Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 3.504
HỘI THẢO KHOA HỌC “ĐÀO TẠO VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TRONG THỜI ĐẠI 4.0”
Lượt đọc: 5688Thời gian: 14:47 - 02/11/2022

Ngày 29/10/2022, tại Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo Văn hóa nghệ thuật trong thời đại 4.0”.

Thực hiện Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học định hướng công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật trong giai đoạn mới của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế; Được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo Văn hóa nghệ thuật trong thời đại 4.0”. Đây là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong khuôn khổ các hoạt động Giao lưu giữa các trường đào tạo Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc, qua đó nhằm trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm mô hình quản lý, đào tạo và định hướng phát triển trong giai đoạn mới giữa các nhà Trường.

Đến dự và tham gia Hội thảo khoa học, nhà trường hân hạnh đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cùng trao đổi và thảo luận:

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Thạc sĩ Nguyễn Thiên Bình - Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao

Thạc sĩ Bùi Thanh Dũng - Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phước - Phó GĐ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Về phía các trường tham gia hội thảo khoa học gồm có: Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An; Trường Cao đẳng Nguyễn Du (Hà Tĩnh); Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng.

Về phía nhà Trường và đơn vị tổ chức: Thạc sĩ Nguyễn Văn Mãi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế; Thạc sĩ, NSƯT Dương Minh Ánh - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Các đồng chí là Trưởng các Phòng chức năng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và sự hiện diện của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ - giáo viên có bài tham luận trong Hội thảo khoa học lần này.

Trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Hội thảo khoa học “Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật trong thời đại 4.0” của các trường Văn hóa Nghệ thuật đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Hội thảo đã được nghe một số bài tham luận báo cáo với chủ đề như: “Những vấn đề cấp thiết về sự tồn tại và phát triển các trường VHNT theo quy hoạch giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”; “Bàn về Kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường nghệ thuật: Khó khăn và Giải pháp”;“Đổi mới VHNT thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”; “Đào tạo Nghệ thuật ở các trường cao đẳng địa phương hiện nay, những vấn đề đặt ra”; “Tạo sức sống bền vững cho di sản văn hóa phi vật thể từ trường học”; “Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế”; “Công tác tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật” và những nhận định chuyên môn, đánh giá khách quan và chia sẻ kinh nghiệm của tiến sĩ Phan Thanh Hải về những vấn đề mà hội thảo khoa học đã đặt ra để trao đổi và thảo luận.

Các tham luận, nhận định và những trao đổi chuyên môn đã tập trung đánh giá một cách sâu sắc những chuyển biến tích cực, chia sẻ những bài học kinh nghiệm về công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật. Các ý kiến chia sẻ với mục đích chung vì sự tồn tại và phát triển các trường văn hóa nghệ thuật, đồng thời Hội thảo cũng thẳng thắn đề cập những yếu kém và đề ra các giải pháp hiệu quả.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh cách mạng 4.0 và xu thế chuyển đổi số quốc gia, Hội thảo nhất trí cần nghiên cứu, tập trung triển khai những nhiệm vụ cơ bản như: Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu, vị thế, lợi thế của các cơ sở đào tạo; duy trì chất lượng đầu ra; liên kết chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động, nhằm giải quyết tốt đầu ra, thu hút nguồn tuyển sinh; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật cho cơ sở; tiếp tục tăng cường hoạt động giao lưu, liên kết các trường, cơ sở văn hóa, nghệ thuật trong cả nước; nhanh chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào đào tạo văn hóa, nghệ thuật, định hướng mở rộng đào tạo các ngành nghề phục vụ chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, chú trọng nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Tại Hội thảo khoa học, một số nội dung của “Dự thảo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã đề cập những thông tin về mạng lưới các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước; qua đó, các đơn vị đào tạo nhìn nhận rõ hơn những vấn đề cấp thiết, hiểu rõ hơn về vị thế của trường, của ngành nghề đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh các bài tham luận, các đại biểu đã đóng góp trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao, với nhiều ý kiến có giá trị thực tiễn. Hội thảo cũng đã thảo luận và đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh các ngành văn hóa nghệ thuật trong thời đại 4.0, các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ cách mạng 4.0. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa việc tham khảo các mô hình đào tạo cũng như phương thức đào tạo nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng là ý kiến cần nghiên cứu phù hợp.

Hội thảo đã thống nhất đưa ra những kiến nghị, đề xuất sau: Nhà nước cần có những chính sách đặc thù, giải pháp phù hợp đối với các đơn vị đào tạo nghệ thuật trước những khó khăn về đào tạo, tuyển sinh trong xu hướng tự chủ; mặt khác, vẫn phải đảm bảo việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc; Đối với các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống, Nhà nước tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính thông qua ngân sách nhà nước nhằm thu hút học sinh, sinh viên theo học cũng như đảm bảo mục tiêu phát triển nhân lực cho đất nước, bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Thực hiện chính sách miễn giảm học phí đi đôi với chính sách tài trợ học bổng, giải thưởng cho sinh viên có thành tích học tập cao; Cần kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đưa di sản nghệ thuật truyền thống vào trường học.

Hội thảo lần này cũng là cơ hội để các trường giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Hy vọng rằng, những nội dung thiết thực và bổ ích tại Hội thảo sẽ giúp hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật của các đơn vị phát triển và khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Trường TC VHNT
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL