Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 6.848
Huế - đô thị xanh mẫu mực của Việt Nam trong tương lai
Lượt đọc: 100154Thời gian: 09:09 - 22/10/2015

(VHH) - Đó là mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch hành động thành phố xanh Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt nhằm hiện thực hóa tầm nhìn thành phố xanh trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng ADB và Thừa Thiên Huế.

Ba nhiệm vụ đột phá

Xây dựng Huế thành một đô thị xanh, phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là trùng tu khu Kinh thành, các điểm di tích, điểm đặc trưng thu hút du lịch của Huế, tạo ra mô hình phát triển mới, phù hợp với đặc điểm riêng có của thành phố Huế.

Việc xây dựng thành phố Xanh Huế sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, mang tính đột phá là cải thiện môi trường đô thị, nâng cao các trải nghiệm du lịch và phát triển giao thông bền vững cho khu vực thành phố Huế mở rộng.

Theo đó, về nhiệm vụ cải thiện môi trường đô thị, Huế cần có hạ tầng cơ bản để có thể quản lý nước mưa và nước thải tốt hơn. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt mới được đề xuất cho bờ Bắc sẽ được lắp đặt cho khu vực Kinh Thành và vùng đệm.

Với rất nhiều hoạt động khác nhau được lên kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ này, môi trường đô thị của khu vực xung quanh khu Kinh Thành và các khu vực khác sẽ được cải thiện. Trên cơ sở đó sẽ ưu tiên phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải trong Khu Kinh Thành và các khu vực lân cận; cải tạo ao hồ, kênh rạch; cải tạo hệ thống thoát nước trong khu Kinh thành; xây dựng bãi chôn lấp rác tại Hương Bình; phát triển hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; cải thiện công tác giám sát chất lượng nước trên toàn thành phố...

Đối với việc nâng cao các trải nghiệm du lịch, sẽ mở rộng và làm ấn tượng hơn những trải nghiệm du lịch để thu hút và tăng thời gian thăm quan của du khách, qua đó tăng doanh thu từ du lịch và các hoạt động kèm theo. Sự đa dạng của các hoạt động du lịch văn hóa và tự nhiên sẽ được mở rộng. Thêm các hoạt động về đêm – bao gồm các chợ đêm và buổi diễn văn hóa – sẽ được giới thiệu. Một chợ thủ công mỹ nghệ mới sẽ được xây dựng trên một mặt bằng gần khu Kinh Thành.

Ngoài ra, các địa điểm chiến lược khác trong khu Kinh Thành (nhưng ngoài khu Hoàng Thành) sẽ được xây dựng để làm đa dạng hóa trải nghiệm thăm quan Kinh Thành và điểm độc đáo riêng có của Huế. Trong đó, ưu tiên mở rộng tính đa dạng của các hoạt động du lịch, bao gồm du lịch văn hóa và sinh thái; xác định các khu vực chiến lược của Kinh Thành - bên ngoài Hoàng Thành mà có thể tái xây dựng để nâng cao trải nghiệm du lịch; xây dựng một chợ thủ công mỹ nghệ mới ở phường Thủy Xuân; mở rộng “Huế về đêm” cung cấp dịch vụ chợ đêm và biểu diễn văn hóa; phát triển các phương án giao thông cộng cộng và giao thông phi cơ giới trong khu vực Kinh Thành.

Đối với nhiệm vụ phát triển giao thông bền vững cho khu vực thành phố Huế mở rộng, thành phố Huế hiện đang trong quá trình mở rộng, vượt ra ngoài các trung tâm đô thị truyền thống của Huế. Chính quyền mới và một trung tâm đa năng, đa dụng hiện đang được xây dựng tại khu An Vân Dương, nằm ở phía đông nam của trung tâm thành phố. Dự kiến sẽ mở rộng thêm các đô thị về phía tây của khu Kinh Thành. Cần có các đô thị mới này để có thể mở rộng cấu trúc đô thị và tạo không gian đa năng, đa dụng để phát triển ngành dịch vụ.

Tỉnh và thành phố dự kiến sẽ phát triển khu đô thị mới trên cơ sở nguyên tắc thành phố xanh trong đó có phát triển giao thông bền vững. Theo đó, sẽ xây dựng bãi đỗ xe ngoại vi kết nối với mạng lưới giao thông công cộng; xây dựng các tuyến đường mới nhằm tăng cường các kết nối đến các điểm du lịch và mở các huyện xanh mới; khuyến khích sử dụng xe đạp trong trung tâm thành phố và phát triển tuyến xe tàu điện.

Tập trung huy động nguồn lực

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, để xây dựng thành phố Xanh Huế, dự kiến từ nay đến năm 2030, Thừa Thiên- Huế phải huy động khoảng 9 ngàn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 1,4 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 khoảng 7,6 ngàn tỷ đồng.

Ngoài một số dự án đã được bố trí nguồn vốn để triển khai sáng kiến cho giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ cố gắng huy động từ các nguồn vốn bao gồm ngân sách nhà nước tập trung cho các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung không thu hồi được vốn, khu vực tư nhân không quan tâm; vận động vốn ODA từ các nhà tài trợ đa phương như ADB, WB, OFID hoặc từ các nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary... Nguồn vốn tập trung cho các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cả trong và ngoài khu vực thành phố Huế; vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu do Thừa Thiên Huế phát hành theo quy định của Chính phủ; đồng thời kêu gọi vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, tập trung vào các dự án hạ tầng có khả năng thu hồi vốn như cấp nước, y tế, giáo dục, xử lý môi trường hoặc các lĩnh vực dịch vụ khác.

Để huy động nguồn lực xã hội, tỉnh sẽ lập danh mục kêu gọi các dự án xã hội hoá đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện như: Xây dựng nhà máy xử lý rác thải, xây dựng các bãi đỗ xe kết nối mạng lưới giao thông công cộng, xây dựng chợ thủ công...

Theo Gia Bảo (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL