưỡng và những hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội phải lành mạnh, có chọn lọc.

Công tác thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý và tổ chức lễ hội đã được chú trọng. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 41 được triển khai sâu rộng nên các địa phương đã thực hiện nghiêm việc quản lý đốt vàng mã, nghiêm cấm việc đốt, rải vàng mã không đúng nơi quy định.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với lễ hội được thực hiện đồng bộ. Thừa Thiên Huế có 65 di tích bao gồm đình, chùa, nhà thờ, lăng mộ, miếu thờ… có gắn với tổ chức lễ hội hằng năm, nhất là các lễ Xuân tế và Thu tế, lễ Phật đản… được quan tâm, bảo tồn và duy trì. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đã thai thác tiềm năng du lịch tâm linh và du lịch văn hóa. Đưa du khách đến với các lễ hội và các điểm di tích gắn với lễ hội. Đây là việc làm thiết thực trong việc phát huy giá trị của các điểm di tích và lễ hội nhằm góp phần thu hút khách du lịch đến với Huế. Đã ngăn chặn tối đa các hoạt động phản cảm như đốt pháo, tàng trữ và mua bán các loại đồ chơi, văn hóa phẩm trái phép, nhăn chặn các hành vi đánh bạc, lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, hủ tục. Qua công tác kiểm tra đã nhắc nhở, tuyên truyền các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại thành phố Huế không nâng giá, ép giá khách du lịch trong những ngày cao điểm vào dịp lễ hội. Hạn chế kinh doanh đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội. Cơ bản người nhân dân tham gia lễ hội đã sử dụng đồng tiền hợp lý, không cài, dắt, đặt, rải tiền một cách tùy tiện gây phản cảm; tiền công đức đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, không lạm dụng truyền hình trực tiếp các lễ hội gây lãng phí.

Trong những năm qua, một số lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động lễ hội, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp. Qua các kỳ Festival Huế, Festival nghề Huế, các lễ hội lớn như lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Diều, lễ hội Lăng Cô vịnh đẹp thế giới đều đã thu hút được các nguồn xã hội hóa lên đến hàng chục tỉ đồng.

Nhìn chung, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41, Thừa Thiên Huế đã có những biện pháp thiết thực để triển khai có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống lễ hội. Nhờ đó, các cấp các ngành và địa phương đã thể hiện được vai trò trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, việc triển khai thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, để hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế diễn ra đúng với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng tốt đẹp cho người dân.

Ngọc Linh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL