Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 8.628
Lễ hội Điện Hòn Chén - Một lễ hội văn hóa dân gian độc đáo
Lượt đọc: 182481Thời gian: 11:34 - 05/04/2011

        (VP) Tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ... Hàng năm, cứ vào dịp Xuân tế (tháng Ba), Thu tế (tháng Bảy), người dân khắp miền Trung nô nức đi lễ hội điện Hòn Chén. Đã từ lâu, câu nói quen thuộc này được từng người dân Huế nhắc đến khi nghĩ về lễ hội như một dịp tri ân với người cha sông núi, người mẹ xứ sở. Bởi rằng, thần linh cũng đều sinh ra từ cha và mẹ.

Lễ hội diễn ra ở Điện Hòn Chén (Điện Huệ Nam) trên núi Ngọc Trản và đình làng Hải Cát, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ Hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Thiên Y A Na Thánh Mẫu, nguyên xưa là nữ thần của người Chăm có tên là Pô Yang Inô Nagar, gọi tắt là Pô Nagar, tức Thần Mẹ Xứ Sở, mà theo truyền thuyết Chăm là Thần đã sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quí, lúa, bắp... và dạy dân cách trồng trọt.
Sử sách không ghi lại năm chính xác có ngôi điện này. Chỉ khi Đồng Khánh tới đây cầu được lên ngôi, kế vị vua cha Tự Đức, Mẫu cho biết ông sẽ toại nguyện. Năm sau, lời cầu khẩn trở nên linh ứng. Biết ơn, vua Đồng Khánh đã đưa lễ hội hàng năm tại điện thành Quốc lễ. Vua xưng “chị - em” với Thánh Mẫu và cho sửa sang ngôi điện cũ, đổi tên Huệ Nam điện vào 1886 nghĩa là ân huệ cho vua xứ Nam, cho nước Nam.
Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Ðám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Hòn Chén đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả. Lễ hội giống như một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc “bằng” (thuyền kết đôi) với cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu.
Tại khu vực điện sẽ diễn ra Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sanh, phóng đăng... Ðám rước cử hành trên những chiếc “bằng”. Trên mỗi bằng có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kế đó là một bằng khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng Ngàn và Thủy Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt. Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt... Các thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác. Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm.
Khi đoàn ghé bến, đám rước chuyển từ sông lên bộ, đi cho đến đình làng Hải Cát, có phường bát âm đi sau kiệu. Trong lúc đoàn bằng khởi hành từ bến trước Hòn Chén điện, các bà đồng đã cùng nhau lên đồng ngay ở chiếc bằng có bàn thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu. Những cuộc lên đồng hầu bóng tiếp tục cho đến khi đoàn bằng đi tới bờ, nơi đám rước chuyển từ sông lên bộ. Những cuộc lên đồng có bàn thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu. Những cuộc lên đồng hầu bóng tiếp tục cho đến khi đoàn bằng đi tới bờ, nơi đám rước chuyển từ sông lên bộ. Dân làng đi theo đám rước cùng với các thiện nam tín nữ.
Nghinh thần xong, dân làng làm lễ Túc Yết (tức yết kiến kính trọng) theo nghi thức cổ truyền. Suốt đêm, trên mặt sông Hương và có khi ở trước đình làng là các cuộc hát thờ, hầu đồng, hầu bóng. Sáng ngày hôm sau là lễ chánh tế, tổ chức từ 02h-05h00 sáng. Sau đó là lễ Tống thần. Mặt sông Hương lại bùng lên với âm nhạc tưng bừng, hàng trăm chiếc thuyền, bằng chen chúc, những bộ lễ phục rực rỡ.
Sau lễ tế là lễ rước Thánh Mẫu diễn ra vào ban đêm trên sông Hương. Đám rước đi từ điện Hòn Chén tới đình làng Hải Cát trên những chiếc thuyền được ghép lại thành bè với đèn nến sáng trưng, cờ xí sặc sỡ. Trên bè là đông đảo thiện nam tín nữ trong trang phục khăn chầu, áo ngự lộng lẫy, muôn màu, muôn vẻ trông như những ông hoàng, bà chúa đời Nguyễn. Đám rước đem theo bàn thờ Thánh cùng long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các khí tự như tán, tàn, cờ, quạt; đội hầu bóng, những người phục dịch và khách hành hương. Đám rước sôi động trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm. Tiếp đó là tế Túc Yết, hát thờ, lên đồng hầu bóng diễn ra suốt đêm.
Sáng hôm sau là lễ đại tế tại đình. Buổi chiều các kiệu rước lại long trọng trở về điện Hòn Chén. Đêm kết thúc hội có lễ phóng sinh và thả đèn.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống.
Lễ hội không chỉ dừng lại là một lễ hội văn hóa dân gian mà nó còn thu hút một số lượng lớn du khách trong nước lẫn nước ngoài. Lễ hội pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng và không biệt tín ngưỡng, lễ hội đưa mọi người đến gần nhau hơn . Đến thăm thành phố Huế đúng dịp diễn ra lễ hội, xuôi thuyền ngược dòng Hương Giang đến núi Hòn Chén, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế điện Hòn Chén. Vậy mới biết, sức hút của Huế không chỉ ở những công trình đền đài lăng tẩm, mà còn có cả những lễ hội linh thiêng như lễ điện Hòn Chén hằng năm.
Theo Đời thường
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL