Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 14.874
Cấm rải vàng mã ở một số tuyến đường khi đưa tang: Khó, nhưng nhất thiết phải làm
Lượt đọc: 102189Thời gian: 11:23 - 07/10/2014

(VHH) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 56 về việc cấm rải vàng mã ở 15 tuyến đường điểm trên địa bàn. Dù đã có chuyển biến ban đầu, song như nhận xét của nhiều người muốn chấm dứt hoàn toàn việc này không dễ.

Từ sau khi Quyết định 56 của UBND tỉnh có hiệu lực 01/9/2014, việc đốt vàng mã ở một số tuyến đường điểm trên địa bàn thành phố Huế, như: Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Chu Văn An, Võ Thị Sáu... không còn tùy tiện như trước, nhất là trong cách đốt. Đa số người dân đều đốt vàng mã trong thùng, thay vì đốt ở vỉa hè, lòng đường như trước đây.

Việc đốt vàng mã đã có chuyển biến tích cực, song với việc cấm rải vàng mã khi đưa tang, vẫn còn trường hợp vi phạm, dù mức độ không nhiều như trước đây.

Tại một đám tang ở đường Đống Đa, sáng 2/10, sau khi quan tài được đưa lên xe, người nhà cầm một xấp vàng mã rải ra đường và cứ như thế cho đến khi qua hết tuyến đường, đến ngã sáu Hùng Vương, theo đường Lê Quý Đôn về Bà Triệu... Cứ một đoạn ngắn, người nhà lại thả xuống đường một nắm giấy vàng mã bay theo theo gió.

Chị Nguyễn Lan H, ở đường Võ Thị Sáu thật tình: "Xưa bày nay làm thôi. Chừ mà cúng rằm chỉ có hoa quả không có giấy tiền vàng bạc đã thấy thiếu thiếu. Huống gì là đưa tang mà không rải vàng mã, coi răng được. Đời người chỉ chết có một lần, nghĩa tử là nghĩa tận, mình không làm tròn trách nhiệm với người chết là áy náy lắm".

Bác Phan T, ở đường Chu Văn An năm nay đã gần 80 tuổi đã chứng kiến nhiều đám ma có đốt vàng mã, rải vàng mã dọc đường. “Nhà nước cấm thì biết vậy thôi, chứ khi mình chết đi rồi con cháu có đốt vàng mã, rải vàng mã hay không mình làm răng mà biết. Tôi thấy việc gì cũng cần có yếu tố hài hòa, nếu mình không quá phô trương, chỉ rải vàng mã đúng nơi quy định là được. Nếu cấm hoàn toàn rất khó. Cấm rải ở đường này, thì khi đưa tang người ta đi đường khác", bác T bày tỏ.

Ông Hà Cảnh Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, thừa nhận việc cấm đốt vàng mã trong những ngày rằm, lễ, tết có thể dễ dàng vận động người dân triển khai, song cái khó nhất là cấm rải vàng mã khi đưa tang.

Theo quan niệm dân gian, khi đưa tang người sống rải vàng mã dọc đường đi để giúp người chết có tiền bạc phòng thân, còn lý do quan trọng khác là để người chết có thể dễ dàng tìm đường về nhà. Không ai chứng minh quan niệm này đúng, song nó lại ăn sâu vào tiềm thức, nếp nghĩ của một bộ phận lớn người dân Huế nên việc triển khai QĐ 56 còn gặp khó khăn.

Khó cũng phải làm

Thuận lợi của Hương Trà trong việc triển khai QĐ 56 là đã có sự đồng thuận từ cơ sở. Trước khi trình lên cấp trên triển khai thí điểm ở 4 tuyến đường chính, gồm: Lý Bôn, Thống Nhất, Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn, các ban ngành, đoàn thể đã tổ chức họp dân, lấy ý kiến, vận động... Do đó, khi triển khai không gặp nhiều vướng mắc. Song, như đã nêu, đối với vấn đề cấm rải vàng mã khi đưa tang theo như lời lãnh đạo thị xã là không thể chấm dứt trong một sớm một chiều. Địa phương cũng chưa dám chắc sẽ hoàn toàn không còn cảnh rải vàng mã khi đưa tang ở các tuyến đường điểm. Bởi ngoài mặt pháp lý còn là vấn đề tâm linh, là nét văn hóa, là nếp nghĩ, cách sống của người dân.

"Từ sau khi QĐ 56 có hiệu lực đến nay ở các tuyến đường này chưa có đám ma nên chúng tôi chưa ghi nhận việc vi phạm. Biết là khó, nhưng chúng tôi cũng cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất, nhằm thực hiện hiệu quả quyết định của tỉnh, từng bước xây dựng nếp sống văn minh đô thị", ông Hà Cảnh Lộc nói.

TP Huế là địa phương trọng điểm trong việc triển khai QĐ 56 của UBND tỉnh, với 7 tuyến đường thí điểm và đa phần là những tuyến đường chính, mật độ người qua lại lớn, nhất là lượng khách du lịch ở các tuyến phố Tây: Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu. Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Đăng Thạnh cho hay, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tuyên truyền, bởi dù đã có lệnh cấm, song, xử phạt như thế nào và ai là người xử phạt hiện vẫn chưa rõ ràng. Công an, đô thị, văn hóa... cũng không thể túc trực hàng ngày trên các tuyến đường để kiểm tra, phát hiện sai phạm mà xử phạt.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo cảnh quan môi trường, thì việc triển khai cấm rải vàng mã khi đưa tang ở một số tuyến đường trọng yếu là cần thiết. Sở phối hợp các các địa phương, ban ngành triển khai quyết liệt vấn đề này. Song, vẫn chú trọng là công tác tuyên truyền. Trước hết là đưa vào quy ước, hương ước làng xã để người dân cùng thực hiện. Việc xử phạt sẽ khó bởi không ai có thể đứng ra chặn xe đưa tang vi phạm để xử phạt.

Theo Tâm Tuệ (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL