Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 18.776
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Quản lý tốt để tôn vinh lao động nghệ thuật
Lượt đọc: 155019Thời gian: 11:35 - 18/04/2011

         (VP) Chưa có một con số nào cho thấy đã có việc xử lý nghiêm minh các vụ hát "nhép", ăn mặc quá "thoáng" trên sân khấu, hoạt động biểu diễn sai phép… do đó, vai trò của cơ quan quản lý mất "thiêng". Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định Biểu diễn nghệ thuật vừa diễn ra ngày 15/4/2011, tại Hà Nội.

Nhà tổ chức và ca sĩ thông đồng hát "nhép"
Sau 6 năm thực hiện Nghị định 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin được ban hành, nhiều người đã cho rằng nó chưa đủ sức răn đe đối với tệ hát "nhép" đang tràn lan. Có lẽ vì vậy mà Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa (có hiệu lực từ 1-9-2010, thay Nghị định 56) đã nâng mức xử phạt hành vi hát "nhép" lên từ 3 triệu đến 6 triệu đồng. Nhưng, có nhạc sĩ cho rằng, mức xử phạt này vẫn quá thấp so với một "sô" diễn của các "sao", vì thế ca sĩ cứ điềm nhiên hát "nhép" và công chúng thì vẫn phải thưởng thức "hàng giả".
Lâu nay đề cập đến đối tượng hát "nhép", dư luận thường chỉ đích danh thủ phạm là những ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu ca nhạc, truyền hình, nhưng thực tế, bầu sô, đạo diễn chương trình-những người tổ chức các sân khấu để thu lợi nhuận, vốn có vai trò rất lớn trong việc chống tệ nạn này lại đứng ngoài cuộc.
Dễ dàng nhận biết, một ca sĩ, nghệ sĩ sẽ không thể hát "nhép" trên sân khấu nếu như không có sự làm ngơ, giúp sức, thậm chí chỉ đạo từ nhà tổ chức. Đó là lý do vì sao việc chống hát "nhép" thời gian qua rơi vào bế tắc. Ngay cả quy định về chế tài xử phạt hiện hành cũng bỏ lọt đối tượng này.
Ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu của Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói: “Nhiều ca sĩ, đơn vị tổ chức còn đối phó với cơ quan quản lý bằng cách khi duyệt phúc khảo thì hát thật, đến khi biểu diễn lại hát "nhép". Ngay cả khi kiểm tra, phát hiện hát "nhép", cấp quản lý không thể ngừng một chương trình biểu diễn nghệ thuật để xử lý. Đến nay, việc xử lý hát "nhép" mới chỉ là loại bỏ tiết mục bị phát hiện ra khỏi chương trình trong khi duyệt phúc khảo, chứ chưa có ca sĩ nào bị phạt tiền vì hát "nhép".
Nhiều người khá bức xúc khi ở các chương trình ca nhạc truyền hình thường xuyên diễn ra việc hát "nhép" với lý do bao biện là để "bảo đảm chất lượng âm thanh và phát sóng".  Nhiều ca sĩ cho biết họ "bị" nhà đài áp đặt phải hát "nhép". Nên thi thoảng khán giả ngớ người khi ca sĩ đã nhận hoa, lui vào cánh gà mà tiếng hát vẫn vang trên sân khấu…
Với vấn đề này, ông Thắng cho biết: "Đài truyền hình là cơ quan báo chí, hoạt động theo Luật Báo chí nên chúng tôi không duyệt nội dung các chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình. Nếu để xảy ra tình trạng hát "nhép" thì lãnh đạo đài phải chịu trách nhiệm". Cá nhân ông Thắng bày tỏ quan điểm: Hành vi hát "nhép" phải bị xử phạt thật nặng, mức phạt tiền thật cao để răn đe những người không muốn lao động nghệ thuật nghiêm túc.
Nghệ sĩ có tên tuổi hát "nhép", nghệ sĩ mới vào nghề hát "nhép"…, lo ngại hơn khi nhiều chương trình ca nhạc thiếu nhi, các em cũng hát "nhép". Tác giả bài viết này còn nhớ một chương trình biểu diễn có sự giao lưu quốc tế về sách ở Thư viện Quốc gia, mở màn là chương trình biểu diễn của thiếu nhi, đang nhảy hát sôi nổi… thì mất điện, màn hát múa sôi động cũng im bặt. Chưa kịp thành ca sĩ, trẻ em đã "được" người lớn dạy cho cách dối lừa khán giả!
Cần nâng chế tài xử phạt
Theo Thanh tra Bộ VHTT&DL, tình trạng vi phạm về tổ chức hoạt động biểu diễn rất nhiều: Tổ chức biểu diễn không giấy phép, không đúng nội dung giấy phép do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; giả mạo giấy tờ để hoạt động biểu diễn; tạo xì-căng-đan để nổi tiếng; quảng cáo biểu diễn nghệ thuật từ thiện, nhưng không thực hiện đúng mục đích xin phép… nên dư luận thời gian qua bức xúc.
Mới đây, một nhà hát cấp Trung ương tổ chức live show ca nhạc với 3 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tựa đề của chương trình này lấy nguyên tên ca khúc của một nhạc sĩ nổi tiếng. Trước đó cả tuần, nhà tổ chức chương trình này thông tin cho báo chí về việc khán giả sẽ được giao lưu với nhạc sĩ trong đêm biểu diễn. Đến buổi sáng tổng duyệt chương trình để tối diễn, nhà tổ chức vẫn cam đoan có nhạc sĩ lên sân khấu giao lưu. Cánh nhà báo gọi nhau dự tổng duyệt để mong gặp phỏng vấn nhạc sĩ, nhưng rốt cục không gặp và tối biểu diễn cũng không thấy nhạc sĩ đâu. Ấm ức hơn khi không ít khán giả mất tiền mua vé với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mà không được giao lưu với nhạc sĩ.
Nhiều ý kiến khẳng định, quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay đã không theo kịp với sự phát triển của thực tế. Vấn đề bất cập nhất hiện nay là việc quản lý hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ như thế nào cho tốt. Nhất là thời gian gần đây sự ăn mặc "quá thoáng", "phơi" mình một cách tự do của các nghệ sĩ, tự tạo xì-căng-đan… đã gây dư luận thiếu lành mạnh về một nghề, một giới đúng ra là rất cao quý. Không những vậy, vì nghệ sĩ là người của công chúng, nên những lệch chuẩn văn hóa của họ đã ảnh hưởng xấu đến lớp trẻ.
NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, vấn đề trang phục biểu diễn, đầu tóc… của các nghệ sĩ cũng đã được mang ra chất vấn tại Quốc hội. Tuy nhiên, muốn thể hiện thành văn bản, ngắn đến đâu, hở đến đâu thì rất khó. Bởi, theo ông trên thế giới, vấn đề này cũng chưa có văn bản cụ thể nào. Hiện nay, phần lớn khi xét duyện một chương trình nghệ thuật, Sở VHTT&DL các địa phương chỉ chú ý đến phần nội dung còn việc ăn mặc thế nào thì vẫn rất lơ là.
Còn đại diện thanh tra của Bộ VHTTDL cho rằng, thanh tra không thể làm được hết, vì lực lượng quá mỏng. Thanh tra sở địa phương chỉ quản lý ở cấp sở, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra cho các phòng văn hóa và thi thoảng có những cuộc kiểm tra đột xuất mà thôi.
Thiết nghĩ, để hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật thật sự chuyên nghiệp, cần có thay đổi phù hợp trong Nghị định về hoạt động biểu diễn tới đây. Cần phải nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, cùng với giáo dục ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ để bảo vệ hình ảnh của mình, đồng thời, kêu gọi khán giả tẩy chay những nghệ sĩ vi phạm.
Theo QĐND
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL