Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 2.651
Cùng nhau xây tổ ấm
Lượt đọc: 85315Thời gian: 11:02 - 04/01/2016

(VHH) - Sớm có ý thức về việc xây dựng gia đình văn hóa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Việt và bà Phạm Thị Nhung, trú tại thôn Mụ Nú, xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) là tấm gương sáng cho con cháu và bản làng noi theo.

Từ những việc nhỏ nhặt

Đến nhà ông Việt, chúng tôi thấy được hình ảnh người vợ ân cần chỉnh sửa lại bộ quần áo cho chồng trước khi ông đi dự chương trình của cựu chiến binh. Trước mặt chúng tôi, họ không e thẹn mà vẫn giữ nguyên tình cảm cho nhau, y hệt như cặp vợ chồng mới cưới.

Năm 1974, do chiến tranh nên gia đình bà Nhung từ xã Hương Lâm (huyện A Lưới) chuyển đến sống ở thôn Mụ Nú. Tình cảm giữa ông Việt và người con gái mới đến bén duyên. Hai năm sau, họ cưới nhau trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. "Cực lắm, hồi đó không có muối mà ăn. Đói khổ không thể nào diễn tả được", bà Nhung nhấn mạnh. Từ cái khó, hai vợ chồng dặn lòng phải thương yêu nhau, cùng siêng năng lao động để vượt qua "giông gió". Bận việc nước, việc làng nhưng hễ có thời gian, người chồng Nguyễn Văn Việt lại phụ vợ mọi công việc, từ chuyện cơm nước đến giặt giũ. Bù lại, bà Nhung cũng hiểu ý chồng nên chấp nhận một nắng hai sương trên nương rẫy. Có những bữa ăn chỉ toàn sắn, hai vợ chồng vẫn cảm thấy ngon miệng.

Ông Việt dứt khoát: "Cái khó đó chính là nền tảng để hai vợ chồng tui giáo dục con cái. Sinh ra 9 đứa con, nhưng đứa nào tui cũng đem chuyện cực khổ của bố mẹ ra mà kể. Thời bố mẹ cực khổ nhưng vẫn hạnh phúc, không có lý gì con cái lại bất hòa, khiến bà con làng bản phải giận". Trót sinh con đông, nhưng cả hai ông bà quyết không để đứa nào thất học. Ông Việt bảo, ít lắm là lớp 9, còn ai học được phải lên đến đại học. Nghe lời cha, những đứa con trong gia đình đều siêng năng kiếm con chữ để thành người.

Bà Nhung bảo, nói không có thì không đúng, nhưng thỉnh thoảng bất hòa, vợ chồng lại nhún nhường nhau nên không có chuyện giận nhau lâu. Chuyện vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" cũng chỉ có hai người biết, đây là cách mà họ để cho con cái thấy sự hạnh phúc của gia đình mà học tập. Ông Việt phấn khởi: "Bây giờ đã có 8 đứa lập gia đình nhưng không có đứa nào sinh con thứ ba vì tui đã căn dặn trước. Những người con trai, con rể thì dặn không được cờ bạc, rượu chè say sưa ảnh hưởng xóm làng; con gái, con dâu thì dặn phải nhẹ nhàng, đảm đang, thương chồng. Ngay cả chuyện đám cưới các con, tuy vẫn giữ phong tục của địa phương nhưng tui vẫn hướng các con làm đơn giản, không thách cưới khó khăn như ngày xưa".

“Nghĩa từ trái tim của mình”

Đưa cho chúng tôi nhiều giấy chứng nhận gia đình văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc liên tục từ năm 2007 đến nay, ông Việt tự hào: "Nhà tui được công nhận gia đình văn hóa sớm nhất ở đây và luôn dặn lòng giữ vững thành tích đó".

Lý do mà ông Việt đưa ra khá dễ hiểu, năm 1960, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Môi trường quân đội tôi luyện nhân cách của ông, khiến ông luôn ý thức về giữ gìn tấm gương của một người lính Cụ Hồ. Năm 1999, ông được bà con tin tưởng bầu giữ chức già làng, trong khi đó bà Nhung cũng từng được mọi người tín nhiệm đề cử bà làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Niềm vui tự hào xen lẫn ý thức trách nhiệm luôn được họ hiểu rõ. Ông Việt cương quyết: "Mọi người tin tưởng thì mình phải nghiêm túc. Không để làm mọi người thất vọng". Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, muốn cho bà con bản làng nghe, ông đều áp dụng trong nhà trước. Với người cựu chiến binh này, để giữ một nếp nhà văn hóa, chỉ cần nghe và thực hiện theo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nghĩ về vai trò, uy tín của mình để cố gắng.

Già làng thôn Mụ Nú quan niệm, mỗi gia đình có một lối suy nghĩ, một cách xử lý các vấn đề khác nhau nhưng muốn có văn hóa thì phải no cái bụng, phải quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Do đó, trong gia đình ông, nương rẫy, máy móc, ao hồ,... để làm kinh tế luôn được khai thác, tận dụng triệt để. Sự nỗ lực này đã đem về thu nhập cho gia đình mỗi tháng không dưới 20 triệu đồng, giúp ông sắm những vật dụng phục vụ sinh hoạt mà hiếm gia đình nào ở vùng cao có được: máy hút bụi, lược thông minh, máy massage, tủ lạnh,...

Trưởng thôn Mụ Nú - Nguyễn Đình Biền nhận định: "Gia đình ông Việt hạnh phúc và có nhiều điểm tiến bộ, nhiều thế hệ sống chung nhưng luôn hòa thuận. Ông Việt cũng là người thường xuyên hướng dẫn giúp bà con làm ăn kinh tế và xây dựng đời sống, gia đình văn hóa".

Kết thúc buổi nói chuyện với vị già làng, ông tóm lược một câu nói về cách xây dựng gia đình văn hóa mà chúng tôi nhớ mãi: "Phải suy nghĩ từ trong trái tim của mình. Mỗi người tự cố gắng thì gia đình sẽ hạnh phúc. Mỗi gia đình đều nỗ lực vươn lên thì xã hội sẽ bình yên, tốt đẹp".

Theo Lê Hữu Phúc (TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL