Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 1.943
Bản Hạ Long có phòng đọc
Lượt đọc: 2418Thời gian: 15:06 - 28/06/2023

Ở gác hai Nhà điều hành khu du lịch cộng đồng A doon bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền có một phòng đọc vừa được hình thành. Phòng đọc do anh Nguyễn Văn Nghề thành lập bằng cả sự tâm huyết của một người Pa hy muốn gieo mầm văn hoá đọc cho bản làng còn lạ lẫm với việc đọc sách.

Được sự hỗ trợ của Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế về giá, kệ, sách cùng một ít kinh phí, anh Nghề đã sửa sang gác hai vốn chẳng làm gì thành một phòng đọc khang trang. Anh tìm tòi khắp các nhà sách để mua những quyển sách hay như: Tuổi hoa niên đáng nhớ, Dành cho mẹ món quà của tình yêu, Hạt giống tâm hồn (trọn bộ), Đánh thức con người phi thường trong bạn, Tri thức là sức mạnh, Bí quyết để trở thành nhà quản lý tài ba, Hồ Chí Minh bàn về phong cách, Học và làm theo Bác,…

Nhân Ngày sách và văn hoá đọc lần thứ hai năm 2023 (21/4/2023), đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đã dự buổi ra mắt phòng đọc của bản Hạ Long và phát biểu: “Đây là phòng đọc đầu tiên ở xã Phong Mỹ, việc hình thành được phòng đọc là một nỗ lực lớn đáng biểu dương của cá nhân anh Nguyễn Văn Nghề và Sở Văn hoá và Thể thao cùng chính quyền địa phương. Xây dựng được văn hoá đọc và tình yêu với sách sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Thông qua phòng đọc để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội…”

Tại phòng đọc bản Hạ Long ngoài các kệ sách có gần 150 đầu sách phục vụ miễn phí cho bạn đọc, anh Nghề đã sưu tầm các nông cụ; lời bài hát của người Pa hy in thành văn bản; phô tô các tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ và đại học của con em người Pa hy treo ngay ngắn trên tấm phên tre của phòng đọc. Theo anh Nguyễn Văn Nghề:  “Mô hình vừa góp phần lưu giữ bản sắc văn hoá, vừa biểu dương tấm gương hiếu học của những người con bản Hạ Long. Sự khác biệt ở mô hình này đó là sự kết hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lại. Cụ thể đó là sự kết hợp giữa bảo tồn bản sắc văn hoá với định hướng phát triển tư duy mới theo sự phát triển chung của toàn xã xội. Quá khứ là những kỉ vật, những lời bài hát được lưu giữ lại cũng là một phần của bản sắc văn hoá riêng của người Pahy. Ngoài ra, việc trưng bày ở phòng đọc còn có tác dụng chứng mình cho thế hệ trẻ thấy hiện tại có nhiều cô chú, anh chị là dân tộc mình đã có những tấm bằng cao quý này và đang cống hiến cho đất nước, cho quê hương và cho đồng bào mình, họ làm được trong điều kiện khó khăn thì không có lý do gì mà các bạn trẻ không thành công như họ hoặc hơn họ trong điều kiện thuận lợi hơn.”

Để có được phòng đọc như hôm nay anh Nghề đã bỏ không biết bao công sức gầy dựng. Từ một căn gác hai đơn sơ chỉ vài cuốn sách do anh sưu tầm; bốn bức vách là những tấm phên tre cũ kỷ nay được sơn quét mới tinh. Qua một thời gian vận động và được sự hỗ trợ của Sở Văn hoá và Thể thao, phòng đọc được trang bị bàn ghế, kệ sách mới. UBND xã Phong Mỹ cũng đã hỗ trợ một tủ sách và những điều kiện khác giúp phòng đọc đi vào hoạt động thuận lợi. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, phòng đọc đã thu hút khá nhiều các cháu thiếu niên, nhi đồng ở địa phương và du khách đến tham quan, đọc sách.

Anh Nghề cho biết thêm: “Tương lai, là phải giúp thế hệ trẻ xác định được, hình dung được 10 năm sau, 20 năm sau họ ước mơ điều gì, họ khát khao điều gì, mục tiêu 10 năm sau của mỗi bạn trẻ là gì ? Và phòng đọc quý với tập hợp nhiều đầu sách hay giá trị nhất trong nước và thế giới sẽ góp phần giúp các bạn trẻ biết hình thành ước mơ, mục tiêu và kế hoạch hành động. Muốn mô hình luôn hoạt động hiệu quả mang lại nhiều lợi ích như mong muốn thì cần phải mở cửa thường xuyên, truyền thông rộng rải. Như vậy, cần phải có người luôn mở cửa mỗi ngày.

Sắp đến chúng tôi sẽ lập một nhóm “hội phụ huynh mong muốn con em yêu sách, mê đọc sách”  với độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi tại xã Phong Mỹ trong đó có bản Hạ Long. Chúng tôi cũng sẽ lập một nhóm “Hội cha mẹ tại bản Hạ Long cam kết, quyết tâm cho con có tấm bằng đại học”.

Nếu ai có dịp tham quan, tắm thác A doon, bản Hạ Long mọi người sẽ thấy có một phòng đọc ngay đầu lối đi vào thác, ngày ngày luôn mở cửa đón mọi người đến đọc sách.

HU
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL