Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 18.674
Điềm Phùng Thị - giai nhân một thời của thi sĩ Lưu Trọng Lư
Lượt đọc: 95065Thời gian: 09:36 - 05/08/2016

(VHH) - Nếu tên tuổi của nữ điêu khắc Điềm Phùng Thị lưu danh trong từ điển Larousse được nhiều người biết đến bao nhêu, thì chuyện bà từng là giai nhân trong một bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Lưu Trọng Lư lại được ít người biết đến bấy nhiêu.

Được thế giới nhìn nhận là nữ điêu khắc gia đương đại nổi tiếng nhất của Việt Nam. Tên tuổi của bà đã được vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và được cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ khi là một trong hai người châu Á có tên trong từ điển Larousse - Nghệ thuật thế kỷ XX, được vinh danh là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học - Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Đó chính là Điềm Phùng Thị.

Năm 2002, nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị qua đời ở tuổi 81 sau một cơn tai biến mạch máu não nhưng tên tuổi của bà vẫn khiến người ta không thế lãng quên nếu không muốn nói là rất nhớ.

Mối tình với thi sĩ Lưu Trọng Lư

Điềm Phùng Thị tên thật của bà là Phùng Thị Cúc. Bà sinh năm 1920 tại Huế. Khởi đầu cuộc đời bà không được may mắn khi phải sớm mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, từ đó bà sống với cha ở Tây Nguyên. 6 tuổi bà đã phải theo cha là ông Phùng Duy Cẩn từng làm quan triều Nguyễn sống lang bạc khắp các tỉnh vùng cao nguyên ròng rã 9 năm, rồi mới về Huế ăn học.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bà đã thi đậu vào trường Đại Học Y Khoa Hà Nội. Trong những năm tháng học tại Hà Nội, Phùng Thị Cúc đã trở thành nàng thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư.

Khi đó Phùng Thị Cúc là một cô nữ sinh từ Huế ra Hà Nội học. Trên chuyến tàu tốc hành Huế - Hà Nội, cô được người chị là bạn của Lưu Trọng Lư gửi gắm nhà thơ trông nom giùm em gái, với lời dặn thân tình "Dọc đường giúp em một chút".

Cúc là cô gái Huế sang trọng, đài các, hoa khôi của Trường Đồng Khánh đã hút hồn nhà thơ đa tình ngay từ phút đầu gặp gỡ. Suốt chặng đường dài hai người cũng chẳng có chuyện gì nhiều để nói với nhau. Cúc im lặng ngắm cảnh dọc đường. Và nhà thơ thì lẳng lặng nhìn ngắm giai nhân. Khi tàu về đến ga Hà Nội, thay vì chia tay nhau, nhưng nhà thơ đã hỏi địa chỉ và tình nguyện đưa cô đến tận nơi.

Tìm đến đúng địa chỉ, Lưu Trọng Lư đưa Cúc lên tận căn gác nhỏ, nơi có căn phòng của những người bạn, người chị của cô đang ở. Chào hỏi, dặn dò rồi chia tay. Khi vừa xuống gác, ra đến đường thì tình cờ Lưu Trọng Lư gặp thi sĩ Phạm Hầu. Phạm Hầu mời Lư vào nhà chơi. Khi lên gác, bước vào một căn phòng, mở cửa sổ ra, nhà thơ giật mình khi nhìn thấy người bạn đường xinh đẹp mà mình vừa chia tay ít phút trước đây đang ở ngay bên khung cửa sổ căn phòng đối diện.

Vậy là không một chút đắn đo, Lư quay sang nói ngay với bạn: “Mình ở luôn đây với cậu được không?”. Phạm Hầu nhiệt tình vui vẻ đồng ý. Suốt mùa đông năm đó, giữa cái giá lạnh của tiết trời Hà Nội nhà thơ đã được sống trong sự ấm áp dịu nhẹ của một mối tình sáng trong, thơ mộng. Và cũng từ đấy bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư đã ra đời với những câu thơ bất hũ như:

Đôi mắt em lặng buồn

Nhìn thôi mà chẳng nói,

Tình đôi ta vời vợi

Có nói cũng không cùng...

Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng kể rằng, sau một thời gian sống cạnh nhau, tình cảm của hai người cũng có “bước phát triển” mới. Theo sự sắp đặt của những người bạn, có lần hai người đã đi chơi chùa Thầy cùng với một nhóm bạn. Sau một hồi leo núi, nhìn chung quanh chẳng thấy ai, chàng và nàng ngượng ngập đi bên nhau... Nhưng câu chuyện tình thơ mộng của họ cũng chỉ đi đến đó.

Họ mãi mãi chỉ là đôi tình thân giữa một nghìn trùng xa cách vì rất nhiều lý do. Mãi đến năm 1975 họ mới có dịp gặp lại nhau. Lúc đó Phùng Thị Cúc từ Pari về Hà Nội. Người em gái bé bỏng ngây thơ hôm nào đã là bà Điềm Phùng Thị - một điêu khắc gia nổi tiếng thế giới.

Con người của nghệ thuật

Nói tiếp về con đường học vấn, năm 1946 Phùng Thị Cúc vinh dự trở thành một trong số những sinh viên khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến giai đoạn toàn quốc kháng chiến, bà ra vùng tự do phục vụ cho kháng chiến.

Nhưng không lâu sau đó, vì mắc phải một cơn bạo bệnh, bà được đưa sang Pháp điều trị. Tại Pháp sau khi khỏi bệnh, bà tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ nha khoa. Trong khoảng thời gian này, bà đã cùng một người bạn mở một phòng khám nha tại Paris. Tại đây bà đã gặp, yêu và kết hôn cùng ông Bửu Điềm, vốn là một bác sĩ đang sống ở Pháp. Cái tên Điềm Phùng Thị của bà cũng ra đời từ đó khi họ của bà được ghép cùng họ của chồng.

Ngã rẽ cuộc đời hay tiếng gọi từ con tim

Sau khi lấy được tấm bằng tiến sĩ danh giá, thay vì cống hiến cho sự nghiệp khoa học đã đeo đuổi hàng chục năm trước thì bà lại bước vào thế giới nghệ thuật với rất nhiều điều lạ lùng, năm đó bà bước sang tuổi 40.

Điềm Phùng Thị Đến đến với điêu khắc từ 1959, khi vừa làm phòng mạch vừa tự học điêu khắc. Sau đó, để hoàn thiện hơn bản thân bà ghi danh theo học điêu khắc tại xưởng của điêu khắc gia Volti.

Ngay từ khi "đặt chân" vào thế giới hội họa bà đã vô cùng đam mê môn nghệ thuật đúc tượng. Sự đam mê cháy bỏng cộng thêm với những ý tưởng sáng tạo mới mẻ đã thôi thúc bà không ngừng. Sự say mê của bà mãnh liệt đến nỗi, thời kỳ đầu bà còn  tranh thủ đúc tượng ngay trong nhà bếp, mỗi khi rời dao kéo ở phòng khám  trở về. Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều đêm khi cảm hứng tuôn trào, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của chồng bà đã không ngần ngại ôm tượng vào phòng tắm để thực hiện những ý tưởng đang tuôn trào của mình!

Ngay từ những tác phẩm đầu tiên bằng đất sét của bà đã cho thấy bà là người có tài năng điêu khắc thiên bẩm, sức sáng tạo không ngừng của bà được gửi gắm qua những tác phẩm ấy. Sau 5 năm theo đuổi loại hình nghệ thuật này bà đã trở thành một hiện tượng của nước Pháp.

Năm 1966, Điềm Phùng Thị đã có triển lãm riêng đầu tiên tại Galerie des Jeunes, Paris. Tượng Mẹ và con của bà đã hoàn toàn chinh phục được đám đông thưởng lãm và chính phủ Pháp đã quyết định mua, sau đó bức tượng được đặt trong một công viên trẻ em.

Thành công từ bức tượng đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật, Điềm Phùng Thị tự tin hơn rất nhiều và bà bắt tay vào làm nhiều tượng mới để một năm sau đó bà lại có cuộc triển lãm tại galerie Kasler, ở Copenhague - Đan Mạch… Và sau đó là các cuộc triển lãm riêng và chung ở nhiều nơi khắp châu Âu.

Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng Raymond Cogiat đã nhận xét về bà: “Những gợi cảm giàu chất thơ toát ra từ tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị vừa mang giá trị thần bí của nghệ thuật đồ hoạ, vừa có tứ thơ của chất liệu, những thành tố kết hợp với nhau tạo ra một thế giới bí ẩn sống động thật lạ lùng”. Nhà văn André Malraux, có thời là Bộ trưởng Văn hóa Pháp cũng đã viết thư để bài tỏ sự ngưỡng mộ gửi đến bà.

Tháng 2/1994, Nhà Điềm Phùng Thị ở số 1 Phan Bội Châu, Huế chính thức khánh thành. Với diện tích vườn rộng hơn 3000m2, nơi đây là nơi ở cuối đời của bà và cũng là nơi trưng bày hơn 200 tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Trước khi qua đời bà đã quyết định chuyển toàn bộ tác phẩm còn lại ở TP.HCM (trên 130 tác phẩm) và ở Pháp (trên 50 tác phẩm) về Huế. Đây thật sự là món quà vô giá mà bà gửi tặng quê hương trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.

Theo Khổng Thu Hà (Sức khỏe gia đình)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL