Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 7.557
Trở lại làng cổ Phước Tích
Lượt đọc: 68929Thời gian: 15:57 - 15/07/2016

(VHH) - Bước chân vào làng, bắt gặp hồ sen 3 hecta đang nở hoa, hương thơm ngát. Được chăm bón kỹ, hạt sen đã bán ra được các vùng xung quanh. Đó là một trong những dấu hiệu rất tốt của làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) đã được công nhận là làng di sản.

Sông Ô Lâu trong xanh uốn lượn. Vui thay, từ mấy năm qua, tuyến kè dài 3km - một công trình hi hữu - lúc mới xây để lộ ra những vạt dài xi măng trắng xóa, ai cũng kêu than nay đã trở thành một hàng rào xanh cây cỏ hoa lá đẹp để bảo vệ cho làng khỏi bị lún sụt, sạt lở.

Điều đáng mừng nhất là ngôi làng cổ trên 700 năm vẫn còn lưu giữ nét cổ kính của làng truyền thống Việt Nam. Gần 40 nhà rường cổ, đình làng, ngôi chùa, các nhà thờ họ đều được bảo quản tốt với các vườn cây xanh tươi trĩu quả. Đặc biệt có ba nhà rường được Tổ chức JICA Nhật Bản và Nhà nước tài trợ, chống lại nguy cơ đổ sụp của nhiều năm trước. Điều đáng mừng, con cháu của làng ở xa hoặc ở ngay trong làng tự đầu tư tu sửa nhà cổ.

Lối dẫn vào các ngôi nhà ở Làng cổ (Ảnh: blogdulich.com.vn)

Nghề gốm dù còn nhiều khó khăn, nhưng mấy năm qua, gần 10 lò gốm ra đời với hàng trăm mẫu mã, có lúc bán được ra thị trường các tỉnh. Khó khăn nhất cần phải khắc phục là thiếu thợ, thiếu vốn trong việc sản xuất các loại gốm mới để phù hợp với thị trường.

Du lịch ở Phước Tích mấy năm qua cũng có sự phát triển nhất định, thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước đến tham quan, lưu trú. Có cả đại sứ Hoa Kỳ đến thăm, khen ngợi. Tuy nhiên, du lịch ở Phước Tích cần nhiều hình thức hấp dẫn hơn, dịch vụ du lịch đa dạng hơn.

Được sự giúp đỡ của tỉnh, huyện, xã, sự cố gắng của chi bộ, các đoàn thể trong làng, bộ mặt văn hóa của làng có bước phát triển. Có những thiết chế văn hóa mới được lập ra như nhà trưng bày nghề gốm Phước Tích với hơn 300 hiện vật gốm, đã có gần 100 đoàn khách đến tham quan. Gần đây nhất là ra đời tủ sách, phòng đọc khang trang.

Sông Ô Lâu (Ảnh: Sông Hương)

Hiện tủ sách có trên 600 cuốn sách đủ các đề tài chính trị, kinh tế, văn hóa, thiếu nhi... được xếp đặt ngăn nắp trên giá theo các chủ đề: Lịch sử Đảng, Bác Hồ, các lãnh tụ, nông nghiệp: chăn nuôi, trồng cây ở nông thôn... rất phù hợp với nhu cầu đọc sách và làm theo sách của bà con trong làng. Một số nông dân đã đọc và đang tìm cách áp dụng. Số lượng sách sẽ được tăng thêm và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có trên một ngàn cuốn.

Đây cũng là sự kế thừa văn hóa truyền thống của làng từ trước đến nay: một làng đỗ đạt có nhiều tú tài, cử nhân Hán học và Tây học, với nhiều tủ sách gia đình của các thầy giáo và học sinh. Năm 1925-1930, các tủ sách của làng có hàng trăm cuốn sách của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và nhiều tài liệu cách mạng, dẫn dắt dân làng theo cách mạng và ngày 19/8/1945, là làng đầu tiên đứng lên giành chính quyền ở huyện Phong Điền.

Cây thị làng cổ (Ảnh: tuoitre.vn)

Quanh làng, cây thị già 500 tuổi đã được gắn biển "Cây di sản quốc gia", dọc sông quanh làng đã có 29 ghế đá bà con đồng hương ở TP. Hồ Chí Minh tặng. Sáng sớm, dân làng và các làng bên đi bộ quanh con đường lát gạch, chiều chiều có hàng chục chị em phụ nữ tập dưỡng sinh. Một làng cổ, di sản cấp quốc gia đang mỗi ngày càng thêm tươi mới.

Theo Lê Trọng Sâm (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL