Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 552
Hiệu quả từ phong trào xây dựng Làng văn hóa ở Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 147406Thời gian: 17:24 - 07/10/2009

         Phong trào xây dựng làng văn hóa là một trong  những phong trào quan trọng của cuộc vận động phong trào lớn, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) do Ban chỉ đạo Trung ương đề ra. Phong trào Xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển rộng khắp kể từ năm 1996. Đến năm 1997, làng Tây Thành xã Quảng Thành của huyện Quảng Điền đăng ký xây dựng làng văn hóa đầu tiên trên địa bàn tỉnh, từ đây phong trào này càng được đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn góp phần phát triển toàn diện nền kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà.

Bắt tay xây dựng làng văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là dịp để khơi dậy, phát huy những truyền thống tốt đẹp trong nhân dân ở mỗi vùng miền làm cho xóm làng khang trang sạch đẹp, đời sống trong mỗi hộ gia đình nâng lên cả về kinh tế lẫn tinh thần. Những nét đẹp văn hóa trong mỗi làng quê được phục hồi và phát triển, những hủ tục lạc hậu bị loại bỏ, tình làng nghĩa xóm thắt chặt, an ninh – quốc phòng được giữ vững. Hơn 10 năm thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa ở Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế thiết thực. Trước hết phải thấy rằng, phong trào xây dựng làng văn hóa đã có tác động thực sự đến nhận thức trong mỗi địa phương, con người về một nếp sống mới. Mỗi người, mỗi nhà đều ý thức được rằng chúng ta đang sống trong một cộng đồng dân cư đã đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa. Trên cơ sở quy ước người dân đã đồng thuận cùng nhau xây dựng làng của mình phát triển kinh tế, hình thành nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh phong phú. Khởi đầu từ làng Phù Bài xã Thuỷ Phù huyện Hương Thuỷ (1996), làng Tây Thành xã Quảng Thành huyện Quảng Điền (1997), các địa phương trên toàn tỉnh lần lượt triển khai đăng ký xây dựng làng văn hóa trên nguyên tắc kế thừa những truyền thống văn hóa dân tộc tốt đẹp, cải tạo những hủ tục lạc hậu, đồng thời từng bước hình thành lối sống, nếp sống, những phong tục tập quán mới, tiến bộ, phù hợp với từng địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 1.369 trên tổng số 1.414 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa, trong đó có 1.125 làng, thôn, bản, tổ dân phố được UBND tỉnh, các huyện và thành phố Huế công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 82,2% so với đăng ký. Tiêu biểu trong số những làng sớm đăng ký xây dựng và được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa phải kể đến những làng sau: làng Tây Thành xã Quảng Thành huyện Quảng Điền; làng Mỹ Lợi xã Vinh Mỹ huyện Phú Lộc; làng Phù Bài xã Thuỷ Phù huyện Hương Thuỷ; làng Quảng Mai xã A Ngo huyện A Lưới; làng Ư Rang và làng Ra Rang xã Hương Hữu huyện Nam Đông; làng Phú Ốc thị trấn Tứ Hạ, làng Bồn Trì xã Hương An, làng An Thuận xã Hương Toàn huyện Hương Trà; làng Thế Chí Tây xã Điền Hòa, làng Trạch Phổ xã Phong Hòa huyện Phong Điền; làng Đốc Sơ xã Hương Sơ, làng Xuân Hòa xã Hương Long thành phố Huế...Bắt tay xây dựng làng văn hóa, mỗi một địa phương đều biết chọn lọc các yếu tố tích cực trong hương ước, tục làng để xây dựng một bản quy ước quy định cụ thể các mặt sinh hoạt đời sống cộng đồng từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến duy trì phát triển thuần phong mỹ tục, ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, bài từ các tệ nạn xã hội... Đổi thay trước hết là trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, không còn những lời lẽ thô tục, nói năng tuỳ tiện, to tiếng với nhau. Hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày có ý tứ, nền nếp, ngăn nắp, khoa học hơn. Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, bê tông, rải nhựa, có cổng chào đầu làng, có pa-nô bố trí những nơi công cộng nêu cao khẩu hiệu quyết tâm xây dựng làng văn hóa, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giữ gìn bảo vệ môi trường. Đi sâu hơn vào trong mỗi làng văn hóa, người dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy ước xây dựng làng văn hóa, đời sống tinh thần được chú trọng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao định kỳ tổ chức; sinh hoạt câu lạc bộ gia đình văn hóa và một số câu lạc bộ sở thích khác ở địa phương được đông đảo người dân tham gia. Vai trò của các bậc cao niên-trưởng lão, già làng - trưởng bản được phát huy, nêu cao tính gương mẫu cho thế hệ trẻ sống có đạo lý, biết vượt khó vươn lên, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương; bỏ đi tập tục, hủ tục lạc hậu, xóa đi thói hư tật xấu cờ bạc, rượu chè tập trung chí thú làm ăn. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần chỉ thị 27 của Trung ương, các làng văn hóa đã đưa nội dung này vào quy ước xây dựng làng văn hóa và thực hiện nghiêm túc. Từ mẫu hình cưới văn hóa đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình bớt đi các thủ tục rườm rà, tiết kiệm chi phí, hạn chế việc say sưa, ồn ào trong việc tổ chức tiệc cưới, gây được nguồn “quỹ hạnh phúc” xây dựng làng xóm. Việc tang ma được nhân dân tổ chức theo nếp sống mới, người chết không để quá 3 ngày, những hủ tục như bắt tà trừ ma, lăn đường khóc mướn đều được xóa bỏ. Đáng biểu dương trong công tác này là làng văn hóa Thuỷ Dương huyện Hương Thuỷ, làng văn hóa An Thuận xã Hương Toàn huyện Hương Trà, làng Diên Lộc xã Phú Diên huyện Phú Vang... Quy ước xây dựng làng văn hóa của mỗi làng cũng đã ghi rõ những điều phải chấp hành thực hiện để bảo tồn nét văn hóa riêng tốt đẹp của địa phương. Những sinh hoạt hội hè, đình đám mang đậm chất văn hóa làng như: lễ hội cầu mùa, đâm trâu, cơm mới của đồng bào miền núi; lễ hội đua thuyền truyền thống, cầu ngư ở vùng đầm phá ven biển; xuân tế, thu tế (Xuân Thu nhị kỳ), hội chợ xuân Gia Lạc, hội vật, hội đu tiên; hát trò, hát sắc bùa; lễ hội “Hương xưa làng cổ” ở Phước Tích; các nghi lễ gắn liền lễ tiết, lễ nghi nông nghiệp và một số lễ nghi khác vùng đồng bằng... đã có sự quan tâm phục hồi và phát triển. Đáng chú ý là sự phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của mỗi vùng như: Làng nghề đúc đồng Dương Xuân phường Đúc thành phố Huế; Làng nghề đan lát Bao La xã Quảng Phú huyện Quảng Điền; Làng gốm Phước Phú xã Phong Hòa, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên huyện Phong Điền; Làng hoa giấy Thanh Tiên - Mậu Tài, tranh làng Sình - Lại Ân xã Phú Mậu huyện Phú Vang; làm liễn làng Chuồng – An Truyền xã Phú An huyện Phú Vang...Mỗi nghề truyền thống của những làng này chứa đựng lịch sử hành thành mang đậm nét văn hóa độc đáo đã được lưu giữ và truyền thụ lại cho thế hệ sau. Điểm đặc biệt nhất trong bảo tồn văn hóa truyền thống vật thể ở các làng văn hóa là việc trùng tu, tôn tạo và bảo vệ ngôi đình làng. “Cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh tiêu biểu của một làng quê. Đình làng là nơi tổ chức lễ tế làng và trong mỗi lễ tế đó mỗi người dân có cơ hội gặp gỡ nhau trao đổi kinh nghiệm sống, nhìn nhận đánh giá lại những việc làm được và chưa được trong thực hiện quy ước xây dựng làng văn hóa. Tuyên dương, khen thưởng những cá nhân đã có thành tích thực hiện và tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, gương mẫu trong hạnh phúc vợ chồng, chăm sóc ông bà, cha mẹ, con cái và tấm gương hiếu học. Phong trào xây dựng làng văn hóa ở Huế tạo điều kiện tốt hơn cho việc đầu tư, quyên góp xây dựng, tôn tạo đình làng khang trang. Đối với các di tích lịch sử và di tích văn hóa, ý thức bảo vệ của người dân được nâng cao do đó công tác bảo tồn, tôn tạo di tích tại các địa phương tiến hành thuận lợi hơn.

Xây dựng gia đình văn hóa là một nội dung trọng tâm trong xây dựng làng văn hóa. Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa của tỉnh trong những năm qua đã góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, loại bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, đẩy lùi mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể, tội phạm và các tệ nạn xã hội được ngăn chặn kịp thời. Tỷ lệ hộ khá giàu tăng, hộ nghèo giảm còn  12,1%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 ước đạt 10,05%. 100% số xã có trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hoá; 80% số hộ nông thôn sử dụng nước sạch. Các công trình, thiết chế văn hoá được quan tâm xây dựng với sự đóng góp hàng chục tỉ đồng từ nhân dân. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp với 155 đội, 500 CLB văn nghệ quần chúng; tỷ lệ người rèn luyện thể thao thường xuyên chiếm gần 30%. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, ủng hộ lụt bão được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Phát huy truyền thống hiếu học, một trong những nét đẹp văn hóa ở các làng văn hóa, công tác khuyến học, khuyến tài ở tỉnh nhờ đó đã đạt được kết quả đáng kể. Đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 1.618 Chi hội Khuyến học ở thôn, bản, tổ dân phố, trường học, cơ quan, gần 150.000 hội viên khuyến học chiềm khoảng 9% dân số. Xây dựng được 24.460 “gia đình hiếu học” và 243 “dòng họ khuyến học”. Trong đó có gần 100 gia đình hiếu học xuất sắc và hàng chục dòng họ khuyến học xuất sắc cấp tỉnh và cấp trung ương. Hình thành và phát triển được 111 Trung tâm học tập cộng đồng đạt hơn 73%. Từ năm 2003-2007, tổng Quỹ khuyến học của các cấp Hội thu được khoảng 20 tỷ đồng. Nếu kể cả số Quỹ khuyến học của các  cơ quan, doanh nghiệp, các Hội nằm ngoài Hội Khuyến học thì tổng số tiền dành cho khuyến học lên đến khoảng 40 tỷ đồng. Những làng văn hóa làm tốt công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh đáng biểu dương như: làng Đồng Lâm, Sơn Tùng xã Quảng Vinh huyện Quảng Điền; làng Kế Môn xã Điền Môn, làng Phước Tích xã Phong Hòa huyện Phong Điền, làng Phú Ốc thị trấn Tứ Hạ huyện Hương Trà; làng còn hương ước khuyến khích việc học của con em trong làng như hương ước của làng Dã Lê Thượng xã Thuỷ Phương huyện Hương Thuỷ...

Thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, các địa phương, cơ sở đều ra các văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chủ trương của tỉnh, coi chỉ tiêu xây dựng làng văn hóa là một trong những chỉ tiêu cơ bản để công nhận cơ sở Ðảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh, gắn việc xây dựng làng văn hóa với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hằng năm, các huyện, thành phố và nhiều xã, phường, thị trấn đều tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá, bàn biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hóa, động viên khen thưởng kịp thời những mô hình hay, những cách làm tốt trong phong trào để từ đó phổ biến, nhân rộng. Tại mỗi làng văn hóa, việc phát huy dân chủ thể hiện khá rõ qua mọi hoạt động, sinh hoạt, không có tình trạng khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp. Mọi việc lớn, việc nhỏ đều thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Từ chổ làm tốt việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, ở mỗi địa phương, vai trò Ban vận động xây dựng làng văn hóa, các vị cao niên - trưởng lão, già làng - trưởng bản, họ tộc, các hội và đoàn thể đã thể hiện tốt vai trò đại diện nhân dân tham gia xây dựng chính quyền địa phương. Những nội dung trong quy ước xây dựng làng văn hóa cũng đã thể hiện rõ vai trò của nhân dân trong đó tính dân chủ luôn được chú trọng. Ở các làng văn hóa, Ban công tác mặt trận luôn được kiện toàn, đổi mới phương thức hoạt động nên đã tập hợp được các lực lượng quần chúng  nhân dân bàn bạc những vấn đề quan trọng của địa phương. Cho nên hàng năm vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ thuế đạt 100%, các khoản huy động khác như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, khuyến học,... đều đạt kế hoạch đề ra. Thể hiện rõ nhất là hoạt động sinh hoạt tại nhà cộng đồng làng, thôn. Đánh giá thực tế của các địa phương thì như cầu hoạt động, sinh hoạt tại nhà cộng đồng là rất cần thiết. Tại đây người dân có dịp trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục; họp bàn việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tổ chức kiểm điểm trước dân những đối tượng vi phạm pháp luật; tổ chức phổ biến chủ trương, pháp luật của nhà nước hay vận động quyên góp từ thiện v.v...Quy mô hơn là vào dịp tế làng, người dân có quyền tham gia vào việc tổng kết đánh giá công việc trong năm, tiếp tục thông qua bản quy ước để nhân dân tham gia chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện, cùng nhau bàn định việc lớn, việc nhỏ để tiếp tục xây dựng làng văn hóa tốt hơn.

Chuyển biến đáng kể ở mỗi địa phương khi thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa là tình trạng vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội do thiếu hiểu biết về pháp luật từng bước được đẩy lùi; việc tuân thủ kỷ cương phép nước và các quy định trong quy ước xây dựng làng văn hóa được duy trì chặt chẽ, tạo sự ổn định và nề nếp trong từng cộng đồng dân cư, từng làng, bản, tổ dân phố. Hình thành những khu vực dân cư không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, không có tội phạm. Từ phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh xuất hiện những làng tiêu biểu như: làng “5 không”, không số đề, cờ bạc; không ma tuý mại dâm; không trộm cướp; không rượu chè bê tha và đặc biệt là cưới hỏi, tang ma không được tổ chức tiệc tùng linh đình (tiêu biểu trong phong trào này là làng Diên Lộc, xã Phú Xuân huyện Phú Vang); xuất phát từ những phong trào phối hợp của các ngành đã xây dựng được “làng không có tội phạm và tệ nạn mại dâm, ma tuý”... Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như việc phòng chống các loại tệ nạn xã hội, thực hiện an toàn  giao thông đã được phát động rộng khắp, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.

Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã tạo ra nền tảng tinh thần và là động lực thức đẩy phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Quá trình xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn. Đời sống kinh tế các làng, thôn đã có bước phát triển rất rõ. Thực tế cho thấy qua hơn 10 năm xây dựng làng văn hóa, đến nay toàn tỉnh có trên 80% số làng được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Đây là tỷ lệ khá cao nói lên rằng ở các làng được công nhận đạt chuẩn văn hóa đều có “đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển” (đáp ứng được một trong 5 tiêu chuẩn công nhận làng đạt tiêu chuẩn văn hóa). Trong qúa trình triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa, các ngành, các cấp, các địa phương đã phối hợp trong công tác chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua lao động, sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ban vận động phong trào xây dựng làng văn hóa ở các địa phương luôn xem trọng việc đoàn kết xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xác định đó là nhiệm vụ hàng đầu. Đã tập trung được khối đoàn kết toàn dân, vận dụng và phát huy sáng tạo trong việc chăm lo xây dựng đời sống kinh tế của nhân dân, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực như hùn vốn khai hoang mở rộng diện tích canh tác; giúp nhau về vốn, cây, con giống (nhất là hộ khó khăn và hộ gia đình chính sách) để phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình. Tập trung phát triển cây trồng đặc sản, cây thế mạnh của vùng miền. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đáng chú ý có những mô hình kinh tế trang trại vùng đồi núi ở Phú Lộc, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới; vùng đồng bằng và đầm phá ven biển Phú Vang, Quảng Điền thậm chí có những trang trại có hiệu quả trên những vùng đất cát bạc màu, chua phèn vùng thấp trũng của Phong Điền, Quảng Điền. Xuất hiện những làng chuyên canh, chăn nuôi, làm nghề truyền thống có hiệu quả kinh tế nhiều mặt như làng rau Thành Trung (Quảng Thành) Quảng Điền; làng bún, cốm An Thuận, Hương Toàn, Hương Trà; có những làng nghề cá nổi tiếng như Lăng Cô, Thuận An, Tư Hiền và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai làm nghề chế biến thuỷ hải sản mắm, nước mắm, ruốc; làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, Phong Điền; làng nghề đúc đồng Dương Xuân phường Đúc thành phố Huế; mô hình làng sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; những phong trào sản xuất, chăn nuôi như: nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng,...không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết công ăn việc làm góp phần làm giảm các loại tệ nạn xã hội, hoàn thành các loại nghĩa vụ và thúc đẩy phong trào thi đua trong làng, xã không ngừng phát triển...

Những kết quả đạt được từ phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua góp phần rất lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương trên bước đường công hiệp hóa và hiện đại hóa. Phong trào xây dựng làng văn hóa cũng đã được khẳng định là giải pháp hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hơn 10 năm triển khai phong trào, tỉnh Thừa Thiên Huế đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, trong đó có những kinh nghiệm, bài học rút ra để tiếp tục thực hiện phong trào có chất lượng và hiệu quả hơn./.

 

                                                                                                                      Hữu Uy

Hữu Uy
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL