Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 10.366
Chùa Cảnh Phước được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
Lượt đọc: 78321Thời gian: 10:48 - 03/08/2016

(VHH) - Chùa Cảnh Phước nằm ở Khu vực 6, thị trấn Phú Lộc, nguyên là địa bàn Cao Đôi xã - một trong những làng xuất hiện sớm ở vùng đất Thuận Hóa.

Chùa Cảnh Phước là một ngôi chùa đã tồn tại khá lâu, đây là ngôi chùa thuần túy được bà con nhân dân trong làng dựng lên, chùa mang đậm nét tín ngưỡng dân gian. Chùa không những là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đời sống tâm linh của dân làng, mà còn là hình ảnh gợi nhớ về quê cha, đất tổ đối với những người con xa hương, là nơi lưu giữ những giá trị đạo đức, hướng con người tới một cuộc sống thánh thiện,“từ bi, hỉ xả” của nhà Phật. Ngôi chùa có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức của dân làng xứ Cầu Hai, nơi bà con nhân dân đặt  niềm tin vào lẽ sống, là một tổng thể văn hóa của một làng quê Việt.

Ngoài thờ Phật, chùa Cảnh Phước còn đảm đương vai trò như một ngôi đình làng, chùa hiện lưu giữ hòm bộ, 5 Sắc phong và 5 bài vị thờ những người có công khai phá lập làng. Ngoài ra, ngôi chùa còn bảo lưu nét thờ tự đặc biệt, kết hợp được thờ Phật, thờ tổ tiên những người có công và yếu tố bản địa đó là thờ Thần Thiên Y A Na; sự hòa quyện này tạo nên nét văn hóa riêng biệt, độc đáo hơn so với các ngôi chùa khác.

Chùa Cảnh Phước được làm theo kiểu nhà rường 1 gian 2 chái, với bộ khung gỗ theo kiểu thức truyền thống “thượng trến hạ xuyên, giao nguyên trụ đội”, hệ thống cột, kèo, xuyên, trến làm bằng gỗ (thượng Chua hạ Mít)... liên kết với nhau bằng các mộng rất chắc chắn, những chiếc kèo liên kết theo kiểu kèo này chồng lên kèo kia, đuôi kèo dưới chồng lên đầu kèo trên và nối với nhau ở đầu các hàng cột rồi chạy ra đến các trụ hiên bên ngoài.

Mặc dù quy mô không lớn nhưng chùa Cảnh Phước lại có giá trị về mặt kiến trúc và mỹ thuật, mang phong cách triều Nguyễn, với những nét kiến trúc độc đáo; đó là một ngôi nhà rường vuông với hệ thống cột, kèo, xuyên, trến, cùng với các họa tiết chạm khắc trên gỗ, các môtip, đề tài trang trí ở phần mái, bờ nóc, bờ quyết; các đầu cù, vì kèo, xuyên... được trang trí, chạm trỗ tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo, tài hoa và tinh tế của những nghệ nhân xưa.

Nội điện

Ngoài những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc, chùa Cảnh Phước còn lưu giữ những hiện vật vô cùng quý giá, đó là các bộ tượng thờ tự mang phong cách của cư dân miền Bắc như bộ tượng thờ Ngọc Hoàng thượng đế và hai vị Hộ pháp được làm bằng gỗ; bộ tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương được làm bằng gỗ. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ những tư liệu văn bản Hán - Nôm quý như: 05 sắc phong, Bức hoành phi được vua ban, văn chuông, văn bia, câu đối... Đây là những cứ liệu lịch sử quý giá minh chứng cho sự ra đời, tồn tại của ngôi chùa, những hiện vật này đã tồn tại qua bao thời gian là cơ sở phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất, cư dân, con người xứ Cầu Hai, Phú Lộc xưa.

Đại hồng chung chùa Cảnh Phước

Với những giá trị về lịch sử và văn hóa của chùa Cảnh Phước, ngày 07/3/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

BM
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL