Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.397
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ học di tích Núi Bân
Lượt đọc: 12039Thời gian: 10:39 - 30/07/2022

Sáng ngày 29/7/2022, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ học di tích Núi Bân. Đến dự hội nghị có TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

 

Núi Bân, còn có các tên gọi khác là Hòn Thiên (Thiêng), núi Ba Tầng, núi Ba Vành... cao 43m, nằm ở phía Nam núi Ngự Bình. Cuối năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã tổ chức lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung tại đây, sau đó tiến quân ra Bắc đánh tan đội quan xâm lược gồm hàng vạn tên của triều Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu.

Trong suốt gần 100 năm qua, di tích núi Bân đã được đưa vào diện cần bảo vệ. Năm Khải Định thứ 10 (1925), triều Nguyễn đã đưa ngọn núi này vào danh mục “An Nam cổ tích” cần được bảo tồn. Năm 1976, Ủy ban nhân dân cách mạng Bình Trị Thiên đã có Quyết định số 99 QĐ (19/5/1976), đưa “núi Ba Vành” vào “Danh sách các Di tích Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật và Danh thắng được liệt hạng để bảo vệ”. Năm 1988, di tích núi Bân được công nhận là Di tích cấp quốc gia và đến năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích này cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung với tổng diện tích hơn 25.000m2 ngay bên cạnh đó.

Việc triển khai công tác khai quật khảo cổ học di tích núi Bân nhằm mục đích bổ sung các căn cứ khoa học đáng tin cậy để phục vụ công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích này trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Sau gần một tháng triển khai, với diện tích khai quật hơn 100m2, Đoàn khảo cổ học đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngoài việc làm phát lộ dấu tích mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế hình tháp cụt chồng lên nhau gần như có hình tròn, Đoàn còn phát hiện một đoạn móng kè phía Tây Nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông. Nếu giả thiết này chính xác thì đàn tế Giao thời Tây Sơn là một đàn tế trời được quy hoạch, xây đắp khá bài bản (dù lợi dụng một ngọn núi tự nhiên sẵn có), có cấu trúc gần tương tự đàn Viên Khâu ở Thiên Đàn Bắc Kinh (đàn tế trời của hai triều Minh, Thanh ở Trung Quốc) với 1 tầng đàn vuông ở dưới và 3 tầng đàn tròn bên trên.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và đều nhất trí đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục cấp kinh phí và tạo điều kiện để mở rộng công tác khai quật khảo cổ học nhằm xác định chính xác cấu trúc, quy mô của đàn tế Giao thời Tây Sơn.

 

 

 

Trần Văn Dũng
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL