Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 8.365
Chung tay giữ gìn giá trị di sản văn hóa Việt
Lượt đọc: 71959Thời gian: 14:38 - 14/08/2013

         (VP) - Qua sự việc người dân của Làng cổ Đường Lâm và phố cổ Đồng Văn đòi trả lại Nhà nước danh hiệu Di tích quốc gia thời gian qua, trong khi ở một số nơi khác, có những người dân vẫn quyết giữ nhà cổ, giữ gìn giá trị văn hóa còn lại...? Nâng cao nhận thức để cùng nhau giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc, rất cần sự đồng thuận của người dân bởi chính họ là những chủ thế sống và phát huy những giá trị trong di sản đó.

Nỗi niềm nhà cổ
Đầu tiên phải nói đến việc người dân đòi trả lại di tích, nguyên nhân từ đâu? Đầu tháng năm vừa qua, khi gần 80 người dân ở làng cổ Đường Lâm đồng loạt ký vào đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia đã khiến dư luận xôn xao. Không lâu sau đó lại đến sự việc của những người dân phố cổ Đồng Văn cũng đánh tiếng xin trả lại danh hiệu càng làm cho sự việc thêm ầm ĩ. Được sống trong lòng di sản, di tích đâu phải là điều ai muốn cũng được vậy nhưng vì sao những người dân này lại muốn trả lại danh hiệu đầy kiêu hãnh này? Sở dĩ có sự việc như vậy là bởi có sống trong lòng di tích, di sản mới thấu được nỗi khổ, sự thiếu thốn của người dân. Không phải chỉ có Đường Lâm và Đồng Văn mà người dân phố cổ Hà Nội hay Hội An cũng đều chung cảnh sống thiếu thốn, chật trội như nhau...
Về việc của Đường Lâm thì thời gian qua đã đề cập đến khá nhiều, chủ yếu người dân ở đây bức xúc vì với danh hiệu làng cổ - di tích quốc gia, họ không được tự ý xây dựng, sửa chữa nhà ở của mình. Những căn nhà hàng trăm năm tuổi trải qua nắng gió thời gian đều đã xuống cấp làm cho cuộc sống trở nên bất tiện và nguy hiểm. Bên cạnh đó, các gia đình ngày một đông người hơn mà diện tích nhà thì vẫn vậy, không thể nới rộng hay xây thêm tầng khiến cho cảnh sống chật trội, chen chúc vô cùng bức bối.
 
 
Phố cổ Đồng Văn cũng rơi vào cảnh tương tự. Được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2009, nhưng kể từ đó đến nay, phố cổ Đồng Văn vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nào, mặc dù từ trước đó, nhiều nhà cổ ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc xuống cấp là điều dễ hiểu bởi quần thể kiến trúc nhà và chợ cổ Đồng Văn được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, như vậy các ngôi nhà cổ ở đây đều trên dưới 100 năm tuổi, cá biệt có ngôi nhà lên đến 300 năm tuổi. Đặc trưng của nhà cổ Đồng Văn là nhà mái ngói, khung bằng gỗ lim hoặc gỗ nghiến, nép vào vách đá, trải qua hàng trăm năm việc mục nát, hư hỏng là điều tất yếu. Mặc dù trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa nhận được bất kỳ một lá đơn nào của người dân phố cổ Đồng Văn tuy nhiên việc bức xúc của người dân nơi đây là có thật khi cuộc sống của họ bị lệ thuộc vào các danh hiệu.
Đồng cảnh như Đường Lâm và Đồng Văn còn có phố cổ Hà Nội và di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An. Được mang danh công dân phố cổ là điều tự hào của nhiều người Hà Nội, bởi danh hiệu này không chỉ thể hiện việc những người dân này sống trong lòng phố cổ mà còn thể hiện con người đó có văn hóa của mảnh đất Thăng Long. Ấy vậy nhưng nếu không sống trong cuộc thì mấy ai biết những “công dân phố cổ” sống chật chội và bất tiện như thế nào. Trong 1 con ngõ hẹp thường thì chỉ đủ để dắt xe máy với 1 người đi qua là hàng chục gia đình sinh sống. Mỗi gia đình lại có từ 3-5 người, thậm chí cá biệt có gia đình tới 7 người cùng sống trong những căn nhà với diện tích nhỏ hẹp. Nếu may mắn thì nhà còn có vài tầng, nếu không chỉ có 1 tầng duy nhất, mọi ăn uống sinh hoạt, ngủ nghỉ của cả nhà đều diễn ra trong căn phòng đó. Chưa kể đến, vì chật chội nên khu vệ sinh của cả ngõ thường dùng chung, bể nước chung ở sân cũng dùng cho cả ngõ khiến cho mọi sinh hoạt cá nhân thực sự bất cập.
Hội An không khác gì khi mà các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng từ thế kỷ thứ 17-19, nghĩa là cũng đều đã trăm tuổi. Nhưng bởi là Di sản văn hóa đã được thế giới công nhận, việc trung tu sửa chữa những ngôi nhà ở đây không chỉ cần xin phép các cấp ngành liên quan mà còn phải do những người thợ được đào tạo thực hiện. Những ngôi nhà cổ được xây dựng đã hàng trăm năm thì tất nhiên kiến trúc, nội thất không còn phù hợp với hiện tại và sự xuống cấp cũng là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng vẫn có những nơi, người dân hết lòng giữ nhà cổ
Một số hộ dân ở Đường Lâm, Đồng Văn, Hội An và Hà Nội rất cố gắng và hết lòng đễ giữ gìn nhà cổ, phố cổ. Lý do vì sao?
Có ai dành thời gian mục sở thị những căn nhà trong lòng phố cổ mới thấy khâm phục người dân ở đây. Cái gì cũng thiếu, cái gì cũng chật, không phải người dân phố cổ Hà Nội chưa từng chán hay phàn nàn về nơi ở của mình nhưng họ vẫn quyết không rời xa nơi này. Với nhiều người lý do đơn giản là bởi họ đã sống ở đây mấy đời, giờ dù chật trội, bất tiện nhưng họ không thể rời bỏ nó. Có nhiều người thì không muốn chuyển nhà bởi sống ở đây họ có thể kinh doanh, buôn bán. Tuy đất chật người đông nhưng cũng vì thế mà chỉ cần 1-2 mét cửa hàng để buôn bán cũng đủ tiền sinh hoạt cả nhà. Với một số khác thì bởi đã sinh ra và lớn lên nơi đây, công việc hàng ngày cũng loanh quanh trong 36 phố cổ, nếu chuyển nhà ra các khu vực khác có thể nhà cửa to đẹp, tiện nghi hơn nhưng lại bất tiện việc đi làm, đón con đi học... Với những gia đình có trẻ nhỏ hay người già thì dù ở phố cổ có phức tạp, bí bách thật nhưng có trăm cái tiện. Nào tiện ăn, tiện uống, gần chợ, gần trường, gần bệnh viện... Nửa đêm cần ăn gì, mua gì xuống đường là có ngay chứ nếu về các khu đô thị thì mới chập tối ngoài đường đã không có người. Với một số người thì sống ở phố cổ còn là niềm tự hào, tự hào khi mình là công dân của phố cổ, đi đâu giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp cũng thấy “oai”... thế cho nên bao năm nay dù có bất tiện thế, chật chội thế, có ai nỡ lòng rời xa đâu.
 
 
Phố cổ Hội An cũng gần như vậy, người dân nơi đây gắn bó với ngôi nhà, khu phố của mình suốt từ đời này sang đời khác hàng trăm năm qua. Là một thành phố nhỏ ở tỉnh Quảng Nam, người dân Hội An cần cù, chịu thương, chịu khó quanh năm với kinh doanh với những nghề buôn bán thương mại gia truyền. Người có nhà mặt phố thì buôn bán hàng ăn uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, hay kinh doanh may mặc. Người ở trong hẻm nhỏ thì cũng đi bán thuê hoặc buôn bán ở chợ. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, người dân quen với nếp sống, cách sinh hoạt trong khu phố cổ. Cho đến giờ nếu có bảo họ chuyển đi nơi khác, họ cũng không biết đi đâu và thực chất là không muốn đi đâu bởi ở đây họ có thể sống và kinh doanh trên chính ngôi nhà của mình.
Để giữ gìn di tích, cần có sự định hướng của các cơ quan quản lý và trên hết là sự đồng thuận của người dân.
Những vấn đề nêu trên phần nào cho thấy rằng, việc muốn giữ gìn giá trị di sản, đặc biệt những di sản như phố cổ, nhả cổ cần có sự đồng thuận của người dân bởi chính họ là những chủ thể sống trong di sản đó. Cùng là những phố cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia, nơi thì người dân muốn giữ, nơi thì người dân lại muốn trả suy cho cùng cũng bởi cuộc sống. Thực tế không ai lại muốn bỏ đi danh hiệu cao quý mà mình đang nắm giữ trừ khi danh hiệu đó khiến người dân bị lệ thuộc và làm cuộc sống của họ khó khăn hơn. Nhìn vào sự thành công của phố cổ Hội An bây giờ ít ai biết rằng đầu những năm 90, người dân ở đây cũng đã từng muốn trả lại danh hiệu cho nhà nước cũng bởi cùng lý do như Đường Lâm, Đồng Văn. Khi mà những ngôi nhà cổ, di sản không mang lại lợi tích thiết thực nào ngoài sự bất tiện cho chủ nhân của chúng thì việc muốn thay đổi, muốn sửa chữa, cơi nới là điều tất nhiên.
Sự thành công của Hội An ngày hôm nay có được đầu tiên phải nói đến công của các cấp chính quyền địa phương. Bất chấp luồng dư luận phản đối dữ dội của người dân, chính quyền nơi đây vẫn kiên trì không cho phép bất kỳ một sự phá dỡ, cải tạo nào kể cả trong và ngoài di tích kiến trúc. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã lập một tổ chức để kiểm tra chặt chẽ những di tích trong lòng phố cổ, với những hộ dân nào chống đối cho xử phạt nặng. Bên cạnh việc quản lý nghiêm đó, chính quyền rất chú trọng đến việc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được giá trị của phố cổ, hiểu việc giữ được phố cổ chính là giúp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của chính họ. Bởi chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như các cấp quản lý ở Hội An hiểu rằng để có thể giữ gìn trọn vẹn giá trị di tích thì không thể chỉ phụ thuộc vào các cấp quản lý mà tiên quyết nhất chính là ý thức bảo vệ của người dân. Muốn như vậy phải cho người dân những nguồn lợi, những “phần thường” mà họ đáng được hưởng khi đồng lòng cùng nhà nước bảo vệ, giữ gìn di sản.
Chọn hướng đi phù hợp là phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, hướng dẫn người dân làm du lịch, Không chỉ có vậy, để khuyến kích người dân giữ nhà, phát triển du lịch, chính quyền còn áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế, hỗ trợ tiền trùng tu di tích từ 40 đến 75% tổng chi phí. Đến ngay cả việc xây dựng Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng khu phố cổ Hội An và Quy chế kinh doanh du lịch, chính quyền tỉnh cũng tổ chức lấy ý kiến từ chính những chủ thể của di tích đó là người dân. Chính việc này đã làm cho người dân có ý thức hơn trong việc cùng tham gia, giám sát các hoạt động trong khu phố cổ, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh du lịch hay tu bổ di tích.
Sau nhưng việc làm cụ thể, kiên quyết và nghĩ tới lợi ích của ngươi dân thì giờ đây Hội An đã trở thành 1 thành phố kiểu mẫu trong việc giữ gìn, phát huy giá trị phố cổ không chỉ của Việt Nam mà còn được nhiều quốc gia khác học tập. Có thể nói, danh hiệu di sản thế giới như là quyển hộ chiếu giúp Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách nhưng để Hội An trở thành thành phố kiểu mẫu và thành công như hôm nay chính là nhờ những chính sách quản lý tốt của địa phương và trên hết là ý thức của người dân nơi đây.
Qua ví dụ của Hội An có thể thấy rằng, những người dân sống trong lòng di sản dù là ở Đường Lâm, Đồng Văn hay Hà Nội thì họ cũng đều gắn bó với ngôi nhà của mình, cũng chẳng ai muốn rời bỏ hay phá hủy di tích. Điều cần thiết phải làm là các cấp chính quyền địa phương cần cho người dân thấy được lợi ích từ di tích. Ngược lại, người dân cũng cần có ý thức trước hết trong việc giữ gìn di sản mà mình đang nắm giữ. Chính việc giữ gìn nguyên vẹn di sản, di tích sẽ là cơ sở cho các cấp chính quyền, ngành quản lý xây dựng hướng phát triển, phát huy giá trị di tích quay trở lại tiếp tục có kinh phí hỗ trợ người dân.
Nguyễn Hương (Cinet)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL