Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.273
Huế xây dựng không gian văn hóa ven sông Hương
Lượt đọc: 57553Thời gian: 19:55 - 07/08/2017

(VHH) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật ven sông Hương với hệ thống nhà trưng bày, bảo tàng và các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật dọc tuyến phố Lê Lợi. Không gian văn hóa này sẽ mở cửa ban đêm để phục vụ du khách và cộng đồng nhân dân địa phương kể từ đầu năm 2018.

Tuyến phố Lê Lợi ở bờ Nam sông Hương (đoạn từ cầu Tràng Tiền đến cầu Phú Xuân) đang được chỉnh trang và xây dựng một không gian mở về văn hóa tại trung tâm TP Huế. Tại đây, hiện có nhiều địa điểm trưng bày như: Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị (vừa bàn giao từ trụ sở của Trung tâm Festival Huế), công viên Phan Bội Châu, bảo tàng tranh thêu XQ, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế…

Tạo không gian văn hóa mở với sông Hương

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khi xây dựng kế hoạch này, ngành Văn hóa xác định mục tiêu chính cần đạt được là: Nâng cao các giá trị văn hóa; phổ biến các tri thức về lịch sử- văn hóa- khoa học và tạo ra sản phẩm du lịch. “Đây là hoạt động nhằm nối kết các sản phẩm văn hóa và đồng thời tạo ra tuyến phố ở trung tâm phục vụ cho khách du lịch và cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa của người dân. Vấn đề này hết sức cần thiết trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay”, ông Dũng nói.

Với những khu vực trưng bày hiện có sẽ được chỉnh trang, sắp xếp lại thì một số khu vực trên tuyến phố này cũng được “xử lý” để phù hợp với nét văn hóa, văn minh của một không gian văn hóa đặc trưng Huế. Cụ thể, khu vực đất của Công ty Hương Giang hiện đang kinh doanh nhiều dịch vụ (nhà hàng, ẩm thực chay, cà phê, quầy bán hoa, đại lý vé máy bay, quán bún bò…) đã được UBND tỉnh chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch cụ thể, với việc hạn chế tối đa việc kinh doanh hàng quán nhỏ lẻ, xây dựng không gian dịch vụ văn hóa, đặc trưng của Huế. Khu nhà số 15 Lê Lợi hiện là Trung tâm Văn hóa Phương Nam cũng được tỉnh chỉ đạo UBND TP Huế phải thu hồi vì lâu nay cho thuê nhưng hoạt động không hiệu quả, chủ yếu là kinh doanh giải khát- cà phê. Sau khi thu hồi, UBND TP Huế sẽ thực hiện chỉnh trang bên trong và các lối đi xung quanh; đồng thời phối hợp với Sở VHTT để xây dựng một không gian trưng bày, có thể tính toán kết hợp với dịch vụ gắn với đặc trưng của văn hóa Huế. Điểm đặc biệt trong xây dựng tuyến phố văn hóa này là tạo ra một không gian mở xuyên suốt đoạn đường này để người dân không chỉ tham quan các khu vực trưng bày, triển lãm mà còn có thể tiếp cận sông Hương và không gian của phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Để làm được điều này, UBND tỉnh cũng đã thống nhất cho phép tháo dỡ toàn bộ hệ thống tường rào, hàng rào bao quanh các bảo tàng và trung tâm trưng bày nghệ thuật như hiện nay. Riêng các khu nhà rường ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cũng xem xét, nếu cái nào không còn phù hợp thì phải giải tỏa.

Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng là một trong địa chỉ văn hóa được nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến

Hội tụ nhiều điểm trưng bày văn hóa

Theo ông Dũng, điều quan trọng nhất trong xây dựng không gian văn hóa ven sông Hương của Huế không phải chỉ là chỉnh trang bề ngoài mà còn rất chú trọng đến công tác chọn lựa nội dung để trưng bày, triển lãm ở các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật ở dọc tuyến phố này. Theo đó, trụ sở 17 Lê Lợi của Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị đang được thiết kế lại để có thể trưng bày 492 hiện vật cả khu vực trong nhà và ngoài trời. Cạnh đó, sẽ chỉnh trang lại công viên Phan Bội Châu ở chân cầu Trường Tiền để có một không gian văn hóa nối kết.

Tại Bảo tàng Văn hóa Huế (trước đó là trụ sở của HĐND và UBND TP Huế) với hai khu nhà sẽ được trưng bày với ba mảng nội dung: triển lãm về lịch sử và văn hóa dân gian (có khoảng trên 752 hiện vật); trưng bày các hiện vật của văn hóa Chăm Pa; và dành một phần để trưng bày các tác phẩm mỹ thuật vừa được Sở VHTT chọn lựa mua và sưu tầm, hiến tặng của các họa sĩ nổi tiếng… Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định chi 1 tỉ đồng để mua tranh của các họa sĩ nổi tiếng xuất thân từ Huế như Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Vĩnh Phối… và đây cũng là khởi động cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế sau này.

Ở Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng sẽ trưng bày 393 hiện vật theo nhiều chuyên đề để phục vụ người xem trong nước và quốc tế… Riêng không gian của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đồng ý với chủ trương của chính quyền địa phương và sẽ tổ chức trưng bày các tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến văn hóa Phật giáo; đồng thời xem xét tổ chức các buổi thuyết trình, các lớp học về thiền để phục vụ du khách và cộng đồng.

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Huế lâu nay thường bị “chê” là thiếu các sản phẩm du lịch về đêm nên khi xây dựng không gian văn hóa mở ven sông Hương này, tỉnh cũng đã quyết định các điểm trưng bày và bảo tàng ở đây sẽ mở cửa ban đêm. Song song đó là việc tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng trên trục đường này, cụ thể là chương trình âm nhạc sẽ được các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và Học viện Âm nhạc Huế biểu diễn ở một số điểm như: khu nhà kèn, công viên Tứ Tượng, các điểm cộng đồng dành cho người đi bộ ven sông Hương… 

Nguồn: Sơn Thùy (Báo VHH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL