Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 4.352
Hồi sinh nói lý, hát lý của người Cơ Tu
Lượt đọc: 103060Thời gian: 14:51 - 24/06/2015

(VHH) - Với quyết tâm bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông, người Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã và đang đưa nói lý - hát lý "sống lại" từ chỗ bị lãng quên.

Truyền dạy cho lớp trẻ

Cụ Nguyễn Ngọc Arác (82 tuổi, ngụ thôn 5, xã Hương Sơn) là một trong số ít cụ già ở địa phương này am tường về nói lý- hát lý còn sống. Cụ Arác cho biết, trước đây, hầu hết người Cơ Tu đến tuổi trưởng thành đều biết nói lý- hát lý. Do sự phát triển của đời sống và vì không được truyền dạy bài bản, những thế hệ người Cơ Tu sau này hiếm người biết về loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông mình.

Trước việc nói lý - hát lý bị lãng quên, cụ Arác quyết tâm bảo tồn di sản của cha ông. Được sự tiếp sức từ phía chính quyền, cụ vừa cùng 2 cụ già khác ở xã là Hồ Văn Xuân (80 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng (75 tuổi) đứng lớp truyền dạy nói lý- hát lý cho thế hệ trẻ. Lớp học được tổ chức tại nhà văn hóa xã vào buổi tối mỗi ngày. 20 nam nữ thanh niên tuổi từ 20-35 ở các thôn được chọn tham gia lớp học. Với sự truyền dạy bài bản của 3 cụ già, các học viên nhanh chóng biết nói lý - hát lý và rồi đam mê loại hình nghệ thuật này.

Theo cụ Arác, hiện cụ và các cụ Xuân, Hồng đều đã tuổi cao sức yếu, nếu không dốc sức truyền dạy nói lý- hát lý cho thế hệ trẻ từ bây giờ thì sẽ không kịp nữa. “Trước khi nằm xuống với đại ngàn, chúng tôi sẽ truyền lại tất cả những gì mình biết về nói lý - hát lý cho lớp trẻ. Lúc đầu cứ nghĩ chúng sẽ không hào hứng với loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông mình, nhưng khi đi vào dạy thấy chúng đam mê học nên chúng tôi vui mà quên hết mệt nhọc” - cụ Arác chia sẻ.

Làng bản yên bình nhờ nghệ thuật cổ

Sau gần 1 tháng ban ngày lên rẫy ban đêm đến lớp học nói lý - hát lý, anh Hồ Sỹ Chương (28 tuổi, thôn 4) đã khá thông thạo loại hình nghệ thuật truyền thống này. Sau khi học từ các cụ cao niên, anh Chương tích cực truyền lại điều học được cho một số người dân trong thôn. Những người học từ anh tiếp tục truyền lại cho những người khác, nên số người biết nói lý - hát lý ở thôn tăng lên nhanh chóng.

Theo anh Hồ Văn Năng - cán bộ văn hóa xã Hương Sơn, nói lý - hát lý là hình thức ứng khẩu trong sinh hoạt văn hóa của người Cơ Tu. Nói lý - hát lý thường được dùng để giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội... Cái lý ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa ví cái này hiểu nghĩa cái kia. Vì thế nói lý hát lý luôn kích thích người nghe, giúp đối phương hiểu sâu sự việc một cách cặn kẽ, chí tình và đồng cảm với nhau. “Do vậy, từ khi loại hình nghệ thuật này được người dân sử dụng, làng bản trở nên yên bình hơn bởi nó tạo nên sự đồng cảm” - anh Năng kể.

Người Cơ Tu chiếm hơn 40% dân số của huyện miền núi Nam Đông. Việc mở lớp truyền dạy nói lý - hát lý ở xã Hương Sơn là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa người Cơ Tu trên địa bàn. Sau lớp truyền dạy này sẽ có thêm nhiều lớp được tổ chức ở các xã khác. Ông Hồ Văn Nhũ - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông cho biết, mỗi xã trên địa bàn đều có một số người am hiểu về nói lý - hát lý nhưng tất cả đã lớn tuổi. Trong bối cảnh thế hệ trẻ người Cơ Tu gần như lãng quên nói lý - hát lý, việc mở các lớp truyền dạy bài là cách để loại hình nghệ thuật truyền thống này hồi sinh và lan tỏa.

BM (Theo Dân Việt)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL