Tích cực nhập cuộc
Cơ sở mỹ nghệ Trường Tiền ở 58 Nguyễn Chí Diểu, TP. Huế những ngày này khá bận rộn và đông khách. Với sản phẩm đặc trưng là mỹ nghệ xương, khảm xương, khảm trai và các loại mỹ nghệ đồng có mặt ở Huế từ năm 1993, doanh số bán hàng mỗi năm của cơ sở đạt trên 4 tỷ đồng. Để chuẩn bị phục vụ khách dịp Festival Huế 2016, ngay từ đầu năm 2016, cơ sở huy động gần 20 nhân công tập trung sản xuất các sản phẩm tranh sơn mài, khảm trai, tượng mạ đồng, khảm xương trên các danh lam nổi tiếng Huế.
Chủ Cơ sở mỹ nghệ Trường Tiền Lê Thị Lệ Hương cho biết: “Đa số các sản phẩm TCMN ở đây đều được làm từ các vật liệu như gỗ, ngà, đồng thiếc, vỏ, mai, xương của các loài động vật nên du khách rất thích và chọn để làm quà. Cơ sở cũng nhận sản xuất các sản phẩm TCMN theo yêu cầu của khách và giao hàng theo địa chỉ nhằm tạo điều kiện để nhiều khách hàng ở xã có thể đặt các loại quà tặng theo sở thích”.
Tại HTX Mây tre đan Bao La ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) các xã viên tất bật chuẩn bị và đóng gói sản phẩm để chuyển vào Huế phục vụ Festival. Từ Festival Huế 2014 đến nay, HTX phát triển thêm gần 100 mẫu mới dựa trên hai chất liệu chính là mây, tre. Chuẩn bị cho Festival Huế 2016, HTX dự trữ nguyên liệu và sản xuất khoảng 10 ngàn sản phẩm để trưng bày tại hội chợ và cung cấp cho các điểm du lịch, trong đó sẽ tập trung vào các sản phẩm như túi xách, rổ, rá, khay trà, lồng đèn... “Festival nghề truyền thống Huế 2015 HTX bán được trên 100 triệu đồng và nhận nhiều đơn hàng với số lượng lớn nên dịp này, toàn bộ xã viên đầu tư công sức, thời gian để thiết kế nhiều mẫu mới, sản phẩm lạ có giá thành hợp lý để đáp ứng nhu cầu của khách và quảng bá thương hiệu hàng mây tre đan Huế”, chủ nhiệm HTX Võ Văn Dinh nói.
Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Trần Thị Thục Nhi cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của du khách và tạo ra nhiều sản phẩm TCMN độc đáo mang bản sắc văn hóa Huế, ngay từ đầu năm 2016, sở liên kết với các DN, cơ sở sản xuất để đặt hàng và vận động các cơ sở sản xuất các mặt hàng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa máy móc và thủ công nhằm tạo dấu ấn và khẳng định thương hiệu hàng TCMN Huế.
Nhiều mẫu mã mới
Công ty TNHH Canstudio ở 11 kiệt 187 Phan Đình Phùng, TP Huế là một trong những DN lần đầu tiên đảm nhận việc thiết kế và sản xuất hàng TCMN theo công nghệ in 3D. Với 7 thiết kế dựa trên các công trình kiến trúc nổi tiếng của Huế như lầu Ngũ Phụng, cầu Trường Tiền, chùa Linh Mụ, Cửu đỉnh..., 500 sản phẩm TCMN làm bằng chất liệu nhựa PLA hiện đã hoàn thành. “Vì đây là lần đầu tiên Huế giới thiệu với du khách sản phẩm TCMN mới này nên DN không chỉ đầu tư khâu thiết kế mẫu mà còn chú trọng đến chất liệu và bao bì đóng gói nhằm tạo ra bộ sản phẩm hoàn hảo, độc đáo nhưng vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa Huế. Bộ sản phẩm này sẽ trưng bày tại Hội chợ triển lãm Festival Huế 2016 và có mặt tại nhiều địa điểm du lịch trên địa bàn TP. Huế để phục vụ du khách”, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, thiết kế viên Công ty TNHH Canstudio Nguyễn Thị Thanh Trà chia sẻ.
Tại Công ty TNHH MTV Đèn lồng Cố đô ở phường Hương Long, TP. Huế những ngày này cũng bận rộn và khẩn trương. Ngoài các sản phẩm đèn lồng được thiết kế nhỏ, gọn bằng các chất liệu vải lụa màu phục vụ khách du lịch, festival năm nay cơ sở thiết kế trên 3 ngàn sản phẩm mới với họa tiết vẽ tay, thêu trực tiếp lên đèn và in hình phong cảnh Huế, phong cảnh Việt Nam để thu hút khách. “Festival là cơ hội để quảng bá và bán các loại quà tặng, hàng lưu niệm nên ngay từ đầu năm 2016, cơ sở đã huy động nhân công, nguyên liệu để sản xuất số lượng lớn và tạo ra nhiều mẫu mã mới, kích thướt nhỏ, nhẹ để du khách dễ dàng vận chuyển. Ngoài các mẫu đèn sẵn có, năm nay sẽ xuất hiện nhiều thiết kế dựa trên các danh lam nổi tiếng, các mẫu đèn vẻ tay bằng hai màu chủ đạo trắng - đen, đèn thêu tay với mong muốn tạo dấu ấn tại Festival Huế 2016 này”, Giám đốc Công ty Nguyễn Lan Vy nói.