Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 9.358
Các món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam
Lượt đọc: 133525Thời gian: 09:26 - 06/09/2016

(VHH) - Tết Trung thu Việt Nam là ngày Tết thiếu nhi rực rỡ sắc màu, sôi động trong ánh đèn lồng lung linh với những món đồ chơi trung thu truyền thống giản dị nhưng ý nghĩa, chứa đựng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Các món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam thường gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Đó là đèn ông sao, đèn tôm, cua, cá, mặt nạ, tò he... đều được làm thủ công từ những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, cây cối. 

Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Do đó, những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao... là lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, thành đạt.

1. Đèn ông sao

Đèn ông sao là chiếc đèn trung thu quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt mỗi dịp Tết Thiếu nhi về. Dù một số đồ chơi trung thu truyền thống dần mai một, nhưng đèn ông sao vẫn hiện hữu và trở thành mặt hàng đắt khách, món quà ý nghĩa dành cho trẻ thơ trong dịp trung thu.

Đèn ông sao có hình ngôi sao 5 cánh, tâm sao gắn một cây nến để thắp sáng là một trong những loại đèn lồng yêu thích của trẻ nhỏ trong ngày Tết Trung thu.

Đèn lồng hình con cua - đồ chơi trung thu dân gian của trẻ em Việt Nam xưa. Ảnh: Internet

Đèn lồng tự chế từ vỏ lon, vỏ hộp, thậm chí là vỏ bưởi cũng là một trong những món đồ chơi trung thu yêu thích của trẻ em Việt. Ảnh: Internet

Trong đêm rước đèn trung thu, trẻ em Việt Nam hào hứng giơ cao những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, hình dáng: đèn ông sao, đèn cá, đèn cua, đèn tôm, đèn con công, sau này hiện đại hơn còn có đèn lồng chạy bằng pin... rồi nghêu ngao hát: "Chiếc đèn ông sao, sao 5 cánh tươi màu...". 

2. Đèn lồng giấy xếp

Ngoài đèn ông sao, đèn cù, đèn lồng xếp giấy là một trong số ít món đồ chơi trung thu truyền thống của Việt Nam còn được lưu giữ và yêu thích đến ngày nay.

 

3. Đèn cù 

Đèn cù. Ảnh: Internet

Đèn cù cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam. Theo các thế hệ trước, tên của loại đèn này xuất phát từ hình dáng của nó. Khi gọi là đèn cù vì nó quay như cái cù.

Mỗi dịp Tết Trung thu, trẻ em khu xóm lại kéo đèn cù sáng ánh nến chạy vòng quanh sân và cười đùa ríu rít trong đêm trăng. Đèn cù quay được nhờ một bánh xe được gắn dưới đế đèn.

Đề hoàn thành một chiếc đèn cù cần khá nhiều công đoạn, bắt đầu bằng việc chẻ nứa vót nan cắm vào bánh xe, dán giấy bóng màu, sửa lại bằng kéo. Tiếp đến là vẽ hình trang trí bằng sơn, tra then ngang, buộc lõi dây thép và cắm vào đai đèn một bánh xe gỗ để đèn có thể chuyển động khi đưa qua đưa lại.

4. Đèn kéo quân

Ngoài đèn ông sao, đèn kéo quân cũng là món đồ chơi truyền thống quen thuộc ở Việt Nam mỗi dịp trung thu về. Ngày nay, không có nhiều trẻ em biết đến đèn kéo quân vì loại đèn này dần mai một và được thay thế bởi nhiều món đồ chơi trung thu khác.

Thời xưa, có biết bao trẻ nhỏ say mê với đèn kéo quân vì sự nhiệm màu, độc đáo. Đèn kéo quân được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Đèn kéo quân độc đáo ở chỗ chiếc lồng kéo "biết" xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình, tên dân gian gọi là các "quân". 

Các "quân" được đặt ngay ngắn trong lồng đèn, sẽ di chuyển một cách kỳ diệu khi đèn kéo quân được thắp sáng. Ảnh: Internet

Đèn kéo quân là trò chơi "vui mà học", dạy các em về lịch sử, giáo dục lòng yêu nước. Chính vì thế, hình ảnh dán trên đèn kéo quân thường là những đoàn quân xung trận hoặc nói về việc nghĩa.

Sau đó, các "quân" được cải tiến, phong phú, đa dạng hơn như: ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu, cho đến cả những nhân vật phim truyện nổi tiếng là thầy trò Đường Tăng trong phim Tây Du Ký. 

Ngày nay, đèn kéo quân được cải tiến không chỉ thắp bằng nến mà ngay cả khi thắp sáng bằng pin, kèm theo một mô tơ nhỏ cũng đủ giúp cho đèn quay được. 

5. Trống ếch

Trống ếch. Ảnh: Internet

Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em Việt Nam ngày xưa. Khi đánh, trống phát ra tiếng kêu "cắc, tùng" đặc trưng trong dịp Trung thu, tạo thêm sự rộn ràng, phấn chấn, tưng bừng và làm nên hương vị của ngày Tết Thiếu nhi. 

6. Trống lắc tay 

Trống lắc tay. Ảnh: muachung

Ngày nay, trống lắc tay ít xuất hiện trên các sạp hàng bày bán đồ chơi trung thu ở Việt Nam hơn ngày xưa. Trống lắc tay có 2 viên bị nhựa được gắn ở 2 bên trống, khi lắc sẽ tạo ra tiếng "boong boong" vui tươi, rộn ràng. Trong các đoàn rước đèn trung thu của trẻ em Việt Nam ngày xưa, trống lắc tay là đồ chơi không thể thiếu. 

7. Trống bỏi

Trống bỏi là đồ chơi trung thu truyền thống dần trở nên mai một. Ảnh: Internet

Trống bỏi làng Báo Đáp là đồ chơi trung thu dân gian, truyền thống, góp mặt trong bữa tiệc vui đêm trăng của thiếu nhi ngày xưa. Nhưng hiện tại, trống bỏi dần bị quên lãng, nhiều người còn chưa được nghe tên cũng như nhìn thấy cái trống bé xinh, tí hon này. 

Trống bỏi là đồ chơi trung thu quen thuộc với nhiều bậc cao niên Việt Nam. Ảnh: Internet

Khi quay, trống bỏi tạo ra tiếng "tạch tạch" đanh gọn, vui tai. Thứ đồ chơi "nhà quê" này được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản: Đất sét, cán nhựa, que sắt, giấy hồng, dây nilon. 

Mặt trống được nặn từ đất sét, chỉ lớn hơn đồng xu một chút, cắm que sắt vào hai bên sườn rồi phơi khô. Sau khi phơi khô, hai mặt trống được bọc bằng giấy đỏ sao cho kín để tạo ra tiếng kêu đanh, gọn, vui tai đặc trưng. Công đoạn cuối là buộc dây, tra cán nhựa, làm "dùi" cho trống. 

8. Mặt nạ giấy bồi

Mặt nạ giấy bồi. Ảnh: Internet

Có một thời gian, mặt nạ giấy bồi - món đồ chơi trung thu của Việt Nam tưởng chừng bị lấn át bởi các loại đồ chơi hiện đại, bắt mắt hơn từ Trung Quốc. Mùa trung thu năm nay, những chiếc mặt nạ giấy bồi đã dần xuất hiện trở lại với hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như: Ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở... Ngoài ra còn có mặt nạ của các nhân vật trong truyện cổ tích nước ngoài để các em nhỏ hóa trang thành các nhân vật mình yêu thích trong đêm trăng rằm.

9. Đồ chơi làm từ giấy bồi

Không chỉ có mặt nạ giấy bồi, người Việt Nam xưa còn sáng tạo ra những đồ chơi khác từ nguyên liệu tái chế, rẻ tiền mà an toàn cho sức khỏe. Từ giấy bồi, những người thợ làm đồ chơi ở các làng nghề truyền thống còn tạo ra vô vàn sản phẩm khá.

10. Tàu thủy sắt tây

Ngày nay, có lẽ nhiều trẻ nhỏ không có khái niệm gì về món đồ chơi tàu thủy sắt tây trong dịp trung thu. Còn với nhiều người lớn, nhất là những người đã trải qua thời bao cấp thì món đồ chơi trung thu này lại nhắc về một tuổi thơ đầy khốn khó, thiếu thốn. 

Dù không phải đồ chơi trung thu truyền thống nhưng tàu thủy sắt tây là thứ đồ chơi thủ công mang đậm tính sáng tạo của người Việt. Qua bàn tay của người thợ thủ công, những vỏ lon sữa bò, mảnh sắt bỏ đi không hình dáng được tạo hình rõ nét trở nên sống động, đẹp xinh và chạy được trên mặt nước với hình ảnh lá cờ Tổ quốc gắn ở mũi tàu.

Phía dưới buồng hơi được làm bằng sắt, phía trên phủ những lá đồng mỏng. Buồng hơi được nối với 2 ống dẫn nhỏ ra ngoài vỏ tàu. Đây chính là bí quyết để tàu chạy được và có tiếng kêu "bành bạch" rất đặc trưng.

Mỗi ngày, một người thợ chỉ làm được 2-3 chiếc tàu thủy sắt tây. Anh Nguyễn Văn Mạnh - người duy nhất của làng Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) còn giữ nghề làm tàu thủy sắt tây cho biết, trước đây trẻ em đến cửa hàng anh mua tàu thủy rất nhiều. Nhưng khách hàng bây giờ chủ yếu là người nước ngoài đến du lịch mua về làm quà lưu niệm. 

11. Tiến sĩ giấy

Ngày xưa, mỗi dịp Tết Trung thu, ông bà, cha mẹ thường mua ông tiến sĩ giấy để bày cùng mâm ngũ quả với mong cầu con cái trong gia đình học hành giỏi giang, sau này có công danh, đỗ đạt.

Trong đêm trăng rằm, tiến sĩ giấy được đặt trang trọng bên mâm ngũ quả cúng trăng. 

12. Ông đánh gậy trông trăng

Ông đánh gậy trông trăng là một trò chơi dân gian được yêu thích trong dịp trung thu xưa. Ảnh: Internet

Nếu ông tiến sĩ giấy thể hiện ước mơ về học thức thì ông đánh gậy là món đồ chơi trung thu ý nghĩa, tượng trưng cho lời chúc và mong muốn của cha ông về một thế hệ khỏe mạnh về thể chất, có thể góp sức giúp nước, giúp dân.

13. Đầu sư tử

Đầu sư tử là một trong những đồ chơi trung thu truyền thống của Việt Nam được trẻ em yêu thích, mang ý nghĩa thịnh vượng, may mắn và điềm tốt lành.

Đầu sư tử. Ảnh: Laodong.

Nếu các anh lớn có đầu sư tử đại, trống da trâu, quần áo, phục trang tươm tất để thể hiện các màn múa lân, sư tử điêu luyện thì các em nhỏ cũng có đầu tư tử, trống ếch "cắc tùng" để bắt chước và thỏa mãn niềm vui thích của mình trong ngày Tết Thiếu nhi. 

Ngày nay, giá đầu sư tử đại có thể lên tới vài triệu đồng. Ảnh: Internet

Đầu sư tử đại có cốt bên trong được làm bằng song và tre, ngoài bồi bằng giấy và vẽ tay. Cho đến tận bây giờ, món đồ chơi này vẫn chiếm được nhiều cảm tình của các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.

14. Tò he

Tò he là đồ chơi trung thu truyền thống của Việt Nam. Ảnh: Internet

Giữa muôn vàn món đồ chơi trung thu truyền thống "đánh thức" sự hiếu động, hoạt bát của trẻ thì tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật, sự khéo léo và tỉ mỉ. Tò he là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu. 

Từ những nguyên liệu thân thuộc với ruộng đồng như bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre, với sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt. 

Tò he một trong số ít những món đồ chơi trung thu dân gian còn tồn tại đến nay. 

15. Thỏ đánh trống

Thỏ đánh trống làm bằng sắt tây. Ảnh: Internet

Giống tàu thủy, thỏ đánh trống cũng được làm bằng sắt tây và không còn là món đồ chơi phổ biến ngày nay. Trước kia, thỏ đánh trống được làm bằng vỏ hộp sữa. Khi chuyển động, con thỏ sẽ gõ vào trống phát ra tiếng kêu vui tai.

16. Trò chơi Trí Uẩn

Trí Uẩn là món đồ chơi giàu sức sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng do người Việt tạo ra. Trò chơi Trí Uẩn, được chính Bác Hồ đặt tên theo người tạo ra nó là cụ Nguyễn Trí Uẩn (Hà Đông, Hà Nội). Đây là một trò chơi ghép hình từ 7 miếng gỗ. Những miếng gỗ trông tưởng chừng không có hình thù rõ ràng những khi sắp xếp lại tạo ra những hình tượng đầy sống động, linh hoạt.

Theo Tuấn Nghĩa (Time Out Vietnam)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL