Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.021
Về lại Thuận An
Lượt đọc: 98074Thời gian: 12:03 - 12/02/2012

        (VP) - Nói đến Thuận An, người ta nghĩ ngay tới một bãi tắm nổi tiếng ở Huế. Thuận An chỉ cách trung tâm Huế 12 cây số nên mùa hè đi tắm biển rất thuận lợi.

Người dân quanh vùng không những chỉ bị Thuận An hút về bãi tắm mà có bị hút bởi sự đam mê về tâm linh. Ở Thuận An có đền Thai Dương phu nhân. Tích xưa kể rằng, một hôm bỗng có một khối đá dạt vào bờ biển Thuận An. Bởi là một khối đá nên không ai quan tâm. Vào một đêm, chàng ngư dân đi biển về mệt quá nằm lên trên khối đá ấy ngủ. Đêm ấy, chàng nằm mơ có người đàn bà hỏi rằng: "Sao ngươi lại nằm trên mình ta mà ngủ?" Chàng hỏi lại: "Nàng là ai?", nàng đáp: "Ta là Thai Dương phu nhân người nước Nhật Bản, bị bão, chết chìm dạt vào đây". Thương cảm, dân Thuận An lập miếu thờ. Từ đó, Thai Dương phu nhân phù hộ dân Thuận An làm ăn phát đạt. Năm ấy trời hạn hán dữ quá, lo mất mùa, nhà vua xuống cúng xin Thai Dương phu nhân giúp đỡ. Trời đổ cơn mưa lớn. Dân không mất mùa nữa. Ngay năm ấy, nhà vua cho xây đền thờ Thai Dương phu nhân.
Dân Thuận An chủ yếu là ngư dân cho nên cứ ba năm một lần mở hội cầu ngư. Sắp đến ngày hội, dọc đường ngang dọc trên phá Tam Giang đều được cắm cờ phướn báo cho ngư dân sẵn sàng về dự lễ hội. Ngày hội thì khỏi phải nói, ngư dân các nơi đổ về nườm nượp, cờ xí ngợp trời. Khói hương nghi ngút. Ai cũng lên thắp một nén hương xin được thủy thần phù hộ, che chở. Thủy thần Thuận An được dân yêu quý đến nỗi, mỗi cặp trai gái lấy nhau, ngày thành hôn, cả chàng trai và cô gái đều ở trần nhảy xuống phá Tam Giang trình với thủy thần và xin thủy thần chứng giám, gắn họ lại với nhau. Đến khi có con, đúng ngày tuổi tôi, người cha cởi áo quần con, vất con xuống phá, xin thủy thần cưu mang.
Trong vùng Thuận An còn có một ngày hội tưng bừng nữa, đó là hội vật làng Sình. Những đô vật khắp vùng về đua tài. Trống ngũ liên nối nhau đổ hồi suốt từ sáng đến tối. Hội chọn được những đô vật lừng danh, làm sáng ngời nền võ truyền thống của dân tộc.
Về Thuận An cũng đồng nghĩa về với phá Tam Giang. Vì bãi tắm tựa lưng vào phá Tam Giang mà bên bờ phá Tam Giang có tháp chàm Phú Diên, một di tích Chăm-pa đang tĩnh tại để con cháu không quên một thời đã xa. Và cũng bên bờ phá Tam Giang này, ngoài chùa Phước Duyên có giếng Cam Lồ. Xung quanh 4 bề là nước mặn, bỗng một mạch nước ngọt vọt lên. Nước ngọt giếng Cam Lồ lạ lắm. Các vua triều Nguyễn ngày ngày cho thuyền về đây chở nước ngọt về dùng. Dễ gì có một cái giếng lạ kỳ như thế. Đó chẳng phải là nét độc đáo của Tam Giang đó sao.
Nhớ bữa tôi đưa nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sĩ Văn Cao về Thuận An rồi lang thang trên phá Tam Giang, các ông mua tôm, cua và cá kình ngay trên nò sáo phá Tam Giang hấp và nấu cháo ngay trên thuyền, thưởng thức xong đặc sản của Tam Giang, các ông bảo: "Thuận An sẽ là một địa chỉ du lịch tuyệt vời của Huế".
Những dự đoán của các ông là hoàn toàn đúng. Thuận An đã vào danh mục du lịch của Huế. Cho đến hôm nay, cứ 2 năm một lần Thuận An mở Festival Thuận An biển gọi. Năm 2011, số du khách đến Thuận An tăng 20% so với 2010 và dự trù năm 2012, khách sẽ tăng 30% so với 2011. Như vậy là khách về Thuận An ngày một đông hơn.
Trong báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2011 có ghi rõ: "Đang triển khai du lịch sinh thái của công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch VilleLouise ở Phú Thuận, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở đập Hòa Duân, tạo thành một hệ thống du lịch liên hoàn khép kín từ thị trấn Thuận An đến Phú Thuận, khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Giang đã được cấp đất mở rộng, đầu tư xây dựng các khu nghỉ 1 - 2 tầng".
Cứ theo báo cáo, Thuận An đang được mở mang. Tuy nhiên theo cá nhân tôi nghĩ, Thuận An phát triển chậm quá, cho đến tận bây giờ cũng là một bãi biển đẹp thì Đồ Sơn đã là một quận hoành tráng của thành phố Hải Phòng và Sầm Sơn đã trở thành một thị xã du lịch của Thanh Hóa, hai nơi ấy quy hoạch rất khang trang, đúng tiêu chí của một địa điểm du lịch, còn Thuận An của chúng ta mới chỉ là một thị trấn trực thuộc vào huyện Phú Vang và là thị trấn cấp V. Tôi tự hỏi mình sao Thuận An không là một địa chỉ du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế được nhỉ. Nếu là của tỉnh, đầu tư chắc chắn sẽ thuận lợi hơn.Phải đến Thuận An bây giờ mới thấy rất rõ, Thuận An đang là một thị trấn.
Dẫu năm 2011 “hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã thực hiện được 2 km đường giao thông nông thôn phối hợp ban đầu tư huyện triển khai thi công nâng cấp các tuyến đường Đoàn Trực, Trương Thiều, Hoàng Quang, Nguyễn Văn Tuyết. Phối hợp triển khai các dự án: xây dựng mở rộng trường Trung học phổ thông giai đoạn 2”.
Thuận An có nâng cấp đường nhưng đường Thuận An còn đang rất hẹp và không có hè phố, không có cây xanh. Thị trấn muốn có 10 tỷ đồng để di dời nghĩa trang đến địa điểm mới mà đến nay vẫn chưa có tiền.
Nếu Thuận An là một hải cảng như trước 1975 thì Thuận An chắc sẽ đông khách hơn rất nhiều. Nhưng từ khi ta quản lý cảng đến nay, năm nào cũng phải xúc cát mở rộng cửa biển, vậy tại sao ta không nghĩ trước năm 1975, chính quyền cũ đã dựng ở cửa biển Thuận An một "bức tường thép" theo đúng nghĩa đen của nó để lùa cát ra ngoài khơi xa giúp cho cửa bể không bị ách tắc. Họ đã có kinh nghiệm rồi, ta chỉ nghiên cứu áp dụng, sao ta cứ để tình hình cát làm nghẽn lối ở cửa biển như thế này.
Thuận An còn một địa chỉ văn hóa nữa khách du lịch nào đến cũng trầm trồ và thèm đi tham quan là trấn Hải Đài. Trấn Hải Đài là một pháo đài thời nhà Nguyễn đã làm cho Pháp bao phen lao đao, nó chứng kiến Pháp đã đặt chân đến Huế như thế nào. Đã đành trấn Hải Đài bây giờ đang là căn cứ quân sự do bộ đội biên phòng trấn giữ. Đây là một chuyện phải có tính toán, song nếu dành trấn Hải Đài cho du lịch cũng là chuyện sớm muộn mà thôi. Có trấn Hải Đài, chắc chắn du lịch Thuận An sẽ có thêm dư vị ngọt ngào, giúp du lịch Huế thêm màu sắc.
Đã đành để Thuận An trở thành một khu du lịch, chắc chắn Thuận An phải mời các nhà đầu tư. Vì hiện thời Thuận An đang nghèo quá. Diện tích của Thuận An là 37 km2 và dân số 21.000 người. Dân làm nghề thủ công chiếm 20%, nông dân hiện có tới 30% ngư dân và người làm dịch vụ chiếm 50%. Theo báo cáo của thị trấn, hiện số dân nghèo chiếm 3,5%, tức 140 hộ gia đình. Hoàn cảnh canh tác ấy chuyển lên cơ cấu phục vụ cho dịch vụ du lịch, tạo môi trường mới là cả một vấn đề mà Thuận An phải lo toan. Đây chính là một gánh khá nặng của Phú Vang, nếu không được tỉnh đầu tư một cách tích cực thì Thuận An khó phát triển nhanh được.
Để trở thành một khu du lịch, Thuận An phải quy hoạch cho thật chu đáo để thỏa mãn dịch vụ phục vụ du khách.
Một yêu cầu Thuận An phải quan tâm là làm sao khách tới với khu du lịch của mình. Muốn được vậy phải đáp ứng được yêu cầu của khách như nơi ở, bãi tắm, chỗ chơi và cả những cuộc quan hệ giữa khách đến tá túc nữa. Trong khi đó cơ sở hạ tầng của Thuận An bây giờ đang còn rất thô sơ.
Những địa chỉ du lịch bên biển bây giờ được khách đến thăm đông, phải kể tới Nha Trang, Vũng Tàu và gần đây nhất là Tuần Châu. Thuận An phải cho người tới tận những nơi ấy xem xét họ làm như thế nào, học tập từng nước đi nước bước của họ để từ đó định cho mình một hướng đi theo đúng mục đích, yêu cầu mình đã đặt ra cho mình. Chứ không thể để Thuận An quá lâu là một thị trấn như bây giờ.
Phải nói rằng, Thuận An là một bờ biển đẹp, hấp dẫn, đã có cả một quá trình tồn tại, đó chính là tiềm năng đầy hy vọng chúng ta có trong tay. Điều quan trọng là, đừng để lãng phí tiềm năng ấy.
Phương hướng năm 2012 của Thuận An đã rõ ràng: “Tập trung phát triển mạnh các ngành du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, giải quyết việc làm cho lao động và nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung đầu tư hạ tầng, phấn đấu tăng lượng nghỉ dưỡng tham quan tắm biển tăng 30% so với 2011. Tích cực tranh thủ các dự án, các nguồn hỗ trợ của Trung ương của tỉnh, của huyện, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ khu du lịch bãi tắm Thuận An”.
Để làm được điều mình mong muốn, Thuận An chắc chắn phải gồng mình lên, nếu mình thật tâm huyết, dốc lòng cho công việc thì hy vọng sẽ đến trong tầm tay.
Rất mong được đưa khách thăm Thuận An và mong được thấy họ gật đầu mãn nguyện.
Nguyễn Quang Hà (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL